Tăng trải nghiệm số cho khách hàng, ngành đường sắt thay đổi để phát triển
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 07:12, 20/11/2024
Tăng trải nghiệm số cho khách hàng, ngành đường sắt thay đổi để phát triển
Sự phục hồi của ngành đường sắt Việt Nam không chỉ đến từ việc tăng cường lưu lượng hành khách mà còn nhờ vào các cải tiến trong dịch vụ. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển này chính là chiến lược chăm sóc khách hàng, đặc biệt là thông qua việc tối ưu hóa trải nghiệm số.
Chú trọng dịch vụ
Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của Tổng công ty được ghi nhận tăng trưởng 10%, vượt mức 4.500 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ đạt doanh thu 2.966 tỷ đồng, tăng 11%. Đây là mức doanh thu bán niên kỷ lục của VNR và cao hơn mức thu cả năm của giai đoạn 2019 - 2021.
Những con số biết nói này là thành quả của việc triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Năm 2023, VNR đã ra quân nâng cấp tuyến đường sắt Nha Trang - TP. HCM - dự án có tổng chiều dài 411 km với mức đầu tư gần 1.100 tỷ đồng; triển khai hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) sau 27 năm; khai trương tàu chuyên tuyến Thạch Gia Trang (Trung Quốc) - Yên Viên (Việt Nam); ra mắt đoàn tàu chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng mang số hiệu SE19/20...
Mặt khác, VNR cũng đưa vào khai thác phòng chờ VIP; lần đầu cung cấp dịch vụ tổ chức lễ cưới trên chuyến tàu Đà Lạt - Trại Mát; cung cấp dịch vụ thuê xe máy cho du khách tham quan khi đến ga Hà Nội; phát động phong trào “Đường tàu - Đường hoa” để trồng gần 70 km cây, hoa, thu dọn hàng nghìn tấn rác thải xung quanh đường sắt...
Song song đó, VNR còn đặt dấu ấn lên bản đồ du lịch khi khai trương cà phê Hỏa xa tại ga Long Biên - địa chỉ vào danh sách những điểm tham quan đáng thử trên bản đồ du lịch thủ đô; đưa tuyến đường sắt Bắc - Nam xuất hiện trong cuốn Amazing Train Journeys của Lonely Planet - ấn phẩm tập hợp những chuyến đi tàu hỏa vĩ đại nhất thế giới...
Từ đầu năm 2024 đến nay, VNR đã thực hiện việc nâng cấp, chỉnh trang và bố trí phòng đợi tàu VIP tại một số ga lớn để đưa vào phục vụ hành khách như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn và trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện việc nâng cấp, chỉnh trang đối với nhiều ga khác trên toàn hệ thống.
Phong trào “Đường tàu - Đường hoa” với mục tiêu “Mỗi cung đường, một loài hoa - mỗi khu ga, một điểm đến” được VNR phát động từ tháng 3/2023 và tiếp tục triển khai sâu rộng trong năm 2024 đã khai thác được giá trị văn hoá, lịch sử… của từng khu ga nói riêng, từng địa phương nói chung và có sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, ngành còn đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế. Động thái này không chỉ nhằm mở rộng việc quảng bá, truyền thông, mà còn tăng khả năng tương tác cũng như nâng tầm trải nghiệm của khách hàng.
Ứng dụng chuyển đổi số
Cùng với việc tăng chú trọng nâng cao hệ thống hạ tầng, ngành đường sắt còn đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và hợp tác quốc tế. Tiêu biểu phải kể đến việc ứng dụng Zalo với các giải pháp như Zalo Notification Service (ZNS - gửi thông đến Zalo của người dùng qua số điện thoại), Zalo Official Account (Zalo OA - tài khoản Zalo chính thức của doanh nghiệp) và Zalo Mini App (ứng dụng nhỏ của doanh nghiệp trên nền tảng Zalo).
Không dừng lại ở việc cung cấp thông tin hành trình hay khuyến mãi, khi xảy ra sự cố, khách hàng cũng được gửi thông báo ZNS kịp thời về tình hình, phương án khắc phục và hướng dẫn lịch trình thay thế.
VNR luôn tìm kiếm một kênh để chăm sóc, tương tác nhằm nâng cao trải nghiệm hành khách. VNR đánh giá Zalo là một trong số những ứng dụng phổ biến nhất tại Việt Nam với nhiều tiện ích, chức năng phù hợp và có giá thành triển khai hợp lý. Đặc biệt, rất nhiều các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước và tư nhân cũng đang sử dụng hệ sinh thái Zalo.
Khi triển khai, VNR nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ đội ngũ của Zalo Cloud. Điều này đã giúp dự án được tiến hành thuận lợi và nhanh chóng, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược đổi mới lấy khách hàng làm trọng tâm của chúng tôi, hướng đến trải nghiệm di chuyển an toàn, tiện lợi và thoải mái nhất”.
Xuất hiện với một diện mạo mới bằng ZNS và Zalo Mini App, VNR mang đến trải nghiệm đa dạng, liền mạch, tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn, đặc biệt là người trẻ, đồng thời tạo sự hứng thú để người dùng tiếp tục quay lại sử dụng dịch vụ.
Chuyển đổi số còn giúp ngành đường sắt Việt Nam từng bước chuyển mình một cách tích cực để cải thiện lợi nhuận, thu hút đầu tư cho những dự án tiềm năng trong tương lai.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số còn khẳng định ngành đường sắt Việt Nam đã bứt khỏi sự trì trệ, từng bước chuyển mình một cách tích cực để cải thiện lợi nhuận, thu hút đầu tư cho những dự án tiềm năng trong tương lai. Mua vé tàu và thanh toán qua Zalo cũng là cách nhiều bạn trẻ lựa chọn cho các chuyến du lịch. Gần đây, giới trẻ đã lựa chọn đi tàu thay vì các phương tiện di chuyển khác vì vừa có chất hoài cổ, vừa được trải nghiệm nhiều dịch vụ mới mẻ.
Tập đoàn Vingroup vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng Công ty đường sắt Việt Nam về việc chuyển đổi số, thúc đẩy chuyển đổi “xanh” toàn diện. Theo đó, VNR sẽ tích cực tham gia chương trình “Mãnh liệt Tinh thần Việt Nam - Vì tương lai xanh” để chung tay thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi “xanh” cùng Tập đoàn Vingroup.
Hai bên sẽ hợp tác để triển khai các chương trình xúc tiến bán hàng trong hệ sinh thái của mỗi bên; cùng phối hợp truyền thông, quảng bá các hành trình du lịch, điểm đến trên khắp Việt Nam thông qua hệ thống đường sắt quốc gia và hệ sinh thái số của hai bên; hợp tác, liên kết để cùng xây dựng các sản phẩm chung…
Bên cạnh đó, từ năm 2024, VNR tập trung áp dụng hệ thống lõi quản trị vận tải qua mạng, số hóa toàn bộ quá trình vận tải, phương tiện, nâng cao an toàn vận dụng phương tiện
Cụ thể, các thông tin về phương tiện, thương vụ vận tải hàng hóa được các đơn vị, doanh nghiệp cập nhật liên tục trên hệ thống mạng sau khi hoàn thành chạy tàu; đảm bảo lưu trữ dữ liệu chính xác, đầy đủ các thông số kỹ thuật của các toa tàu, đầu máy, mác tàu, thành phần đoàn tàu, ga lập tàu, ga giải thể theo kế hoạch, số điện thoại đầu máy, tên lái tàu, trưởng tàu, điện thoại trưởng tàu.../.