Chú trọng chuyển đổi số, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ở Thái Nguyên phát triển
Truyền thông - Ngày đăng : 14:13, 20/11/2024
Chú trọng chuyển đổi số, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ở Thái Nguyên phát triển
Nhận thức được chuyển đổi số là xu hướng phát triển, nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã tại tỉnh Thái Nguyên đã tích cực áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ trên thị trường.
Doanh nghiệp, hợp tác xã chú trọng chuyển đổi số để “vươn mình”
Ngoài trang Facebook với hàng nghìn tài khoản theo dõi, những clip livestream đã uảng bá thu hút đông đảo người xem, trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), gian hàng của hợp tác xã (HTX) chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) còn có sản lượng tiêu thụ lên tới hàng nghìn đơn hàng mỗi tháng. Đây là những con số mà HTX chè Hảo Đạt đã đạt được từ việc áp dụng chuyển đổi số (CĐS) trong công tác quảng bá sản phẩm trà.
Trong khâu sản xuất, chế biến chè, HTX Hảo Đạt cũng đã chuyển đổi từ sản xuất, chế biến thủ công sang sử dụng các máy móc, thiết bị hiện đại như: Máy hút chân không, hệ thống sao sấy bằng điện, máy đóng gói tự động…
Ngoài ra, HTX còn ứng dụng các phần mềm chấm công, phần mềm quản lý bán hàng, giúp quản lý đơn hàng một cách dễ dàng và giảm được nhân công làm việc.
Còn đối với HTX Sản xuất và Thương mại dịch vụ Bản Việt, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình dù mới đi vào hoạt động chưa đầy 1 năm, song nhờ ứng dụng công nghệ số, hiệu quả sản xuất của HTX đã được nâng cao rõ rệt.
Thay vì sản xuất thủ công bằng tay như trước đây, HTX đã đầu tư nhà xưởng, khu trưng bày quy mô 200m2, dây chuyền sản xuất hiện đại. Đặc biệt, với hệ thống máy tạo hình cơm và máy chiên cơm - hai công đoạn quan trọng nhất trong sản xuất sản phẩm mang thương hiệu “cơm cháy Én Vàng” của HTX đã được tiết giảm đáng kể về thời gian và nhân công lao động.
Thời gian đầu khi sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, mỗi ngày HTX chỉ làm được khoảng 20 - 30 kg cơm cháy. Nhưng kể từ khi HTX áp dụng 80% máy móc vào các các công đoạn sản xuất thì sản lượng tăng rất cao, khoảng 1 tấn/ngày.
Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG là DN may xuất khẩu hàng đầu của tỉnh, tích cực CĐS. TNG đã đầu tư, ứng dụng nhiều dây chuyền, thiết bị công nghệ hiện đại vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như: Máy trải vải tự động, máy cắt tự động, máy lập trình...
Đối với công tác điều hành và quản trị, TNG đã nghiên cứu, ứng dụng các phần mềm quản trị như ERP (quản trị nguồn lực doanh nghiệp), kho thông minh..., giúp việc quản lý kho, vật tư, nguyên phụ liệu trở nên dễ dàng, thuận tiện Việc ứng dụng số hóa trong sản xuất, kinh doanh đang được các doanh nghiệp triển khai ngày càng phổ biến, sâu rộng.
Nhiều giải pháp đồng hành của chính quyền
Bên cạnh sự năng động, sáng tạo đổi mới của mỗi HTX, doanh nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy đầu tư, ứng dụng CĐS.
Thoe báo cáo triển khai nhiệm vụ 9 tháng năm 2024 của Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, toàn tỉnh có 760 HTX với trên 42.000 thành viên và hơn 4.500 tổ hợp tác với trên 108.000 thành viên. Xác định CĐS có ý nghĩa hết sức quan trọng, là “chìa khóa” để tăng năng suất lao động, thay đổi phương thức quản lý của khu vực kinh tế hợp tác, HTX.
Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ HTX ứng dụng CĐS, qua đó tạo sự đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn để hướng dẫn, phổ biến tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa của CĐS trong việc giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tăng thu nhập cho các HTX.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh còn quan tâm đến hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, giúp các HTX livestream bán sản phẩm của mình trên các trang mạng xã hội, hướng dẫn các HTX tự đưa sản phẩm của mình lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, tự quay Tiktok, clip quảng bá sản phẩm.
Với sự đồng hành đó, nhiều HTX trên địa bàn đã mạnh dạn áp dụng công nghệ số, từng bước tạo ra “cuộc cách mạng” thay đổi toàn diện cách làm truyền thống để hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp “số hóa”, hiện đại, thông minh.
Cũng theo báo cáo cáo triển khai nhiệm vụ 9 tháng năm 2024 của Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, toàn tỉnh có 90% HTX ứng dụng số trong hoạt động quản lý, 65% HTX ứng dụng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm; hầu hết sản phẩm của HTX đều được gắn mã QR để truy xuất nguồn gốc.
Tỉnh Thái Nguyên cũng đã xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề về CĐS. Trên cơ sở Nghị quyết này, các sở, ban, ngành triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ (quan tâm đầu tư, hoàn thiện hạ tầng số; xây dựng sàn giao dịch TMĐT tỉnh tại địa chỉ www.thainguyentrade.vn; thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ số cung cấp nền tảng, dịch vụ, giải pháp công nghệ thông tin...).
Hiện nay, qua thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên, có 240 cơ sở, doanh nghiệp, HTX với hơn 2.700 sản phẩm tham gia sàn TMĐT của tỉnh tại địa chỉ www.thainguyentrade.vn.
Tại đây, các doanh nghiệp, HTX đã xây dựng gian hàng ảo để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ theo hệ thống ngành (thực phẩm, đồ uống, da giày, thời trang, du lịch - lữ hành...). Sàn TMTĐT cũng hỗ trợ phương thức thanh toán trực tuyến; thiết lập đường dẫn liên kết với sàn của các tỉnh bạn. Đồng thời, ngành Công Thương cũng hỗ trợ, tư vấn cho các DN của tỉnh tham gia các sàn như: Lazada.vn; Tiki.vn; Sendo.vn và tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng livestream sản phẩm trên nền tảng số (Facebook, TikTok...)./.