Kỷ niệm ngày 20-11, PTIT khánh thành Cơ sở đào tạo Ngọc Trục

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 07:23, 20/11/2024

Tổ chức Scimago quốc tế đánh giá Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông là trường đại học số 1 Việt Nam về đổi mới sáng tạo năm 2024. Gần đây nhất, Học viện cũng đã được nhận giải thưởng ASOCIO 2024 dành cho hạng mục EduTech.
Chuyển động ICT

Kỷ niệm ngày 20-11, PTIT khánh thành Cơ sở đào tạo Ngọc Trục

Ánh Dương 20/11/2024 07:23

Tổ chức Scimago quốc tế đánh giá Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông là trường đại học số 1 Việt Nam về đổi mới sáng tạo năm 2024. Gần đây nhất, Học viện cũng đã được nhận giải thưởng ASOCIO 2024 dành cho hạng mục EduTech.

Chiều ngày 19/11 tại Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), Cơ sở đào tạo Ngọc Trục (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Học viện đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024) và khánh thành Dự án khu nhà giảng đường và ký túc xá Ngọc Trục.

f3c988ccd215694b3004.jpg

Trường đại học số 1 Việt Nam về đổi mới sáng tạo năm 2024

Phát biểu tại buổi lễ, PTS. TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc PTIT gửi lời tri ân đến các thế hệ nhà giáo của PTIT, những người đã và đang có những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp trồng người và sự nghiệp phát triển của PTIT, đất nước đưa đất nước đi vào kỷ nguyên số. Thầy, cô giáo chính là những người định hướng dẫn dắt thế hệ trẻ từng bước lĩnh hội kiến thức, vì vậy, vai trò của thầy, cô giáo đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp trồng người.

Như trong thư gửi các nhà giáo ngành TT&TT nhân ngày 20/11/2024, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng mong muốn các thầy, cô giáo ngành TT&TT sẽ làm cuộc cách mạng, xây dựng một triết lý mới trong việc đào tạo, trao truyền kiến thức cho sinh viên, học viên, khám phá những điều chưa có trong sách, trong bài giảng, không chỉ học lý thuyết mà còn học từ thực tế, không chỉ nghe mà còn hỏi, phản biện lại, cùng nhau xây dựng không gian học tập sáng tạo, linh hoạt, phát huy tối đa các ứng dụng công nghệ để công nghệ trở thành công cụ đắc lực cho thầy và trò trong hành trình tìm những tri thức mới để xây dựng phát triển đất nước, viết nên những trang mới tươi sáng rực rỡ cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Dưới sự chỉ đạo định hướng của Bộ TT&TT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian qua, PTIT đã khẳng định là trường đại học trẻ năng động, sáng tạo có mức tăng trưởng đột phá, có quy mô hơn 22.000 sinh viên (thuộc top 5% các trường đại học (ĐH) có quy mô lớn nhất cả nước), tiên phong về chuyển đổi số (CĐS), giáo dục ĐH và một trong những trường ĐH công nghệ hàng đầu cả nước, một trong năm trường liên minh đào tạo về bán dẫn, vi mạch.

PTIT cũng đã tiên phong mở những ngành/chương trình đào tạo mới như Fitech, công nghệ IoT, Kỹ thuật dữ liệu, Thiết kế vi mạch, Báo chí số, Thiết kế phát triển game… PTIT cũng là trường ĐH đầu tiên có khoa trí tuệ nhân tạo (AI).

Tổ chức Scimago quốc tế đánh giá PTIT là trường ĐH số 1 Việt Nam về Đổi mới sáng tạo (ĐMST) năm 2024. Gần đây nhất, PTIT cũng đã được nhận giải thưởng ASOCIO 2024 dành cho hạng mục EduTech (Công nghệ trong lĩnh vực giáo dục) do Hiệp hội Công nghiệp Điện toán châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) bình chọn.

Năm học 2023 - 2024, PTIT cũng đã khai trương các văn phòng đại diện tại Hàn Quốc, Nhật Bản và có đại diện tại Úc, Đức, Mỹ, mở ra tiền đề để Học viện hội nhập sâu rộng, toàn cầu hóa, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế trong giáo dục ĐH.

Năm 2024, cũng là năm “bùng nổ” giải thưởng quốc tế của sinh viên khi đã có nhiều sinh viên PTIT được tham gia và đạt giải Nhất trong các cuộc thi quốc tế tại Úc, Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Một số dự án nghiên cứu của sinh viên PTIT mang tính công nghệ đột phá và thực tiễn cao được các Tập đoàn, doanh nghiệp như Intel Huawei đánh giá xuất sắc như dự án “Aero ResQ: Hệ thống hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn dựa trên sóng Wifi và ứng dụng AI trên UAV”… 100 sinh viên PTIT và sinh viên quốc tế đã được trao đổi thực tập tại Học viện và tại nước ngoài trong năm 2024, PTIT cũng đã tổ chức lớp đào tạo Thạc sỹ ngành Khoa học máy tính bằng tiếng Anh cho sinh viên nước ngoài.

PGS. TS. Đặng Hoài Bắc cho biết: "Chuẩn bị bước sang năm 2025 với nhiều sự kiện quan trọng, trong đó, Học viện hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập học viện vào năm 2027. Nhiều thách thức lớn đặt ra về quy mô, vai trò vị thế của Học viện trong tương lai, có thể là ĐH đa ngành tiên phong dẫn dắt đào nhân lực chất lượng cao trong cuộc cách mạng CĐS, có đạt được những giá trị cốt lõi được hay không đòi hỏi mỗi người chúng ta ngồi đây phải suy nghĩ và hành động, nhận thức, quyết tâm nỗ lực cao nhất, trau dồi đạo đức của nhà giáo, cập nhật tri thức tạo ra giá trị của bản thân từ đó tạo ra giá trị cùng đẳng cấp của Học viện. AI cho dù thông minh đến đâu cũng chỉ trợ giúp cũng không thể thay thế được nhà giáo".

b623e465bebc05e25cad.jpg
PGS. TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc PTIT phát biểu tại buổi lễ.

Theo PGS. TS. Đặng Hoài Bắc, trước những đòi hỏi phát triển mới, PTIT phải mạnh mẽ hơn nhưng vẫn phải chú trọng đến chất lượng, chiều sâu và sự bền vững.

“Chúng ta phải có lộ trình xây dựng được thế hệ nhân tài PTIT từ sinh viên, giảng viên trẻ của Học viện để kế thừa phát triển và bứt phá thực hiện những trọng trách này... Học viện sẽ vẫn luôn là cái nôi đào tạo của cả nước về nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Bưu chính viễn thông, TT&TT, công nghệ số của quá khứ, hiện tại và tương lai, sẽ luôn là nơi tự hào đáng trở về của tất cả các thế hệ cán bộ sinh viên của ngành Bưu chính viễn thông, TT&TT”, PGS. TS. Đặng Hoài Bắc nhấn mạnh.

PTIT cần tiếp tục thực hiện sứ mệnh dẫn dắt CĐS giáo dục Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương gửi đến các thế hệ nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ viên chức, người lao động và toàn thể học viên, sinh viên của PTIT những tình cảm tốt đẹp nhất.

9185ed7db7a40cfa55b5.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương: Là đơn vị đào tạo đại học duy nhất của Bộ TT&TT, PTIT cần tiếp tục thực hiện sứ mệnh dẫn dắt CĐS giáo dục Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương, là một trong những tổ chức nghiên cứu đầu ngành trên cả nước, Học viện mang trong mình một sứ mệnh mới là trở thành hình mẫu về CĐS ĐH của Việt Nam. Ban lãnh đạo Học viện định hướng lấy CĐS là nền tảng để đổi mới căn bản những phương pháp giảng dạy theo hướng hiệu quả, tích hợp cá thể hóa những hệ đào tạo truyền thống cũng như tạo ra những đột phá trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để triển khai, hiện thực hóa tất cả những điều đó, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đề nghị Hội đồng Học viện, Ban lãnh đạo Học viện phải cụ thể hóa các bước đi, các mốc thời gian, các nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành tốt được những nhiệm vụ này.

Cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ tại chỗ cũng như có chính sách thu hút nhân tài thì Học viện phải tiến hành đánh giá, phát triển năng lực giảng viên. Đây không chỉ là việc quan trọng trong cải thiện chất lượng đào tạo của PTIT mà còn là nền tảng định hình những cơ chế chính sách đảm bảo rằng mỗi giảng viên PTIT đều có thể phát triển tốt nhất. Để thực hiện điều này, phải có bộ tiêu chí để đánh giá. Thứ trưởng cũng đề nghị Học viện cần sớm có bộ tiêu chí đánh giá này.

Ngoài ra, trong bối cảnh CĐS, công nghệ số, có rất nhiều công nghệ mới, PTIT cần quan tâm, tạo điều kiện cho các giảng viên của Học viện tham gia ngay các khóa đào tạo mới về CNTT, những phương pháp giảng dạy mới. Trong thời đại CĐS, mỗi môn học sẽ có hình thức giảng dạy khác nhau.

PTIT là đơn vị đào tạo ĐH duy nhất của Bộ TT&TT, do vậy cần tiếp tục thực hiện sứ mệnh dẫn dắt CĐS giáo dục Việt Nam. Thứ trưởng mong muốn ban lãnh đạo cùng tất cả đội ngũ thầy cô giáo của Học viện sẽ tiếp tục sự nghiệp trồng người với nhiệt huyết, lòng yêu nghề, sự tận tâm, cống hiến để tiếp tục đào tạo cung cấp những thế hệ công dân toàn cầu, mang đậm dấu ấn PTIT.

Đánh giá cao nỗ lực của PTIT trong việc hoàn thành cơ sở đào tạo Ngọc Trục, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương bày tỏ: “Lãnh đạo Bộ TT&TT ghi nhận những cố gắng của ban lãnh đạo Học viện trong quyết tâm triển khai và hoàn thành xây dựng cơ sở đào tạo Ngọc Trục trong đúng dịp đặc biệt này. Học viện cũng cần sớm triển khai đưa vào sử dụng ngay cơ sở đào tạo Ngọc Trục”.

Cơ sở đào tạo Ngọc Trục góp phần quảng bá hình ảnh, nâng tầm vị thế của Học viện trước người học và xã hội

Trong khuôn khổ buổi lễ, PTIT đã khánh thành Cơ sở đào tạo Ngọc Trục. Đây là dự án trọng điểm để nâng cao chất lượng cơ sở vật chất của Học viện trong chiến lược phát triển, đáp ứng nhiệm vụ đào tạo được Nhà nước giao phó.

Dự án gồm nhà giảng đường và hiệu bộ 13 tầng, nhà ký túc xá 8 tầng, công trình phụ trợ, diện tích xây dựng 1.600m2, diện tích sàn xây dựng là 16.61 m2 với tổng mức đầu tư 190 tỷ đồng (quyết định tại thời điểm năm 2009).

Công trình được chính thức khởi công xây dựng vào năm 2011. Đây là dự án phức tạp diễn ra trong thời gian dài, gặp nhiều khó khăn thách thức. Dự án phải nhiều lần điều chỉnh, kéo dài thời hạn, đến tháng 11/2024, dự án chính thức hoàn thành và có thể đưa vào khai thác sử dụng. Kết quả này đánh dấu một cột mốc mới trong quá trình không ngừng cải thiện và nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, phục vụ công tác dạy và học của PTIT.

321ec2309be920b779f8.jpg
GS. TS. Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện: Việc hoàn thành công trình có ý nghĩa quan trọng đối với Học viện.

Phát biểu tại buổi lễ, GS. TS. Từ Minh Phương bày tỏ vui mừng khi Cơ sở đào tạo Ngọc Trục đã chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng. Đây là dấu mốc mới vô cùng ý nghĩa đáp ứng kỳ vọng của đông đảo cán bộ và giảng viên, sinh viên PTIT, từng bước hoàn thiện về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, nâng cao năng lực đào tạo và uy tín của PTIT.

Đặc biệt, công trình được hoàn thiện vào thời điểm không thể phù hợp hơn khi PTIT đang có nhu cầu cấp thiết về giảng đường lớp học, phòng làm việc giảng viên, phòng thí nghiệm hiện đại trong điều kiện cơ sở hiện có mặc dù đã được nâng cấp cải thiện đáng kể nhưng bắt đầu có dấu hiệu quá tải do sự phát triển rất nhanh của Học viện trong những năm gần đây.

"Việc đưa vào sử dụng cơ sở đào tạo Ngọc Trục không chỉ góp phần mở rộng cảnh quan, khuôn viên của Học viện nói chung, mà còn quảng bá hình ảnh, nâng tầm vị thế của Học viện trước người học và xã hội. Sau buổi lễ khánh thành hôm nay, Học viện sẽ khẩn trương triển khai phương án, đưa cơ sở đào tạo Ngọc Trục vào sử dụng, tận dụng tối đa diện tích và công năng của công trình, các giảng đường, khu làm việc, phòng thí nghiệm sẽ được trang bị hiện đại đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu chất lượng cao theo đúng định hướng phát triển của Học viện", GS. TS. Từ Minh Phương nhấn mạnh.

cong-nhan-gs-ptit-2024.jpg
Ba nhà giáo của Học viện được công nhận đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư.

Nhân dịp này, PTIT đã vinh danh các nhà giáo, trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Giáo dục, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp TT&TT cho các nhà giáo có nhiều thành tích. Đồng thời, ghi nhận những nỗ lực và khen thưởng các tập thể xuất sắc trong năm học 2023 - 2024.

Đặc biệt, tại buổi lễ, Học viện cũng đã công bố và chúc mừng 3 nhà giáo của Học viện được Hội đồng Giáo sư Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm 2024.

PGS. Phạm Ngọc Anh được công nhận đạt chuẩn chức danh Giáo sư ngành Toán học; TS. Nguyễn Tiến Chinh được công nhận đạt chuẩn chức danh Phó giáo sư ngành Điện tử; TS. Dương Thị Thanh Tú được công nhận đạt chuẩn chức danh Phó giáo sư ngành Điện tử./.

Ánh Dương