Khai thác sức mạnh dữ liệu trong kỷ nguyên số để "giải" các vấn đề của các lĩnh vực
Diễn đàn - Ngày đăng : 14:10, 20/11/2024
Khai thác sức mạnh dữ liệu trong kỷ nguyên số để "giải" các vấn đề của các lĩnh vực
Dữ liệu là tài nguyên quý giá, đóng góp cho phát triển kinh tế số, chính phủ số, công dân số. Cơ sở dữ liệu quốc gia khi ra đời sẽ giúp người dân cũng như doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc thực hiện các quy trình, thủ tục.
Trong phiên tọa đàm “Khai thác sức mạnh dữ liệu trong kỷ nguyên số: Từ chiến lược đến hành động” trong khuôn khổ sự kiện FPT Techday 2024, câu chuyện khai phá sức mạnh dữ liệu đưa Việt Nam phát triển vươn tầm, vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại đã được đặt lên bàn thảo luận.
Tọa đàm có sự tham gia của Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu (TTDL) quốc gia về dân cư, Bộ Công an; ông Nguyễn Việt Hà, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính; ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng giám đốc FPT IS, Tập đoàn FPT.
Các diễn giả đã cùng trao đổi và chia sẻ về thực tiễn chính sách, quy định liên quan đến dữ liệu, chiến lược dữ liệu của các Bộ ngành, địa phương cùng những trọng tâm mà các tổ chức, doanh nghiệp (DN) cần lưu ý để khai thác dữ liệu chất lượng. Các diễn giả khẳng định dữ liệu sẽ giúp nâng cao năng lực quản trị điều hành, thúc đẩy kinh tế - xã hội và giải quyết toàn diện vấn đề của các lĩnh vực.
Dữ liệu tạo huyết mạch kinh tế quốc gia, nhiên liệu cho công nghiệp 4.0
Theo Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Bộ Công an, dữ liệu là tài nguyên vô giá của quốc gia. Trên thế giới khi định nghĩa kinh tế số, dữ liệu là một trong hai thành tố không thể thiếu được để hình thành nên nền kinh tế số. Nghị quyết số 175/NQ-CP của Chính phủ về phê duyệt Đề án TTDL quốc gia ra đời xuất phát từ Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Trong quá trình triển khai, Đề án 06 có 5 nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến dữ liệu gồm: cải cách thủ tục hành chính, phát triển công dân số, ứng dụng dữ liệu vào phát triển kinh tế xã hội, làm giàu dữ liệu dân cư, sử dụng dữ liệu để hoạch định chính sách… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cả 5 vấn đề này đều có nhiều tồn tại, vướng mắc và Nghị quyết số 175/NQ-CP ra đời để giải quyết một trong những tồn tại đó.
Nghị quyết số 175 nhằm xây dựng một cơ sở dữ liệu (CSDL) tổng hợp quốc gia được chuẩn hóa để phục vụ cho công việc của chính phủ, DN, công dân... Ngoài ra, Nghị quyết sẽ giải quyết bài toán về thay đổi cách trao đổi, phân phối dữ liệu khi thực tế có nhiều dữ liệu ở nhiều bộ ngành, địa phương chưa được liên kết, chia sẻ với nhau.
Để đảm bảo nền tảng về tài nguyên, về năng lực công nghệ cho các bộ ngành, địa phương để giải bài toán CNTT, dữ liệu cũng là vấn đề lớn. Nghị quyết 175 ra đời cũng sẽ hỗ trợ các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các bộ ngành, địa phương chưa có đủ điều kiện có nền tảng hạ tầng CNTT.
“Khi đảm bảo những điều kiện này thì chúng ta mới có hệ thống CSDL đủ lớn để ứng dụng những giải pháp tiên tiến hiện nay như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn”, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Từng bước khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị
Tại tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ về những bước tiến, chương trình hành động cụ thể trong việc hoạch định chiến lược cũng như khai thác nguồn dữ liệu quan trọng để tạo ra giá trị, phục vụ hiệu quả cho công tác quản trị điều hành và cung cấp dịch vụ công cho người dân, DN.
Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, sắp tới, Hà Nội sẽ chính thức ban hành chiến lược dữ liệu của Thủ đô với những kế hoạch cụ thể để phát triển dữ liệu trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, công dân số.
Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, Thành phố sẽ phát triển các lớp phân tích dữ liệu bao gồm 3 loại dữ liệu chính mà trong chiến lược dữ liệu đã đề ra đó là: dữ liệu về kinh tế ngành; dữ liệu về hiện trường (bao gồm những dữ liệu phản ánh kiến nghị của công dân trên địa bàn thành phố, dữ liệu từ các camera giám sát, dữ liệu từ các trạm ảnh về quan trắc,…) và dữ liệu không gian.
“Chúng tôi khai thác những dữ liệu này để xây dựng bản sao số của Hà Nội trên không gian số bao gồm cả về địa lý, hoạt động của con người trên địa bàn thành phố. Dựa vào 3 nguồn dữ liệu chính ấy mà kho dữ liệu chúng tôi đang xây dựng sẽ được phân tích để hỗ trợ lãnh đạo các cấp của thành phố ra quyết định trong các trường hợp cần thiết”, ông Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Hà, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính cho biết, để tạo nên các nguồn dữ liệu đầu cho ngành tài chính, năm 2019, đơn vị đã hoàn thành phê duyệt Kiến trúc CSDL quốc gia về tài chính, trong đó có 12 CSDL chủ đề và một CSDL rất quan trọng là CSDL tổng hợp tài chính để tổng hợp thông tin chung nhất nhằm phục vụ cho việc quản lý điều hành nội bộ ngành và cung cấp thông tin cho cơ quan chính phủ, người dân và DN bên ngoài. CSDL tổng hợp này sẽ hoàn thành vào tháng 12 năm nay. Hiện nay đang ở những bước cuối cùng là tập huấn cho diện rộng trên toàn quốc.
"Để duy trì và vận hành những hệ thống CSDL như vậy thì một việc hết sức quan trọng là phải đảm bảo dữ liệu đầu vào cho hệ thống này. Chúng tôi đang phải liên tục duy trì và phát triển hệ thống gần 100 phần mềm ứng dụng để cung cấp nguồn dữ liệu đầu vào, từ đó mới có dữ liệu để chia sẻ và phục vụ cho Đề án 175", ông Nguyễn Việt Hà cho biết.
Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính bày tỏ tin tưởng thông qua Đề án 175, đề án phát triển dữ liệu quốc gia và các kiến trúc trao đổi dữ liệu, an toàn an ninh bảo mật, chúng ta sẽ có được nền tảng chia sẻ, hệ thống chỉ tiêu nhất quán để có thể chủ động tổ chức trao đổi dữ liệu thống nhất với các đơn vị, cơ quan bên ngoài.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng giám đốc FPT IS, Tập đoàn FPT chia sẻ thêm, mỗi ngày trên app VNeID xử lý 800 bộ hồ sơ lý lịch tư pháp (LLTP). Trước đây để xin được xác minh LLTP người dân cần phải đến chính quyền địa phương tùy theo phân cấp để làm lý lịch, đóng phí, chờ vài ngày nhưng hiện tại công dân đã có thể làm dịch vụ đó hoàn toàn trên VNeID. Đó là thành công nhỏ về mặt công nghệ nhưng đóng góp lớn cho xã hội. Việc chia sẻ dữ liệu dân cư, tài chính có thể giúp các DN phát triển nhanh hơn.
Vai trò của các DN công nghệ trong việc triển khai Nghị quyết 175 và Đề án 06
Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Bộ Công an cho biết, đến bây giờ các tập đoàn, công ty lớn như FPT vẫn đồng hành cùng Bộ Công an trong công tác thiết kế, triển khai lựa chọn các giải pháp tiên tiến nhưng phù hợp nhất để có thể triển khai thành công CSDL quốc gia. Tuy nhiên, định định hướng về lâu dài khi có hệ thống CSDL quốc gia rồi thì nó mang lại lợi ích gì cho DN, người dân và ngược lại ngược lại các DN có thể đóng góp được gì cho dữ liệu quốc gia?
Dữ liệu là tài nguyên quý giá, đóng góp cho phát triển kinh tế số, chính phủ số, công dân số. CSDL quốc gia ra đời chắc chắn giúp người dân, DN thuận tiện hơn trong việc thực hiện các thủ tục.
Theo Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, sự đóng góp của DN, người dân trong quá trình phát triển của CSDL quốc gia là cực kỳ quan trọng. Khi chúng ta có nguồn dữ liệu đủ lớn thì chúng ta mới có thể hoạch định được những chính sách phù hợp, đúng đắn.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho hay, ở thời điểm hiện tại, mỗi khoảnh khắc, mỗi giây, dữ liệu sinh ra từ các hệ thống công nghệ có thể gấp nhiều lần của cả lịch sử loài người để lại. Đứng trước biển dữ liệu đó, chúng ta khai thác thế nào cũng là một bài toán không đơn giản. Muốn khai thác được phải có phương pháp, chiến lược.
Đơn cử như chúng ta làm chính quyền số hiện nay, dữ liệu từ các hệ thống phục vụ nhân dân đang có rất nhiều thứ chúng ta có thể khai thác được để hoàn thiện chính sách, nâng cao hiệu quả quản trị. Chẳng hạn như các dữ liệu từ ứng dụng công dân số (iHanoi), nhìn vào những phản ánh của người dân chúng ta thấy những cái nào được phản ảnh nhiều sẽ tập trung vào xử lý trước để mang lại an sinh xã hội cho người dân. Hay nhìn vào dữ liệu hải quan chỉ trong 1 quý thôi chúng ta biết đất nước mình xuất khẩu những mặt hàng gì, nhập khẩu những mặt hàng gì. Những dữ liệu này sẽ giúp DN xây dựng những chiến lược kinh doanh, chăm sóc khách hàng phù hợp./.