Việt Nam hội nhập để phát triển cùng ASEAN

Truyền thông - Ngày đăng : 10:01, 10/11/2024

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các hội nghị Cấp cao liên quan mới đây đã kết thúc thành công ở Thủ đô Viêng Chăn của Lào, khép lại năm hợp tác ASEAN 2024 đáng nhớ về “Kết nối và Tự cường”, bứt tốc triển khai các kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025...
Truyền thông

Việt Nam hội nhập để phát triển cùng ASEAN

Hoàng Hà 10/11/2024 10:01

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các hội nghị Cấp cao liên quan mới đây đã kết thúc thành công ở Thủ đô Viêng Chăn của Lào, khép lại năm hợp tác ASEAN 2024 đáng nhớ về “Kết nối và Tự cường”, bứt tốc triển khai các kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025...

Một ASEAN đoàn kết phát triển

Ra đời cách đây gần 60 năm trong bối cảnh khu vực có nhiều bất ổn bởi sự chia rẽ và nghi kỵ, ASEAN đã từng bước đoàn kết, mở rộng, phát triển mang lại diện mạo mới cho khu vực, nuôi dưỡng lòng tin lớn dần theo năm tháng. Giờ đây ASEAN, từ một tổ chức chỉ có 5 thành viên, đến nay, ASEAN đã trở thành ngôi nhà chung của cả 10 quốc gia Đông Nam Á, mở ra thời kỳ mới cho đoàn kết và hợp tác khu vực. Cộng đồng ASEAN hình thành ngày 31/12/2015, đánh dấu bước phát triển về chất của ASEAN, củng cố thêm vững chắc nền tảng liên kết, khẳng định vai trò không thể thiếu đối với hòa bình khu vực và trên thế giới.

Các động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, đang tạo ra những bước chuyển mang tính thời đại, làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và mọi mặt đời sống xã hội. Trong cục diện đầy biến động đó, ASEAN tiếp tục nổi lên là hình mẫu về đoàn kết, tâm điểm về tăng trưởng, điểm sáng của sự nỗ lực và điển hình trong thích ứng các xu hướng phát triển mới.

asean.jpg

Với dự báo tăng trưởng năm 2024 là 4,6% và năm 2025 là 4,8%, vượt xa mức trung bình của thế giới, ASEAN tiếp tục ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng, được kỳ vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030. Tăng cường kết nối giữa các nền kinh tế, ASEAN đẩy nhanh nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN, cơ bản hoàn tất đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc phiên bản 3.0, triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP)…

Các khuôn khổ hợp tác mới của ASEAN về kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển xanh cho thấy bước chuyển của ASEAN trong tư duy và hành động, không chỉ chủ động nắm bắt các động lực tăng trưởng mới, mà còn dẫn dắt và định hình các nội hàm hợp tác mới ở khu vực. Với định hướng “đặt người dân ở vị trí trung tâm của các nỗ lực xây dựng Cộng đồng”, tất cả các cơ quan chuyên ngành của ASEAN về giáo dục, lao động, y tế, văn hóa… đều nhận thức sâu sắc mục tiêu xây dựng Cộng đồng hướng tới người dân, phục vụ lợi ích thiết thực của người dân, coi đây là mục tiêu hướng đến cao nhất trong hoạch định và triển khai chính sách.

Sự gắn kết, gắn bó và tin tưởng của người dân chính là chất xúc tác cho sợi dây liên kết giữa các quốc gia thêm bền chặt, đồng thời phản ánh rõ nét bản chất của ASEAN là một Cộng đồng hài hòa, nhân văn và dung nạp, vì sự phát triển đồng đều, công bằng cho tất cả mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trên bước đường sắp tới với nhiều cơ hội và thách thức phía trước, nhiệm vụ đặt ra cho ASEAN là giữ vững thành quả đã đạt được, tiếp tục nâng tầm liên kết và hợp tác trên cả ba chiều cạnh về quy mô, phạm vi và chất lượng.

Việt Nam chủ động, tích cực sáng tạo tham gia ASEAN

Gần 3 thập kỷ tham gia ASEAN đã chứng minh tầm quan trọng to lớn của ASEAN đối với Việt Nam. Kể từ khi trở thành thành viên ASEAN năm 1995, tham gia ASEAN luôn là lưu tiên chiến lược và lựa chọn hàng đầu của Việt Nam, ASEAN là “không gian chiến lược” góp phần tạo dựng cục diện thuận lợi, giữ vững môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển cho đất nước. ASEAN là “cầu nối” để Việt Nam mở rộng hợp tác, huy động nguồn lực hỗ trợ cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội. ASEAN là “điểm tựa” để Việt Nam phát huy vai trò, nâng cao giá trị chiến lược trong quan hệ với các đối tác và tự tin, tự lực, tự cường tham gia, hội nhập ở các cơ chế, diễn đàn rộng lớn hơn.

Việt Nam đã và đang từng bước mở cửa và hội nhập, gắn sự phát triển của đất nước với dòng chảy phát triển chung của ASEAN, khu vực và thế giới. Các giai đoạn Việt Nam tham gia ASEAN luôn đồng hành với quá trình đổi mới tư duy đối ngoại của đất nước. Theo thời gian, chúng ta ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, vững vàng tham gia hợp tác ASEAN nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung, với những đóng góp ngày càng đậm nét. Những đóng góp mang đậm dấu ấn của Việt Nam phải kể đến, đó là phát huy và lan tỏa các giá trị và nguyên tắc nền tảng của ASEAN, như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Việt Nam cũng đã từng bước củng cố mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng của ASEAN, tích cực tham gia đàm phán, rà soát, nâng cấp các hiệp định, thỏa thuận của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, khẳng định vai trò đi đầu của ASEAN trong xu thế tự do hóa thương mại dựa trên luật lệ; làm đậm thêm bản sắc của Cộng đồng ASEAN là nguyên tắc đồng thuận và thống nhất trong đa dạng; của dân, do dân và vì dân với cách tiếp cận “lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực” của tiến trình xây dựng Cộng đồng. Nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm, Việt Nam chủ động tham gia và đóng góp nhiều hơn cho công việc chung, với phương châm sáng tạo trong tư duy, đổi mới trong tiếp cận, linh hoạt trong triển khai, hiệu quả trong cách làm, và quyết liệt trong hành động.

Trong mục tiêu củng cố đoàn kết ASEAN, Việt Nam không chỉ cùng các nước xây dựng đồng thuận trên cơ sở dung hòa khác biệt, mà cần nâng cao chất lượng đồng thuận trên cơ sở gia tăng mức độ đan xen và hợp tác gắn kết lợi ích, hướng tới nâng dần mẫu số chung về lợi ích của các nước thành viên; Nâng cao năng lực ứng phó của ASEAN trước mọi thách thức, từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…; Sáng tạo hơn thông qua đề xuất các sáng kiến, ý tưởng phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng Cộng đồng, tạo đột phá chiến lược, thúc đẩy kết nối nội khối kết hợp với kết nối bên ngoài, kết nối công-tư, kết nối đa lĩnh vực; Nỗ lực hơn để thúc đẩy ASEAN tham gia và vươn tầm ở những không gian rộng lớn hơn, có đủ cơ sở và điều kiện để mở rộng ảnh hưởng ở cả tầm khu vực và toàn cầu. Đẩy mạnh hơn việc hài hòa hóa thể chế trong khu vực và tiến bộ toàn cầu; phù hợp với văn hóa, thể chế chính trị của ASEAN và của mỗi thành viên.

Trên hành trình phát triển mới của ASEAN, Việt Nam sẵn sàng phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, trách nhiệm đối với Cộng đồng ASEAN, đóng góp nhiều hơn nữa và hiệu quả hơn nữa cho tiến trình liên kết, thúc đẩy tâm điểm tăng trưởng và hợp tác khu vực, vì mục tiêu chung là hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững.

Hoàng Hà