Cà Mau ứng dụng các phần mềm chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 15:25, 21/11/2024

Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã không ngừng triển khai các giải pháp chuyển đổi số thông qua việc sử dụng các phần mềm, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành. Trong tương lai không xa, các phần mềm này sẽ hoàn thiện và bắt kịp xu hướng công nghệ để hỗ trợ người nông dân nhiều hơn trong việc tăng gia sản xuất.
---- Chuyển đổi số

Cà Mau ứng dụng các phần mềm chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp

Nguyễn Nhàn {Ngày xuất bản}

Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã không ngừng triển khai các giải pháp chuyển đổi số thông qua việc sử dụng các phần mềm, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành. Trong tương lai không xa, các phần mềm này sẽ hoàn thiện và bắt kịp xu hướng công nghệ để hỗ trợ người nông dân nhiều hơn trong việc tăng gia sản xuất.

Vận hành hiệu quả phần mềm Nông nghiệp Cà Mau

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và Đề án của UBND tỉnh Cà Mau về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tập trung thúc đẩy các nền tảng số quốc gia làm động lực phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã triển khai phần mềm “Nông nghiệp Cà Mau”; “Truy xuất nguồn gốc” được tích hợp trên App CaMau-G; phối hợp với dự án GCF xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản và đang trong thời gian chạy thử nghiệm.

Đồng thời, ngành nông nghiệp Cà Mau cũng phối hợp với Viettel xây dựng bản đồ số GIS trong nông nghiệp kết hợp với phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành nông nghiệp sẵn có…

Trong đó, phần mềm Nông nghiệp Cà Mau được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vận hành và sử dụng hiệu quả. Sau gần 6 năm đi vào hoạt động phần mềm Nông nghiệp Cà Mau đã mang lại nhiều mặt tích cực trong thông tin quản lý lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.

Bên cạnh đó, với hệ thống số liệu chuẩn hoá, sẽ làm cơ sở phục vụ nghiên cứu khoa học, tăng tính dự báo, đáp ứng tình hình phát triển chung, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp 4.0, tiến tới chuyển đổi số toàn diện.

Sau ba lần nâng cấp, phần mềm đã tích hợp nhiều tính năng và phân hệ mới, cung cấp thông tin hữu ích và kịp thời cho nông dân. Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai phần mềm tới nông dân, tập trung vào việc đa dạng hóa thông tin nông nghiệp, số hóa các mô hình sản xuất quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao.

Phần mềm được thiết kế với hai phiên bản: Phiên bản ứng dụng di động mang tên “Nông nghiệp Cà Mau”, phát triển trên nền tảng Android và iOS, có thể sử dụng trên hầu hết các điện thoại thông minh và máy tính bảng; và phiên bản Web có thể truy cập qua địa chỉ nongnghiepcamau.vn trên máy tính.

nong-nghiep-ca-mau.png
Phần mềm Nông nghiệp Cà Mau được vận hành hiệu quả.

Các tính năng của phần mềm bao gồm: thông tin về giá cả và thị trường; hướng dẫn quy trình và kỹ thuật sản xuất; giới thiệu các mô hình sản xuất hiệu quả trong lĩnh vực ngư, nông, lâm; thông tin cảnh báo về thời tiết, môi trường, dịch bệnh và phòng chống thiên tai; cùng với hệ thống dữ liệu ngành Nông nghiệp phục vụ cho công tác chỉ đạo và điều hành. Ngoài ra, phần mềm còn hỗ trợ người dân phản ánh nhanh chóng về thiên tai và dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất

Ðến nay, phần mềm Nông nghiệp Cà Mau đã có hơn 5.730 tin, bài cung cấp thông tin cho người dân; hơn 150 thông tin chỉ đạo điều hành và nhận hơn 38 phản hồi từ người dân; Số lượt cài đặt là ơn 5.000 lượt, số lượt truy cập trên Web hơn 630.00 lượt.

Dựa trên phần mềm Nông nghiệp Cà Mau, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đã tổ chức được trên 270 cuộc tư vấn trực tuyến vào thứ tư và thứ 6 hằng tuần, giải đáp trên 700 câu hỏi của nông dân trên khắp các địa bàn. Từ đó, những thắc mắc về kỹ thuật sản xuất và những khó khăn khi nuôi thuỷ sản cũng như trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi... của nông dân đều được các chuyên gia tư vấn sát sao và kỹ lưỡng nhất.

Không ngừng triển khai các giải pháp chuyển đổi số

Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã không ngừng triển khai các giải pháp CĐS thông qua việc sử dụng các phần mềm, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành. Trong tương lai không xa, các phần mềm này sẽ hoàn thiện và bắt kịp xu hướng công nghệ để hỗ trợ người nông dân nhiều hơn trong việc tăng gia sản xuất và là "người giúp việc" hiệu quả cho Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau trong công tác quản lý, điều hành.

ca-mau-nong-dan-bat-nhip-chuyen-doi-so-12-13490930.jpg
Cà Mau triển khai sử dụng các phần mềm, ứng dụng. (Ảnh VTC News)

Nhằm đẩy mạnh CĐS trong ngành nông nghiệp, hiện tại, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đã triển khai sử dụng các phần mềm, ứng dụng như: Ứng dụng công nghệ 4.0 vào hệ thống đo môi trường nước trên tuyến sông phục vụ nuôi trồng thuỷ sản; thực hiện thí điểm sử dụng Hệ thống quản lý thông tin chuyên ngành nông nghiệp; hoàn thiện phần mềm quản lý hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS); triển khai vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để áp dụng cho chuỗi giá trị tôm sinh thái; tích hợp các thiết bị giám sát môi trường nước, mực nước phục vụ sản xuất trong ngành nông nghiệp và mô hình trình diễn tưới tiêu tự động đặt tại Trung tâm Giống nông nghiệp.

Hiện nay, theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, 38 cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Cà Mau áp dụng hiệu quả giải pháp truy xuất nguồn gốc blockchain với thông tin sản phẩm được hiển thị minh bạch trên Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm tỉnh Cà Mau.

Theo kế hoạch Triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2025, tính đến nay, hệ thống truy xuất nguồn gốc tại tỉnh Cà Mau đã triển khai cho 39 sản phẩm đặc trưng (bao gồm 20 sản phẩm OCOP và 19 sản phẩm nhãn hiệu) thuộc 38 cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, với hơn 60.000 tem truy xuất nguồn gốc blockchain được phát hành.

Một trong những sản phẩm áp dụng hiệu quả có thể kể đến như: bánh phồng tôm Cái Bát, bồn bồn Cái Nước, mắm cá lóc Thới Bình, đũa đước Chí Nguyện, tôm khô Sông Đầm, cam sành 3 Tình, trà xạ đen túi lọc Hùng Khánh, cá khô bổi U Minh,...

Thời gian qua, Sở NN&PTNT không ngừng đẩy mạnh số hoá trong quản lý, khai thác thuỷ sản, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thống kê, kiểm soát tàu cá, chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Với ứng dụng số hoá dữ liệu IUU, có thể thống kê, cập nhật số lượng tàu cá trong tỉnh về còn hạn, hết hạn giấy phép khai thác/đăng kiểm theo danh mục, địa bàn của từng huyện, từng xã. Thống kê, cập nhật danh sách tàu cá mất kết nối theo danh mục lựa chọn trong bờ, ngoài khơi... Số hoá hồ sơ, văn bản, hình ảnh, toạ độ... đối với các trường hợp tàu cá trễ hạn giấy phép, tàu cá nằm bờ, tàu cá sang bán trong và ngoài tỉnh, tháo thiết bị giám sát hành trình...

Theo đó, từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã thống kê, xác minh được trên 4 ngàn tàu cá còn hạn giấy phép khai thác, đạt 98,50%; 100% vụ việc vi phạm được xử lý và cập nhật vào hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản.

Ngoài ra, tỉnh đã thiết kế, đưa vào sử dụng các phần mềm số hóa trên nền tảng Google Sheets để quản lý đối với tàu mất kết nối trong bờ, tàu cá nguy cơ vi phạm IUU cao, như: hết hạn đăng ký, đăng kiểm, tàu cá 3 không (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác), mất tích, sang bán nhưng chưa sang tên… Đồng thời, thống kê đầy đủ sản lượng khai thác qua các cảng và bến cá tư nhân theo quy định./.

Nguyễn Nhàn