Hoàn thiện chính sách để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học tại Việt Nam

Kinh tế - Ngày đăng : 14:39, 04/11/2024

Theo các chuyên gia, chính sách hỗ trợ từ nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất kinh doanh.
Kinh tế

Hoàn thiện chính sách để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học tại Việt Nam

Hồng Nhung 04/11/2024 14:39

Theo các chuyên gia, chính sách hỗ trợ từ nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất kinh doanh.

Từ Nghị quyết

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới khẳng định mục tiêu “Tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước”.

Theo đó mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, nền công nghệ sinh học Việt Nam sẽ đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là một trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học; Được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Xây dựng nền công nghệ sinh học có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.

Công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; Doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; Đóng góp 7% vào GDP; Bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội. Đến năm 2045, Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Công nghiệp sinh học đóng góp 10-15% vào GDP.

anh-bv-108.jpg
Cán bộ nghiên cứu công nghệ sinh học Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 làm việc trong phòng labo tế bào gốc.

Nghị quyết xác định phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học là một nội dung, nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, ngành, lĩnh vực.

Để công nghệ sinh học đạt được các mục tiêu quan trọng cần tập trung vào nhiều giải pháp trong đó có các giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong đó có chính sách vượt trội, phù hợp để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học có giá trị cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, quốc phòng, an ninh; Khuyến khích đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học đối với vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo; Khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghệ sinh học; Đào tạo, phát hiện, sử dụng nguồn nhân lực công nghệ sinh học; Xây dựng cơ chế bảo đảm mối liên kết, gắn bó giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học; Xây dựng, triển khai các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm công nghệ sinh học.

Đến hiện thực

Phát triển công nghệ sinh học là xu thế chung của thế giới và cũng là nhu cầu tất yếu cho phát triển bền vững. Thực tế cho thấy Việt Nam đã trải qua quá trình dài phát triển công nghệ sinh học đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trong đó cây trồng chuyển đổi gen đã được ứng dụng rộng rãi. Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng trọt và chăn nuôi đã và đang làm thay đổi diện mạo của ngành nông nghiệp Việt Nam. Việc áp dụng này không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Trong tương lai, công nghệ sinh học sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc giúp ngành nông nghiệp đối phó với thách thức để mang lại những hiệu quả kinh tế.

Tuy vậy, theo ý kiến của các chuyên gia, công nghệ sinh học phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, năng lực công nghệ sinh học của đất nước, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ. Một số lĩnh vực quan trọng của công nghệ sinh học còn lạc hậu so với khu vực và thế giới. Nguyên nhân là do nhận thức của không ít người dân, doanh nghiệp, chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công nghệ sinh học chưa đầy đủ. Cơ chế, chính sách chưa phù hợp, thiếu hấp dẫn để thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Đồng thời, mối liên kết giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp trong phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học chưa hiệu quả như mong đợi.

Sự phát triển vượt bậc của công nghệ sinh học trên thế giới xuất phát từ nhiều nguyên nhân như dân số tăng, nhu cầu an ninh lương thực cần đảm bảo, biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh. Như vậy, vấn đề đặt ra cho sản xuất nông nghiệp trong kỷ nguyên mới cần thiết phải điều chỉnh áp dụng công nghệ tạo ra những giống mới để tạo ra sản phẩm đem lại hiệu quả sản xuất tốt hơn cho người dân, đáp ứng nhu cầu về an ninh lương thực. Để làm được điều đó cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân.

Chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích áp dụng công nghệ sinh học. Theo đó, phải có hành lang pháp lý rõ ràng để tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các hoạt động phát triển sản phẩm công nghệ sinh học. Tiếp đó là cơ chế đầu tư cho các phòng nghiên cứu công nghệ sinh học trọng điểm để có thể tập trung nghiên cứu. Nguồn nhân lực cũng cần phải đào tạo để bắt kịp với thế giới. Về ngắn hạn, cần những quỹ hỗ trợ nhà khoa học trong hợp tác nghiên cứu, đặc biệt là hợp tác với quốc tế để có thể tiếp cận những công nghệ, kỹ thuật hiện đại.

Việt Nam đã phát triển được nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong những lĩnh vực quan trọng của đất nước, như nông, lâm, ngư nghiệp, chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường. Từ đó, đặt nền móng cho công nghiệp sinh học toàn quốc gồm nhân giống, chọn tạo giống, công nghệ tế bào, sinh học phân tử, sản xuất vắc-xin thú y, các chế phẩm sinh học, các quy trình chẩn đoán chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người, cây trồng và vật nuôi.

Nhiều sản phẩm của công nghệ sinh học đã và đang đóng góp cho sản xuất trên đồng ruộng, trang trại của nông dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên sự phát triển này vẫn còn xa so với tiềm năng và nhu cầu của đất nước. Thực tế cho thấy sự hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp còn yếu. Sự tham gia của khối doanh nghiệp còn rất lẻ tẻ, chủ yếu nhắm tới tận dụng vốn của các chương trình, yếu tố công nghệ chưa được coi trọng./.

Hồng Nhung