Đẩy mạnh phát triển dịch vụ viễn thông, thu hẹp khoảng cách tiếp cận thông tin tại vùng dân tộc thiểu số

Truyền thông - Ngày đăng : 14:19, 22/11/2024

Dịch vụ thông tin là một trong sáu dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, theo Điều 3 của Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Việc phát triển dịch vụ viễn thông để thu hẹp khoảng cách tiếp cận thông tin giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với khu vực đô thị là một nhiệm vụ quan trọng, song cũng đầy thách thức, đòi hỏi các giải pháp đồng bộ và bền vững.
Truyền thông

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ viễn thông, thu hẹp khoảng cách tiếp cận thông tin tại vùng dân tộc thiểu số

Nguyễn Nhàn 22/11/2024 14:19

Dịch vụ thông tin là một trong sáu dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, theo Điều 3 của Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Việc phát triển dịch vụ viễn thông để thu hẹp khoảng cách tiếp cận thông tin giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với khu vực đô thị là một nhiệm vụ quan trọng, song cũng đầy thách thức, đòi hỏi các giải pháp đồng bộ và bền vững.

Doanh nghiệp đẩy mạnh cung cấp dịch vụ viễn thông

Hiện nay, các dịch vụ viễn thông cơ bản (Internet, truyền hình cáp, điện thoại thông minh...) đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Trong Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Tiểu dự án “Giảm nghèo thông tin” (thuộc Dự án 6) xác định việc tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho cộng đồng dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Tiểu dự án đặt mục tiêu bảo đảm 100% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ thông tin thiết yếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở các khu vực này.

Theo báo cáo của DataReportal về việc sử dụng và tiếp nhận công nghệ số tại Việt Nam vào đầu năm 2024, nước ta có 78,44 triệu người sử dụng Internet, tỉ lệ tiếp cận Internet đạt 79,1%. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) năm 2023, hạ tầng băng rộng đã phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc; 19,79 triệu hộ gia đình có cáp quang, đạt 72,4%. Hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% xã, phường, thị trấn, 91% thôn, bản.

dt-1682066700308840792310.jpg
Hiện nay, hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% xã, phường, thị trấn, 91% thôn, bản.
(Ảnh : VGP)

Những số liệu thống kê cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của các cơ quan chức năng trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông đến người dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ TT&TT, tại vùng DTTS và miền núi, việc hỗ trợ người dân tiếp cận Internet, truyền hình cáp, điện thoại thông minh... còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ DTTS sử dụng dịch vụ Internet nhiều nơi còn rất thấp, như khu vực dân tộc La Hủ, Chứt, Mảng... Đối tượng nghèo thông tin đang diễn biến theo hướng tập trung vào DTTS. Trong đó, nhóm DTTS có tỷ lệ hộ nghèo rất cao như: Ơ Đu, Co, Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha, Kháng, Mông, Xơ Đăng…

Vì vậy, cần có những chính sách trợ giúp đối với các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ viễn thông như hỗ trợ một phần chi phí cung cấp dịch vụ di động mặt đất, dịch vụ truy cập Internet băng rộng cố định để phổ cập viễn thông tại các thôn đã có điện thuộc các xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn và khu vực DN không có khả năng kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách thông tin và truyền thông (TT&TT) tại vùng sâu, vùng xa; thiết lập các cụm thông tin điện tử công cộng phục vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại cửa khẩu biên giới và cung cấp nội dung thông tin phục vụ tuyên truyền ở các xã biên giới...

Là một trong những đơn vị tích cực triển khai dịch vụ viễn thông tại vùng sâu, vùng xa, Tập đoàn Viettel từ lâu đã cung cấp dịch vụ dành riêng cho đối tượng khách hàng là người DTTS, lần đầu tiên Việt Nam có tổng đài chăm sóc khách hàng thông qua 7 ngôn ngữ dân tộc Thái, Mông, Dao, Tày-Nùng, Gia Rai, Ê Đê và Khmer. Điện thoại viên cũng chính là người DTTS để có thể tư vấn, cung cấp thông tin một cách thuận lợi hơn.

Một đơn vị khác là Tập đoàn VNPT đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hỗ trợ đồng bào thiểu số phát triển KT-XH và bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025”. VNPT sẽ cung cấp các giải pháp công nghệ, sản phẩm phần mềm, tích hợp CNTT trên cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực sẵn có của mình để triển khai hiệu quả các ứng dụng CNTT trong lĩnh vực công tác dân tộc của Ủy ban Dân tộc.

Đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng

Một trong những yếu tố cản trở đồng bào dân tộc miền núi tiếp cận dịch vụ viễn thông là thiếu các trang thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh, tivi... cũng như không có điều kiện chi trả phí sử dụng dịch vụ. Vì vậy, cần có phương án hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa, khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ viễn thông.

1-6-.jpg
Viettel hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa, khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ viễn thông.
Ảnh: Viettel.

Trong quyết định phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích (VTCI) đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 31/12/2021, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ viễn thông là nhiệm vụ quan trọng, được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, hỗ trợ mỗi hộ 1 máy tính bảng hoặc 1 điện thoại thông minh cho 400.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng chính sách đặc biệt khác, ưu tiên hộ có thành viên đang học tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ một phần chi phí sử dụng dịch vụ Internet băng rộng cố định, dịch vụ viễn thông di động mặt đất cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh những nỗ lực của chính quyền các cấp và DN cung cấp dịch vụ là sự vào cuộc của nhiều tổ chức, DN để hỗ trợ đồng bào dân tộc miền núi tiếp cận Internet. Tại tỉnh Điện Biên, hàng nghìn km cáp quang được xây dựng trở thành mạch máu thông tin, phục vụ an ninh quốc phòng; mang công nghệ và tri thức khoa học phục vụ đồng bào và chiến sĩ ngày đêm canh phòng nơi biên giới (100% đồn biên phòng, biên giới được phủ sóng di động).

Viettel nỗ lực xây dựng hạ tầng viễn thông không chỉ phục vụ cho sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân mà còn phục vụ cho nhu cầu an ninh quốc gia. Đến năm 2025, Viettel Điện Biên thực hiện kết nối Internet băng rộng phủ đến 95% hộ gia đình; chuyển dịch thành DN viễn thông số có dịch vụ và trải nghiệm khách hàng số 1 trên địa bàn. Cùng với đó, tiên phong về hạ tầng 5G, IoT và hạ tầng mạng lưới liền mạch đáp ứng cơ hội phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại tỉnh Lào Cai, hạ tầng là mối quan tâm hàng đầu của VNPT, đặc biệt trong thời gian qua, VNPT đã nỗ lực đưa hạ tầng viễn thông, Internet đến vùng sâu, vùng xa. Đến nay, hạ tầng 3G phủ sóng của VNPT đã chiếm 98,5% diện tích toàn tỉnh; hạ tầng 4G phủ sóng đạt trên 97% diện tích; hạ tầng 2G chiếm 88%. VNPT đã kéo cáp quang mạng tới 100% trung tâm các xã và hơn 1.100 thôn của tỉnh. VNPT đang đầu tư để xoá 50 thôn, bản trong 200 thôn, bản vẫn còn trắng cáp quang của địa bàn tỉnh. Đối với hạ tầng di động, công ty cũng cũng dự kiến là sẽ mở rộng thêm khoảng 100 điểm phát sóng nữa.

Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ viễn thông nhằm xóa nghèo thông tin là một phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm, hướng dẫn người dân cách tiếp nhận thông tin có ích, loại bỏ các thông tin xấu, độc hại ảnh hưởng đến nhận thức, văn hóa của đồng bào vùng DTTS và miền núi./.

Nguyễn Nhàn