Xu thế tất yếu và yếu tố con người trong chuyển đổi số lĩnh vực truyền thông chính sách
Truyền thông - Ngày đăng : 08:04, 23/11/2024
Xu thế tất yếu và yếu tố con người trong chuyển đổi số lĩnh vực truyền thông chính sách
Trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay, báo chí – truyền thông có vai trò quan trọng, mang sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Hiện nay, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí – truyền thông trước hết chính là việc sử dụng các công cụ, giải pháp công nghệ số để đổi mới mô hình, cách thức tác nghiệp, sản xuất và phân phối nội dung theo hướng tối ưu hóa mô hình tổ chức hoạt động của các cơ quan báo chí – truyền thông. Đây chính là hoạt động ứng dụng công nghệ số để làm mới quy trình truyền thông trong sáng tạo và phân phối cũng như hưởng thụ các sản phẩm và dịch vụ báo chí – truyền thông.
Chuyển đổi trong lĩnh vực báo chí – truyền thông cho phép tự động hóa quy trình tác nghiệp làm giảm các chi phí hoạt động, nâng cao hiệu suất kinh doanh. Bên cạnh đó là, giảm chi phí rút ngắn, đẩy nhanh các công đoạn, đáp ứng kịp thời hơn nhu cầu của thị trường và sự quan tâm của công chúng.
Nhờ chuyển đổi số, báo điện tử đã nhanh chóng chứng tỏ được sức hút đối với công chúng, bằng khả năng chuyển tải thông tin tới bạn đọc gần như đồng thời với sự kiện cùng lượng thông tin đồ sộ, thậm chí không có sự giới hạn về dung lượng như báo in, thời lượng phát sóng như phát thanh hay truyền hình. Tận dụng những lợi thế về công nghệ số, một số cơ quan báo chí đã nhanh chân xây dựng được tòa soạn hội tụ đa phương tiện, với môi trường làm việc ngày càng hiện đại.
Theo PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hoa (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), trong công cuộc chuyển đổi số, truyền thông chính sách đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, truyền thông chính sách cũng là một lĩnh vực trong xã hội, sẽ phải tiến hành chuyển đổi số theo xu thế phát triển chung, thậm chí sẽ phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số.
Một trong những kết quả của chuyển đổi số báo chí là sự xuất hiện phổ biến các mô hình truyền thông mới: “Tòa soạn hội tụ”, “Báo chí đa phương tiện”, “Báo chí đa nền tảng”, “Báo chí di động”, “Báo chí mạng xã hội”... Nhiều tờ báo in, chương trình phát thanh, truyền hình cũng dịch chuyển lên nền tảng Internet. Cùng với đó, công nghệ kỹ thuật hiện đại cho phép nhà báo sáng tạo thêm nhiều hình thức truyền thông hấp dẫn: Megastory, infographics, long form, data journalism, media, lens, podcast, video...
Đồng thời, chuyển đổi số báo chí cũng giúp lãnh đạo cơ quan báo chí thay đổi phương thức quản trị nội bộ tòa soạn, quản trị quy trình xuất bản, quản trị dữ liệu, quản trị tương tác công chúng... dựa trên phần mềm kỹ thuật số…
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong truyền thông chính sách ở nước ta thời gian qua tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng vẫn đang chậm hơn xu thế chung. Thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng ngại triển khai chuyển đổi số trong truyền thông chính sách khi chuyển đổi số không phải chỉ thay đổi quy trình, bộ máy mà thay đổi từ con người. Do đó, để chuyển đổi số thành công, không chỉ là công nghệ, điều cốt yếu là nhân lực ở tất cả các khu vực khác nhau trong cơ quan báo chí phải đáp ứng được năng lực của nhiệm vụ chuyển đổi số kể từ lãnh đạo quản lý đến đội ngũ cán bộ, phóng viên.
Để việc chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí – truyền thông đúng trọng tâm, hiệu quả, ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nhà báo; hỗ trợ phát triển nền tảng số quốc gia cho báo chí.
Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí (trực thuộc Cục Báo chí). Trung tâm có nhiệm vụ hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện có hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số trong Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trung tâm là đầu mối hỗ trợ cung cấp thông tin, tài liệu, hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí; hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng; huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để đồng hành với mục tiêu của chương trình hỗ trợ báo chí chuyển đổi số.
Nhưng, như thế là chưa đủ. Trong bối cảnh hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí - truyền thông số ở nước ta, khi Chính phủ đặt ra mục tiêu “100% các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành báo chí hoặc có khoa báo chí cập nhật các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số trong chương trình đào tạo cho sinh viên; 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập các cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí”
Chính vì vậy, bối cảnh chuyển đổi số hiện nay đang đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông cần xác định lại triết lý, mục tiêu đào tạo phù hợp với xu thế mới; sớm xây dựng một khung chương trình chuẩn về đào tạo báo chí, truyền thông của quốc gia, gắn với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.