Mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối chính sách Nhà nước với địa phương

Báo chí - Ngày đăng : 08:13, 21/11/2024

Mạng truyền số liệu chuyên dùng là công cụ đắc lực và hữu hiệu để các cơ quan Đảng và Nhà nước triển khai các bài toán ứng dụng CNTT bao gồm các cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin và dịch vụ công phục vụ việc chỉ đạo và điều hành từ Trung ương đến địa phương.
Báo chí

Mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối chính sách Nhà nước với địa phương

TQ 21/11/2024 08:13

Mạng truyền số liệu chuyên dùng là công cụ đắc lực và hữu hiệu để các cơ quan Đảng và Nhà nước triển khai các bài toán ứng dụng CNTT bao gồm các cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin và dịch vụ công phục vụ việc chỉ đạo và điều hành từ Trung ương đến địa phương.

Ngày 05/4/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2023/QĐ-TTg, ngày về Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước. Mạng truyền dữ liệu chuyên dùng được xây dựng là mạng truyền dẫn tốc độ cao, công nghệ hiện đại, mạng lõi sử dụng phương thức chuyển mạch nhãn đa giao thức (IP/MPLS). Việc kết nối mạng tại tất cả các đơn vị đều sử dụng cáp quang tốc độ 100/1000 Mbps.

Mạng truyền dữ liệu chuyên dùng được kết nối các cơ quan Đảng, nhà nước, được tổ chức, quản lý thống nhất, bảo đảm chất lượng, an toàn, bảo mật thông tin để trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước. Theo quy định Mạng truyền dữ liệu chuyên dùng được thiết lập và duy trì hoạt động bảo đảm các nguyên tắc: Thống nhất trong tổ chức, quản lý, kết nối và bảo đảm an toàn thông tin. Bảo đảm chất lượng, an toàn, bảo mật thông tin, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước trên Mạng truyền dữ liệu chuyên dùng được giám sát, kiểm soát tập trung.

Mạng truyền dữ liệu chuyên dùng được giám sát, kiểm soát tập trung

Đối tượng áp dụng là cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên ở trung ương; Tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định; Cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên ở địa phương; Cục Bưu điện Trung ương; Các tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ Mạng truyền số liệu chuyên dùng. Trong đó phạm vi kết nối từ trung ương đến cấp xã cung cấp dịch vụ cho các cơ quan quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2, Quyết định số 08/2023/QĐ-TTg.

Thời gian qua, Mạng truyền dữ liệu chuyên dùng đã được sử dụng rất hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ truyền hình hội nghị, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ tại tất cả các phiên họp thường kỳ của Chính phủ với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố qua truyền hình hội nghị trực tuyến trên mạng truyền dữ liệu chuyên dùng với chất lượng tốt đảm bảo an ninh, an toàn, được Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ tin tưởng, đánh giá cao.

Mạng truyền dữ liệu chuyên dùng là công cụ đắc lực và hữu hiệu để các cơ quan Đảng và Nhà nước triển khai các bài toán ứng dụng CNTT bao gồm các cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin và dịch vụ công phục vụ việc chỉ đạo và điều hành từ trung ương đến các địa phương.

Tổ chức, quản lý mạng truyền dữ liệu chuyên dùng

Mạng trục do Cục Bưu điện Trung ương trực tiếp quản lý gồm: Ba trung tâm miền, ba mạng đô thị và cổng kết nối tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh; Ba trung tâm dự phòng; Trung tâm tỉnh và cổng kết nối tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Mạng truy nhập: Mạng truy nhập cấp I do Cục Bưu điện Trung ương trực tiếp quản lý, vận hành qua các nền tảng, hệ thống quản lý tập trung tại trung tâm điều hành mạng để cung cấp dịch vụ cho các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định này. Mạng truy nhập cấp II do đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin của bộ, ngành, địa phương trực tiếp quản lý, vận hành hoặc thuê doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ cho các cơ quan quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định này.

Các thành phần của Mạng truyền số liệu chuyên dùng kết nối với nhau bằng hạ tầng kênh truyền, bảo đảm dự phòng đối với kết nối trong mạng trục và từ mạng trục đến mạng truy nhập cấp I. Cơ quan, tổ chức sử dụng dịch vụ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 của Quyết định này kết nối với nhau thông qua mạng trục. Mạng truyền số liệu chuyên dùng được kết nối với các mạng viễn thông khác và các hệ thống thông tin để phục vụ Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Bảo đảm thống nhất tài nguyên địa chỉ IP và định tuyến.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống thông tin kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng được bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và quy định của pháp luật liên quan.

Trung tâm dữ liệu, hệ thống thông tin, cổng kết nối phải kiểm tra bảo đảm an toàn thông tin và khắc phục các lỗ hổng bảo mật (nếu có) trước khi kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng, kiểm tra định kỳ theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Mạng truyền số liệu chuyên dùng được giám sát an toàn thông tin và kiểm soát truy nhập tập trung tới thiết bị đầu cuối của mạng truy nhập thông qua sử dụng các nền tảng, hệ thống quản lý tập trung. Hệ thống thông tin, mạng nội bộ của cơ quan, tổ chức sử dụng dịch vụ phải chia sẻ thông tin giám sát an toàn thông tin máy tính, máy chủ và các thiết bị công nghệ thông tin khác tham gia kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng với trung tâm điều hành mạng.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng phải bảo đảm cung cấp dịch vụ liên tục 24 giờ trong 01 ngày và 07 ngày trong một tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, Tết. Mạng truyền số liệu chuyên dùng phải được kiểm tra, rà soát, đánh giá thường xuyên, được nâng cấp để bảo đảm chất lượng dịch vụ.

Phối hợp trong công tác quản lý nhà nước

Để đẩy nhanh công tác phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của mạng bưu chính và mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, mới đây Cục Bưu điện Trung ương đã ban hành Văn bản đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của mạng bưu chính và mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước tại địa phương.

Bảo đảm an toàn thông tin và sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng tại địa phương.

Theo đó, về hoạt động của mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, Cục Bưu điện Trung ương đề nghị các Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến, giáo dục, theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn về lĩnh vực Bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước. Phối hợp với Bưu điện tỉnh, các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến cho các cơ quan, tổ chức sử dụng Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước khi gửi bưu gửi KT1, tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước để đảm bảo an toàn, an ninh. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm an toàn, an ninh trong cung cấp và sử dụng dịch vụ Bưu chính KT1, không để xảy ra nguy cơ lộ, lọt, mất bưu gửi KT1 chứa bí mật nhà nước; phối hợp chặt chẽ với Cục Bưu điện Trung ương trong công tác xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra, giám sát, tránh xảy chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn.

Về hoạt động của mạng truyền số liệu chuyên dùng Cục Bưu Điện Trung ương cũng chỉ đạo các Sở Thông tin và Truyền thông cần tham mưu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành Quy chế về quản lý, vận hành, kết nối, bảo đảm an toàn thông tin và sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng tại địa phương. Điều hành triển khai kết nối dịch vụ, ứng dụng dùng chung phục vụ chỉ đạo, điều hành, báo cáo của tỉnh/thành phố trên Mạng truyền số liệu chuyên dùng theo mô hình kết nối quy định tại Thông tư 19/2023/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn hệ thống thông tin; phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh/thành phố bố trí ngân sách cho việc xây dựng và duy trì hoạt động liên tục của Mạng truyền số liệu chuyên dùng trên địa bàn.

TQ