Vai trò của báo chí dữ liệu trong phản ánh thiên tai và biến đổi khí hậu
Truyền thông - Ngày đăng : 10:05, 11/01/2025
Vai trò của báo chí dữ liệu trong phản ánh thiên tai và biến đổi khí hậu
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và các hiện tượng thiên tai trở nên phổ biến hơn, báo chí không chỉ đóng vai trò truyền tải thông tin mà còn phải trở thành cầu nối giữa dữ liệu và công chúng.
Tóm tắt:
- Bối cảnh: Biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng khốc liệt, báo chí phải trở thành cầu nối dữ liệu và công chúng.
- Báo chí dữ liệu (Data Journalism): Sử dụng dữ liệu để thu thập, phân tích và kể chuyện thông qua biểu đồ, bản đồ,
trực quan hóa dữ liệu.
- Vai trò của báo chí dữ liệu:
+ Phản ánh thiên tai một cách trực quan, dễ hiểu.
+ Giúp chính phủ và công chúng hiểu rõ hơn về thiên tai và biến đổi khí hậu.
Lợi ích: Cung cấp cái nhìn toàn diện, giúp công chúng nắm bắt thông tin dễ dàng hơn.
- Thách thức: Khó khăn trong thu thập và xử lý dữ liệu, yêu cầu kỹ năng cao.
- Tương lai: Báo chí dữ liệu sẽ phát triển nhờ công nghệ AI và dữ liệu lớn, giúp dự báo và ứng phó thiên tai hiệu
quả hơn.
Sự phát triển của báo chí dữ liệu (data journalism) đang mở ra những cách tiếp cận tuy không mới mẻ nhưng rất sâu sắc, toàn cảnh trong việc phản ánh các sự kiện thiên tai, khi mà thông tin không chỉ được trình bày qua câu chữ, mà còn qua những biểu đồ, bản đồ và phân tích dữ liệu phức tạp. Nhân sự kiện cơn bão số 3 với tên gọi Yagi vừa để lại những hậu quả nặng nề tại nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét vai trò của báo chí dữ liệu trong việc phản ánh các sự kiện thiên tai và rộng hơn là vấn đề biến đổi khí hậu.
Báo chí dữ liệu là gì?
Báo chí dữ liệu là một hình thức báo chí dựa trên việc thu thập, phân tích và trình bày dữ liệu để kể chuyện. Thay vì chỉ đưa tin dựa trên nguồn nhân chứng hay báo cáo chính thức, phóng viên trong báo chí dữ liệu sẽ sử dụng các công cụ khoa học dữ liệu để tìm ra những xu hướng, mối quan hệ hoặc thông tin ẩn giấu trong dữ liệu.
Diễn đàn Báo chí Việt Nam tháng 3/2024 đã tổ chức phiên thảo luận với chủ đề “Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội” với nhiều ý kiến cho rằng báo chí dữ liệu là xu hướng tất yếu hiện nay: “Các tòa soạn báo chí nên quan tâm đến phát triển báo chí dữ liệu, trở thành nghiệp vụ không thể thiếu của nhà báo. Nghiệp vụ dữ liệu cùng với kỹ năng sản xuất tác phẩm báo chí có thể đảm bảo tính công bằng, chính xác trong tác phẩm báo chí, xây dựng lòng tin đối với độc giả. Đây là một chiến lược quan trọng trong xây dựng nội dung vượt trội”1.
Báo chí thế giới đã sớm nghiên cứu và ứng dụng báo chí dữ liệu vào thực tiễn hoạt động. Những tờ báo tiên phong về báo chí dữ liệu trên thế giới phải kể đến: The New York Times, The Guardian, Texas Tribune, Die Zeit v.v.. Các lĩnh vực được ứng dụng báo chí dữ liệu không bị giới hạn, trên thế giới có nhiều tác phẩm báo chí dữ liệu đạt các giải thưởng quốc tế là về các lĩnh vực kinh tế - tài chính, dịch vụ công, biến đổi khí hậu v.v..
Vai trò của báo chí dữ liệu
Đối với biến đổi khí hậu - một vấn đề gây khủng hoảng toàn cầu, điều rất quan trọng đối với các chính phủ là có nguồn dữ liệu chất lượng và được thống kê chính xác để có thể chuẩn bị những chiến lược hiệu quả trong giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Trong báo cáo Các chỉ số chính của châu Á và Thái Bình Dương năm 2024, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khẳng định tầm quan trọng của dữ liệu và số liệu thống kê trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: “Việc có dữ liệu phù hợp cho phép theo dõi cục bộ hơn những tác động của biến đổi khí hậu, cung cấp bối cảnh cho một giải pháp chính sách hiệu quả hơn dựa trên dữ liệu và bằng chứng. Dữ liệu chi tiết theo khu vực địa lý cũng giúp xác định những lĩnh vực cần ưu tiên trong chính sách, bảo đảm nguồn lực được định hướng tới những nơi cần thiết nhất”2.
Nhìn ở góc độ cụ thể hơn của công cụ dữ liệu, trong thiên tai, thông tin thường thay đổi liên tục và diễn ra trên diện rộng, đòi hỏi các phương tiện truyền thông phải không ngừng cập nhật. Ở đây, báo chí dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập, tổng hợp những dữ liệu này và sắp xếp, thể hiện nó một các khoa học, trực quan, dễ hiểu hơn để công chúng dễ dàng nắm bắt thông tin. Dữ liệu về thời tiết, thiệt hại về người và tài sản, cũng như các biện pháp cứu trợ thường được trình bày dưới dạng biểu đồ, bản đồ tương tác, hoặc phân tích định lượng, giúp người đọc nắm bắt được bức tranh tổng thể mà không bị rối rắm bởi những con số khô khan.
Ngày 7/9/2024 vừa qua, cơn bão số 3 mang tên gọi Yagi đã “tấn công” vào một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Sau khi cơn bão này “quét” qua nhiều tỉnh, thành và hoàn lưu bão gây mưa lớn bất thường, hậu quả mà nó gây ra cả về người và tài sản là vô cùng nghiêm trọng. Ngày 24/9/2024, VnExpress là cơ quan báo chí đầu tiên xuất bản một bài báo ứng dụng báo chí dữ liệu quy mô về bão Yagi với bố cục 4 phần: Trong mắt bão, Ngọn núi vỡ, Cứu đập, Vực dậy3. Trong mỗi phần, dữ liệu và trực quan hóa dữ liệu đều đóng vai trò then chốt góp phần làm nên một nội dung bao quát, dễ hiểu. Để làm nên “đại tác phẩm” này, số lượng thành viên tác giả tới 10 người, trong đó 5 người làm nội dung, 3 người làm dữ liệu và 2 người phụ trách đồ hoạ.
Ở tác phẩm “Trong mắt bão Yagi” này, VnExpress đã kết hợp dữ liệu về sức gió, lượng mưa, thiệt hại về người và tài sản từ nhiều nguồn khác nhau để tạo ra những biểu đồ trực quan, giúp người đọc có thể dễ dàng hình dung được sức tàn phá của bão. Những hình ảnh vệ tinh, bản đồ tương tác và biểu đồ đã góp phần minh họa rõ nét hành trình của bão Yagi từ lúc hình thành cho đến khi đổ bộ và tan rã. Bên cạnh đó, VnExpress không chỉ tập trung vào việc phản ánh thiệt hại của bão Yagi mà còn kết nối dữ liệu để chỉ ra xu hướng của bão vào Việt Nam (tăng cả về số lượng và mức độ). Điều này giúp người đọc có cái nhìn tổng quan hơn về xu hướng thiên tai và sự thay đổi trong mô hình thời tiết do biến đổi khí hậu gây ra.
Khả năng và thách thức
Một trong những lợi ích lớn nhất của báo chí dữ liệu trong thiên tai là khả năng cung cấp một bức tranh toàn cảnh về sự kiện. Khi thiên tai xảy ra, thường có rất nhiều yếu tố liên quan: thời gian, địa điểm, mức độ ảnh hưởng và biện pháp ứng phó. Báo chí dữ liệu có thể tổng hợp tất cả các yếu tố này vào một câu chuyện duy nhất.
Trong loạt bài về siêu bão Katrina năm 2005, The Washington Post đã sử dụng dữ liệu từ Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) và các tổ chức khác để tạo ra một câu chuyện dữ liệu chi tiết về cách cơn bão đã di chuyển và gây ra thiệt hại nặng nề cho các tiểu bang ven biển của Mỹ. Bằng cách sử dụng bản đồ và biểu đồ tương tác, họ đã tạo điều kiện cho người đọc theo dõi được quá trình của cơn bão và hiểu rõ hơn về mức độ ảnh hưởng của nó.
Tương tự, BBC cũng đã triển khai báo chí dữ liệu trong việc theo dõi và đưa tin về đợt lũ lụt nghiêm trọng ở Pakistan năm 2022. Họ sử dụng dữ liệu vệ tinh để theo dõi diễn biến lũ lụt trong nhiều tuần, so sánh lượng mưa và mực nước sông với các số liệu lịch sử, từ đó giúp công chúng có cái nhìn đầy đủ về quy mô của thảm họa.
Tuy báo chí dữ liệu mang lại nhiều lợi ích trong việc phản ánh thiên tai, nhưng nó cũng đối mặt với không ít thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất là vấn đề thu thập dữ liệu. Trong nhiều trường hợp, các nguồn dữ liệu có thể không đầy đủ hoặc không kịp thời, đặc biệt là trong các sự kiện thiên tai diễn ra ở những khu vực có hạ tầng kém phát triển.
Ở Việt Nam, ví dụ về bão Yagi trên VnExpress là một bước tiến quan trọng, nhưng để có thể phát triển báo chí dữ liệu xa hơn, các cơ quan báo chí sẽ cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính phủ và các tổ chức quốc tế trong việc cung cấp và mở rộng nguồn dữ liệu. Việc phối hợp giữa các cơ quan chính quyền, các nhà khoa học và các tòa soạn báo là điều vô cùng cần thiết để báo chí dữ liệu có thể phát triển bền vững.
Thách thức thứ hai là vấn đề kỹ thuật. Việc xử lý dữ liệu khối lượng lớn đòi hỏi các phóng viên và nhà báo phải có kiến thức về thống kê, phân tích dữ liệu, và sử dụng các công cụ kỹ thuật số. Điều này đòi hỏi các tòa soạn phải đầu tư vào đào tạo nhân lực, cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật để có thể xử lý và trình bày dữ liệu một cách hiệu quả.
Vai trò của báo chí dữ liệu trong tương lai
Trong một thập kỷ qua, vấn đề thiên tai đã trở nên nghiêm trọng và phổ biến hơn bao giờ hết do hậu quả của biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên toàn cầu. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, sự gia tăng nhiệt độ của Trái đất không chỉ khiến băng tan ở các vùng cực mà còn làm thay đổi hoàn toàn mô hình thời tiết. Hệ quả là những cơn bão trở nên mạnh hơn, lượng mưa bất thường hơn, và các hiện tượng như lũ lụt, hạn hán xảy ra thường xuyên với mức độ tàn phá ngày càng khốc liệt. Khi nhiệt độ đại dương tăng lên, hơi nước trong khí quyển cũng tăng, dẫn đến sự hình thành của những cơn bão mạnh hơn với sức tàn phá lớn.
Các vùng ven biển và khu vực nhiệt đới, vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng từ thiên tai, nay càng trở nên dễ tổn thương hơn trước những cơn bão và lũ quét ngày càng nghiêm trọng. Hậu quả là không chỉ có thiệt hại về người và tài sản, mà các cộng đồng dân cư tại những vùng bị ảnh hưởng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về môi trường và kinh tế kéo dài.
Ngoài bão lũ, hạn hán cũng trở nên trầm trọng hơn do sự mất cân bằng trong lượng mưa và việc thiếu hụt nguồn nước. Điều này không chỉ tác động đến sản xuất nông nghiệp mà còn gây ra khủng hoảng lương thực ở nhiều khu vực trên thế giới. Việt Nam đã sớm được cảnh báo là một trong những quốc gia thuộc top chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Nhìn về tương lai, báo chí dữ liệu sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn trong việc phản ánh các sự kiện thiên tai, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Với sự phát triển của công nghệ, từ trí tuệ nhân tạo (AI) cho đến dữ liệu lớn (big data), báo chí dữ liệu có tiềm năng cung cấp cho công chúng những thông tin chính xác và toàn diện hơn bao giờ hết.
Ví dụ, với sự trợ giúp của AI, báo chí dữ liệu có thể phân tích nhanh chóng và chính xác lượng dữ liệu khổng lồ từ các nguồn khác nhau để tạo ra các dự báo thời tiết chính xác hơn, từ đó giúp các cơ quan chức năng có thể chuẩn bị tốt hơn cho những thiên tai sắp tới. Ngoài ra, báo chí dữ liệu cũng có thể giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc chuẩn bị và ứng phó với thiên tai. Bằng cách trình bày các dữ liệu về thiệt hại do thiên tai gây ra, cũng như dự báo về các xu hướng trong tương lai, báo chí có thể giúp chính phủ và các tổ chức phi chính phủ xây dựng các chính sách ứng phó hiệu quả hơn.
Trong tương lai, với sự phát triển của công nghệ và sự mở rộng của các nguồn dữ liệu, báo chí dữ liệu sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh thực trạng thiên tai mà còn giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về nguyên nhân và hậu quả của biến đổi khí hậu. Bằng cách sử dụng dữ liệu để minh họa mức độ nghiêm trọng và xu hướng gia tăng của thiên tai, báo chí có thể giúp thúc đẩy các biện pháp hành động nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, từ việc bảo vệ môi trường đến các chính sách thích ứng và phòng chống thiên tai hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
1 - Quốc Anh - Lê Vĩnh (15/3/2024), Phát triển báo chí dữ liệu là xu hướng tất yếu, Báo Người Lao động Online.
2 - Trung Hưng (22/8/2024), Dữ liệu thống kê đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Báo Nhân Dân điện tử.
3 - Gia Chính - Hồng Chiêu - Nguyễn Đông - Lê Tân - Phan Dương - Quang Tuệ - Đăng Nguyên - Việt Đức - Khánh Hoàng - Thanh Hạ (24/9/2024), Trong mắt bão Yagi, Báo điện tử VnExpress.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2024)