Báo chí thế giới trong kỷ nguyên số và kinh nghiệm cho Việt Nam

Truyền thông - Ngày đăng : 14:08, 26/11/2024

Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và thay đổi trong cách công chúng tiếp cận thông tin đã đưa chuyển đổi số trở thành chiến lược cốt lõi của báo chí toàn cầu. Qua những bước chuyển mình mạnh mẽ, nhiều tờ báo trên thế giới không chỉ củng cố vị thế mà còn mở ra những hướng đi mới đầy tiềm năng. Những kinh nghiệm và thành công này chính là nguồn cảm hứng và bài học quý báu dành cho báo chí Việt Nam trên hành trình chuyển đổi số.
Truyền thông

Báo chí thế giới trong kỷ nguyên số và kinh nghiệm cho Việt Nam

Quỳnh Trang {Ngày xuất bản}

Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và thay đổi trong cách công chúng tiếp cận thông tin đã đưa chuyển đổi số trở thành chiến lược cốt lõi của báo chí toàn cầu. Qua những bước chuyển mình mạnh mẽ, nhiều tờ báo trên thế giới không chỉ củng cố vị thế mà còn mở ra những hướng đi mới đầy tiềm năng. Những kinh nghiệm và thành công này chính là nguồn cảm hứng và bài học quý báu dành cho báo chí Việt Nam trên hành trình chuyển đổi số.

Tác động của thời đại kỷ nguyên số đến hoạt động báo chí trên thế giới

Trong số những lĩnh vực chịu tác động sâu sắc từ sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số, báo chí truyền thống - đặc biệt là báo in - chính là ngành báo phải đối mặt với nhiều thách thức lớn nhất. Cùng với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin, nhu cầu và xu hướng tiếp cận tin tức của độc giả đang thay đổi từng ngày, cả về nội dung lẫn phương thức tiếp cận. Điều này đặt các cơ quan báo chí trước sự lựa chọn khó khăn: hoặc thay đổi mạnh mẽ để thích nghi, hoặc bị loại khỏi “cuộc chơi”.

Nhiều tờ báo nổi tiếng trên thế giới đã tuyên bố “going digital” (chuyển đổi số), từ bỏ xuất bản báo in để tập trung hoàn toàn vào nền tảng số.

Một trong những sự kiện gây chấn động nhất là vào ngày 24/12/2012, Newsweek - tuần báo lớn thứ hai tại Mỹ sau Time, đã phát hành số báo in cuối cùng sau gần 80 năm hoạt động, khép lại kỷ nguyên báo in kèm thông điệp với ký hiệu # - biểu tượng cho thời đại kỹ thuật số, thường xuất hiện trước các từ khoá trên mạng xã hội. Chưa đầy một năm sau, tháng 8/2013, Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, đã chi 250 triệu USD để mua lại The Washington Post, một biểu tượng của báo chí Mỹ với lịch sử hàng trăm năm.

Cuộc “sàng lọc” diễn ra đầy khắc nghiệt. Theo The Guardian, năm 2004, Mỹ có 1.472 tờ báo địa phương phát hành hằng ngày và 7.419 tờ báo cách nhật. Tuy nhiên, đến năm 2022, con số này đã giảm mạnh, chỉ còn 1.230 báo hằng ngày và 2.272 báo cách nhật. Trong khoảng thời gian này, ít nhất 2.514 tờ báo địa phương phải đóng cửa hoặc sáp nhập do lỗ ròng. Nhiều tòa báo đã ngừng hoàn toàn việc xuất bản ấn phẩm in, tập trung toàn bộ nguồn lực cho nền tảng điện tử và kỹ thuật số.

Gần đây, cuối tháng 2/2023, Tập đoàn Truyền thông Alabama đã thông báo ngừng phát hành ba ấn phẩm báo in nổi tiếng The Birmingham News, The Huntsville Times, và Mobile Press-Register. Quyết định này khiến nhiều độc giả tiếc nuối, thậm chí có người xếp hàng mua số báo cuối cùng để làm kỷ niệm.

Ngay cả những tòa soạn lớn như The Washington Post cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Cuối năm 2022, tờ báo đã quyết định dừng phát hành ấn phẩm in của Tạp chí Sunday - một ấn phẩm từng tồn tại hơn 60 năm và giành nhiều giải thưởng danh giá. Theo Tổng Biên tập Sally Buzbee, “những cơn gió ngược” về kinh tế chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến quyết định dừng phát hành ấn phẩm này.

Không chỉ tại Mỹ, châu Âu - thị trường báo chí lớn thứ hai thế giới - cũng chứng kiến sự suy thoái nghiêm trọng của báo in. Tại Anh, từ năm 2008, một nửa số tòa soạn báo in đã cắt giảm nhân sự hoặc giảm tần suất xuất bản, điển hình là The Independent, tờ nhật báo danh tiếng, đã ngừng xuất bản báo in từ tháng 3/2016.

Tại Đức, mặc dù vẫn dẫn đầu châu Âu với gần 16,5 triệu bản từ hơn 300 tờ báo mỗi ngày, ngành báo in nước này cũng lao đao trước xu hướng số hóa. Con số này đã giảm mạnh từ mức đỉnh 25 triệu bản/ngày cách đây một thập kỷ, thể hiện sự “lao dốc không phanh” của ngành công nghiệp từng thống trị thông tin đại chúng.

Ở châu Âu, báo chí tại đây được nhận định là chậm chân vài năm so với các thị trường khác trong cuộc cách mạng kỹ thuật số. Chỉ đến khi cảm nhận rõ rệt sự “rơi tự do” của ngành báo chí truyền thống - với doanh số báo in giảm mạnh và nhiều ấn phẩm buộc phải ngừng xuất bản - giới truyền thông tại “lục địa già” mới thực sự bắt đầu tìm kiếm sự thay đổi.

Để thoát khỏi tình trạng ảm đạm, nhiều tòa soạn đã cố gắng chuyển đổi nội dung từ bản in sang nền tảng kỹ thuật số. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn duy trì mô hình kinh doanh dựa trên báo in truyền thống, dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong chiến lược. Sự khập khiễng này được ví như “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, không chỉ không cải thiện được doanh thu mà còn đẩy nhiều tạp chí đến bờ vực đình bản.

Trong khi nhiều tòa soạn vẫn loay hoay với các chiến lược kỹ thuật số mà chưa đạt được kết quả, hay nói cách khác, chưa tìm ra công thức để thu hút lại độc giả và khôi phục mức lợi nhuận từng có trong thời hoàng kim của báo in ở thế kỷ 20, thì nhiều tòa soạn đã nhanh chóng xác định được hướng đi rõ ràng trong hành trình chuyển đổi số của mình.

Những sự kiện này không chỉ cho thấy áp lực sống còn của báo chí truyền thống mà còn đặt ra câu hỏi về cách các tòa soạn thích nghi để tồn tại trong thời đại số hóa toàn cầu.

Tác động của kỹ thuật số lên báo chí truyền thống là vô cùng lớn.

Bước chuyển mình

Nhiều cơ quan báo chí và công ty truyền thông trên thế giới đã nhận ra tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững. Chính nhận thức này đã thúc đẩy, buộc họ phải bước vào một hành trình đổi mới, áp dụng chuyển đổi số, thay đổi mô hình kinh doanh cũng như cách thức hoạt động để vượt qua khủng hoảng và duy trì vị thế trong thời đại mới.

Theo thống kê, các xu hướng báo chí đang và sẽ tiếp tục thịnh hành trên toàn cầu đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến chuyển đổi số. Những xu hướng nổi bật bao gồm: Content Personalization (Cá nhân hóa nội dung), Multi-platform (Đa nền tảng), Mobile Media và Mobile Journalism (Báo chí di động), Social Media và Social Journalism (Báo chí xã hội), Data Journalism (Báo chí dữ liệu), Innovative Journalism (Báo chí sáng tạo), Global Collaborative Journalism (Hợp tác toàn cầu), Digital Mega-stories (Siêu tác phẩm báo chí), Podcast, Artificial Intelligence (Trí tuệ nhân tạo), và các hoạt động Fake News and Fact-checking (tin giả và hoạt động kiểm chứng thông tin)…

Nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đã chuyển sang mô hình đăng ký trả phí (subscription-based models) để đảm bảo sự bền vững tài chính trong bối cảnh doanh thu quảng cáo suy giảm nghiêm trọng. Các tờ báo danh tiếng như The New York Times, The Washington Post, và Financial Times đã triển khai thành công mô hình này, tạo nguồn thu ổn định và gia tăng giá trị thương hiệu.

Báo chí trả phí đang dần trở thành xu hướng chủ đạo, đặc biệt trong các lĩnh vực như báo chí điều tra và nội dung chuyên sâu, nơi độc giả sẵn sàng chi trả cho những thông tin chất lượng, độc quyền và đáng tin cậy.

Ngoài ra, Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được áp dụng rộng rãi trong ngành báo chí, mang lại những thay đổi đáng kể trong tự động hóa quy trình sản xuất và phân phối nội dung. Nhiều cơ quan báo chí lớn, điển hình như Associated Press, đã sử dụng AI để tự động viết các bài báo tài chính và thể thao, giúp tăng tốc độ sản xuất và giảm tải công việc cho nhà báo.

Không chỉ dừng lại ở việc tạo nội dung, AI còn hỗ trợ phân tích dữ liệu chuyên sâu và cá nhân hoá nội dung cho độc giả, mang đến trải nghiệm đọc phù hợp với từng đối tượng, từ đó nâng cao giá trị và sức hút của báo chí trong thời đại kỹ thuật số.

The New York Times được coi là một trong những hình mẫu thành công nhất trong hành trình chuyển đổi số của ngành báo chí. Trước đây, nguồn thu từ quảng cáo trên báo giấy chiếm tới 85-90% tổng doanh thu. Hiện nay, doanh thu từ các hoạt động số đã vượt qua báo giấy, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của tờ báo này.

Không chỉ dựa vào mô hình thu phí từ độc giả, The New York Times còn đa dạng hóa nguồn thu thông qua các hoạt động thương mại điện tử và hợp tác sản xuất nội dung trên các nền tảng số, khai thác tối đa tiềm năng của Internet để phát triển bền vững.

Thành công của The New York Times không phải là may mắn ngẫu nhiên, mà xuất phát từ tầm nhìn dài hạn. Ngay từ sớm, tòa soạn đã nhận ra Internet là công cụ quan trọng để thực hiện sứ mệnh cốt lõi: mang những câu chuyện chất lượng cao, theo tiêu chuẩn báo chí hàng đầu, đến với độc giả toàn cầu.

The Guardian, nhật báo của Anh, được công nhận là một tờ báo kiểu mẫu trong quá trình chuyển đổi số. Hiện nay, tờ báo này nhận được sự ủng hộ từ độc giả ở hơn 180 quốc gia. Trên nền tảng điện tử, The Guardian là tờ báo điện tử được đọc nhiều thứ hai tại đất nước này. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một người đọc bản điện tử dành trung bình 31 phút/tháng để đọc các bài viết trên theguardian.com.

Trong thời gian tới, các nội dung như podcast và bài báo long-form trên các nền tảng báo mạng điện tử sẽ tiếp tục được chú trọng phát triển. Video trực tuyến sẽ được tăng cường đầu tư, do dự đoán lượng người xem video trên các thiết bị di động sẽ tăng trưởng.

Chuyển đổi số là “chìa khóa” thành công cho nhiều cơ quan báo chí trên thế giới.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Theo Phó Tổng biên tập Báo Điện tử VietnamPlus - ông Nguyễn Hoàng Nhật, nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí hiện nay đang nhầm lẫn giữa số hóa và chuyển đổi số, đặc biệt là tại các địa phương. Nhiều người vẫn cho rằng việc chuyển đổi số chỉ đơn giản là việc mua máy tính hoặc trang bị công nghệ mới là đủ, thay vì đề cập chuyển đổi số nguồn thu và sản phẩm.

Để thay đổi cơ quan báo chí, điều quan trọng là thay đổi cơ cấu tòa soạn. Các cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công trên thế giới đều có một điểm chung: trong các cuộc họp tòa soạn, không chỉ có phóng viên và biên tập viên, mà còn có sự tham gia của các bộ phận khác như marketing, sản phẩm, kỹ sư, chăm sóc khách hàng,… Điều này giúp tạo ra một mô hình làm việc linh hoạt và sáng tạo, phù hợp với yêu cầu của thời đại số.

Các tờ báo cần xây dựng mối quan hệ mới với độc giả thông qua việc sử dụng dữ liệu để tối ưu hóa trải nghiệm người đọc và xây dựng một cộng đồng độc giả trung thành. Bước đầu tiên để làm được điều này là thu thập dữ liệu. Khi có dữ liệu về độc giả, tòa soạn sẽ hiểu rõ hơn về họ, biết họ là ai, độ tuổi, sở thích, giới tính, v.v. Từ đó, có thể xây dựng tập độc giả trung thành, mở ra cơ hội để tiến tới thu phí theo hình thức thuê bao.

Số liệu từ Reuters Institute Digital News Report cho thấy, kể từ năm 2013, doanh thu của các doanh nghiệp truyền hình truyền thống và báo in trên thế giới đã giảm mạnh, trong khi doanh thu từ báo điện tử và phát thanh chỉ giảm nhẹ, còn truyền thông xã hội lại tăng nhanh.

Một trong những xu hướng chuyển đổi rõ nét nhất trong ngành báo chí hiện nay là chuyển phần lớn doanh thu từ quảng cáo sang mô hình thu phí thuê bao. Đây là cách các cơ quan báo chí đang điều chỉnh chiến lược tài chính của mình để thích ứng với sự thay đổi trong cách tiêu thụ thông tin và sự cạnh tranh với các nền tảng số.

Ví dụ điển hình cho mô hình chuyển đổi số trong báo chí là sự thành công của The New York Times, với tỷ trọng doanh thu từ độc giả chiếm tới 42% tổng doanh thu của tờ báo trong năm 2022. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mặc dù người dùng đã quen với việc sử dụng các dịch vụ truyền hình trả tiền, nhưng tỷ lệ độc giả trả phí đọc báo gần như chưa có.

Theo ông Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký phụ trách báo chí, xuất bản (Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam), chuyển đổi số báo chí đã trở thành một xu hướng tất yếu không thể thay đổi. Ông nhấn mạnh, “Các cơ quan báo chí giờ đây phải trả lời câu hỏi: chuyển đổi số để tồn tại hay là chết.”

Để giải quyết bài toán chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam, ông Hoàng Nguyên Vân, Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số, cho rằng trước đây giới báo chí thường có quan điểm “Content is King” (Nội dung là vua), nhưng trong tương lai, “Dữ liệu mới là vua”. Mô hình kinh doanh báo chí tương lai sẽ tập trung vào chuyển đổi số, dữ liệu số và đa kênh. Trong thời đại số, các tòa soạn cần thay đổi cách thức tiếp cận độc giả theo hướng đa kênh và tìm cách thu thập thật nhiều dữ liệu từ độc giả.

Các tòa soạn cũng có thể liên kết và bán chéo dịch vụ,… nhằm đa dạng hóa nguồn thu. Hơn nữa, các tòa soạn cần tập trung vào thế mạnh cốt lõi, tích cực đào tạo đội ngũ kỹ thuật, sản xuất, phóng viên, có khả năng thích ứng linh hoạt với các nền tảng số. Cần đầu tư nhiều hơn cho các nền tảng công nghệ, đồng thời với đó là đẩy mạnh giá trị thương hiệu và tăng tính cạnh tranh của tờ báo./.

Quỳnh Trang