TP. Hồ Chí Minh ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số trong quản lý, điều hành giao thông
Truyền thông - Ngày đăng : 14:10, 26/11/2024
TP. Hồ Chí Minh ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số trong quản lý, điều hành giao thông
Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông minh trong lĩnh vực giao thông ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh đã mang lại những cải thiện đáng kể trong công tác điều hành giao thông. Nhờ đó, các phương tiện di chuyển trở nên thuận lợi, nhanh chóng hơn, góp phần nâng cao hiệu quả giao thông đô thị.
Lần đầu tiên số hóa hiện trạng toàn bộ 82 tuyến đường thủy
Việc ứng dụng công nghệ BIM - GIS, 3D để hoàn thành việc khảo sát luồng đường thủy nội địa phục vụ công tác quản lý có nhiều ưu điểm so với phương pháp khảo sát truyền thống. Công nghệ BIM - GIS là công nghệ áp dụng xây dựng mô hình thông tin công trình (BIM) và tích hợp mô hình thông tin công trình vào hệ thống thông tin địa lý (GIS) để khảo sát và quản lý luồng tuyến trong giao thông và xây dựng hạ tầng.
Đến nay, Trung tâm Quản lý đường thủy thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. Hồ Chí Minh đã tập trung "số hóa" 82 tuyến với hơn 523 km đường thủy để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác.
Ứng dụng này đã giúp tối ưu hóa về việc sử dụng con người do sử dụng tàu tự hành không người lái, máy bay không người lái, thiết bị quét gắn trên ô tô (Mobile Mapping) và các thiết bị tự động. Từ đó ngành GTVT có thể đo toàn bộ bề mặt đáy sông, khu vực nước nông giáp bờ, bờ sông; công trình ven bờ…, quét và nhận diện được hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa.
Có thể thấy, công nghệ ứng dụng có độ chính xác cao hơn chủ yếu sử dụng thiết bị laser scan (chính xác đến đơn vị mm) so với phương pháp truyền thống. Từ kết quả này, đơn vị quản lý có thể trích xuất và kiểm tra dữ liệu, thông tin ở bất kỳ vị trí nào, đồng thời phát hiện được các vị trí lòng sông có các dị thường (hố xói); các vị trí sạt lở, hàm ếch…
Đặc biệt, toàn bộ dữ liệu được thể hiện ở thế giới thực, trực quan ở dạng 3D, có khả năng mô phỏng hoạt động vận tải đường thủy; tình huống lũ lụt và các trường hợp thời tiết khác để có cơ sở xây dựng các kịch bản ứng phó.
Toàn bộ thông tin được tích hợp lên cổng thông tin điện tử của Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, trở thành tài nguyên phục vụ quản lý, duy tu, cung cấp thông tin cho người dân. Ngoài ra, các đơn vị có căn cứ xử lý kịp thời lấn chiếm hành lang, vi phạm trật tự đường thủy…
Trên cơ sở kết quả đạt được, Sở GTVT sẽ tiếp tục triển khai việc ứng dụng công nghệ này để số hóa hiện trạng đối với các lĩnh vực quản lý khác của sở như lĩnh vực cầu, hầm, đường bộ, các công trình giao thông khác, lĩnh vực vận tải hành khách công cộng để phục vụ hiệu quả công tác quản lý của đơn vị.
Sử dụng công nghệ điều tiết giao thông
Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đang quản lý trên 1.000 camera giao thông, nhân viên theo dõi 24/24 giờ, dữ liệu từ hệ thống camera này được kết nối, tích hợp, chia sẻ cho lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an các quận huyện phục vụ điều tiết, xử lý vi phạm giao thông.
Đối với hệ thống đèn tín hiệu giao thông, hiện TP. Hồ Chí Minh sử dụng nhiều nhất là loại điều khiển thủ công, một số đèn đời mới có thể điều khiển từ xa, phù hợp với tình hình giao thông. Mới đây, Sở GTVT phối hợp với một đơn vị lắp đặt thí điểm hệ thống đèn giao thông thông minh. Hệ thống này có gắn camera quét lưu lượng giao thông, tự động điều chỉnh tín hiệu theo thời gian thực. Hiện hệ thống này đang thí điểm ở ngã tư Hàng Xanh, sắp tới mở rộng thêm một số khu vực khác.
TP. Hồ Chí Minh đang thí điểm sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), trong điều chỉnh đèn giao thông. Trước mắt áp dụng tại các nút giao có mật độ lưu lượng đi lại cao và hay bị ùn tắc. Giao lộ Ung Văn Khiêm kéo dài đến Xô Viết Nghệ Tĩnh - Tuyến đường thường xuyên kẹt xe với số lần ùn ứ lên đến 615 vụ trong 9 tháng đầu năm đã được áp dụng công nghệ này. Từ tháng 11/2024, Thành phố sẽ ứng dụng AI vào hệ thống điều khiển đèn giao thông ở các nút giao trọng điểm ngã tư Hàng Xanh, ngã 5 Đài Liệt Sỹ để giải thoát dòng xe.
Ứng dụng công nghệ trong quản lý, xử phạt
Theo đó, căn cứ Thông tư 28/2024/TT-BCA ngày 29/6/2024 của Bộ trưởng Bộ Công an về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 32/2023/TT-BCA ngày 1/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT, Phòng CSGT Công an TP. Hồ Chí Minh đã triển khai quán triệt cho chỉ đạo tăng cường việc xử phạt vi phạm giao thông trên ứng dụng VnelD.
Theo báo cáo của đơn vị, kết quả xử lý từ khi thực hiện đến nay đã có 40.883 trường hợp kiểm tra, kiểm soát thông tin giấy tờ trên VneID. Trong đó, lực lượng CSGT đã lập viên bản vi phạm hành chính với 4.774 trường hợp người vi phạm đã tích hợp giấy tờ trên ứng dụng VneID (1.032 trường hợp ô tô và 3.742 trường hợp mô tô).
Số trường hợp lập biên bản tạm giữ giấy phép lái xe, đăng ký xe trên môi trường điện tử đối với giấy tờ đã tích hợp VneID là 4.623 trường hợp. Trong đó, ô tô: 1.025 trường hợp, mô tô: 3.598 trường hợp. Số trường hợp tước giấy phép lái xe tích hợp VneID là 1.058 trường hợp (ô tô: 141 trường hợp, mô tô: 917 trường hợp).
Trong thời gian tới, Phòng CSGT sẽ đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi để người dân biết được tính hữu ích của việc cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID trong xử phạt vi phạm hành chính để việc xử phạt được nhanh chóng và hiệu quả hơn
Liên quan đến đăng ký xe lần đầu trên VNeID, từ ngày 1/8 đến nay, đơn vị cũng đã tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ đăng ký xe lần đầu bằng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước của công dân Việt Nam trên VNeID./.