Tối ưu hóa lộ trình vận chuyển trong logistics thông qua các ứng dụng công nghệ hiện đại
Truyền thông - Ngày đăng : 08:14, 26/11/2024
Tối ưu hóa lộ trình vận chuyển trong logistics thông qua các ứng dụng công nghệ hiện đại
Là một trong những ngành then chốt của nền kinh tế, logistics cần được đầu tư một cách bài bản, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Tối ưu hóa lộ trình vận chuyển thông qua các ứng dụng công nghệ hiện đại và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo vệ môi trường.
Một trong tám ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số
Chuyển đổi số (CĐS) không chỉ là một xu hướng mà còn là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp (DN) logistics hướng tới phát triển xanh và bền vững. Điều này càng trở nên quan trọng khi Việt Nam hiện đang có tỷ lệ người dân tham gia mua sắm thương mại điện tử (TMĐT) cao nhất Đông Nam Á, với khoảng 57 triệu người (số liệu được công bố tại Diễn đàn TMĐT và Kinh tế số tháng 11/2023).
Sự gia tăng này đã tạo ra nhu cầu lớn đối với dịch vụ logistics, nhằm đáp ứng kịp thời và hiệu quả cho ngành TMĐT đang phát triển mạnh mẽ. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) dịch vụ Logistics Việt Nam (VLBA), ngành logistics tại Việt Nam chiếm tỷ trọng 20 - 25% GDP tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ, dự kiến tăng trưởng 12% mỗi năm trong tương lai gần. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành TMĐT mang lại nhiều cơ hội hơn cho các công ty logistics.
Bên cạnh đó, xu hướng CĐS, thay đổi hành vi tiêu dùng và các yếu tố tác động khác đã làm cho TMĐT trở thành lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây. Nguồn lực logistics cần phải được cải thiện để theo kịp sự phát triển này, từ đó giúp các DN có thể cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.
Theo các chuyên gia, ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics giúp các DN có thể giảm 14% chi phí giao hàng và tăng số lượng hàng giao trên mỗi xe lên 13%. Ngoài ra, những công nghệ đột phá này cho phép các công ty, nhà cung cấp dịch vụ logistics tối ưu hóa hơn nữa chi phí, tăng năng suất giao hàng bằng cách lập kế hoạch thông minh về tuyến đường để đảm bảo có nhiều lượt nhận và trả hàng.
Trong bối cảnh đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam đến năm 2025, theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ là nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật, cùng với các công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành và đào tạo về chuỗi cung ứng. Mục tiêu là đạt được chất lượng dịch vụ logistics cao hơn, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường.
Ngoài ra, theo Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics được xác định là một trong tám ngành cần được ưu tiên CĐS. Điều này cho thấy tầm quan trọng của ngành trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Việc đầu tư vào công nghệ thông tin, tự động hóa quy trình và phát triển kỹ năng cho nguồn nhân lực sẽ là những yếu tố chính quyết định sự thành công trong việc hiện đại hóa ngành logistics, giúp Việt Nam không chỉ đáp ứng được nhu cầu nội địa mà còn vươn ra thị trường quốc tế.
Nhiều giải pháp đột phá mới từ DN Việt
Giữa tháng 9/2024, Hoà Phát Logistics chính thức công bố vận hành hệ thống các phần mềm quản lý vận tải gồm phần mềm điều hành vận tải, phần mềm đào tạo trực tuyến và phần mềm theo dõi hành trình vận tải. Đây là một trong những chiến lược quan trọng nhằm thực hiện kế hoạch phát triển giai đoạn 2024 - 2026, hướng tới mục tiêu dài hạn đến năm 2030 của Hòa Phát Logistics.
Việc chính thức đưa vào vận hành các phần mềm là minh chứng cho sự tiến bộ vượt bậc trong ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải của công ty.
Cùng đó, hệ thống mới sẽ góp phần cải thiện hiệu quả quản lý, tối ưu hóa vận hành và củng cố vị thế của Hoà Phát Logistics trên thị trường logistics ngày càng cạnh tranh, đồng thời thúc đẩy các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững. Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2024 - 2026, Hòa Phát Logistics tiếp tục đầu tư và hoàn thiện hệ thống phần mềm quản trị, bổ sung các phần hành liên quan nhằm hoàn thiện hệ thống phần mềm ERP trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ logistics của công ty.
Vừa qua, Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) tự hào là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự sự kiện Parcel + Post Expo 2024 tại Hà Lan. Sự có mặt của Viettel Post tại sự kiện năm nay là lời khẳng định cho vị thế dẫn đầu về công nghệ logistics tại Việt Nam với chuỗi giải pháp logistics toàn trình thông minh.
Thông qua 5 sản phẩm công nghệ chủ lực gồm robot chia chọn khai thác, robot vận chuyển tự hành, robot phân loại tự động và hai hệ thống quản lý tập trung là quản lý vận tải và quản lý kho hàng thông minh.
Đây là 5 sản phẩm công nghệ nằm trong chuỗi giải pháp logistics toàn trình thông minh do Viettel Post nghiên cứu, phát triển và làm chủ. Chuỗi giải pháp này hướng tới tự động hóa, tối ưu toàn bộ chuỗi cung ứng, từ vận hành, quản lý kho bãi, phân loại, vận chuyển đến khâu giao nhận cuối cùng.
Viettel Post đã chứng minh rằng các giải pháp logistics toàn trình thông minh của mình không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế mà còn mang lại hiệu quả tối ưu cho khách hàng toàn cầu Viettel Post không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các giải pháp thông minh mà còn giúp tối ưu chi phí vận hành lên đến 40%. Điều này mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, từ đó cải thiện hiệu suất, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đang Bộ Công Thương xin ý kiến các Bộ, ngành, Hiệp hội, DN đưa ra định hướng cần tạo đột phá trong việc xây dựng thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics.
Theo đó, trong giai đoạn 2025 - 2035, số lượng DN dịch vụ logistics sử dụng các giải pháp CĐS đạt 80% số DN logistics Việt Nam. Khi chiến lược này được công bố thì sẽ là đòn bẩy quan trọng cho DN trong ứng dụng công nghệ số vào dịch vụ logistics./.