Gia Lai: Ưu tiên phát triển toàn diện, bền vững vùng dân tộc thiểu số
Truyền thông - Ngày đăng : 13:10, 10/11/2024
Gia Lai: Ưu tiên phát triển toàn diện, bền vững vùng dân tộc thiểu số
Ưu tiên phát triển toàn diện, phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng đặc biệt khó khăn là mục tiêu đặt ra tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV tỉnh Gia Lai (nhiệm kỳ 2024-2029) đã diễn ra chiều 9/11/2024 tại TP. Pleiku.
Dự Đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; lãnh đạo tỉnh Gia Lai… cùng 250 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn gần 750.000 người dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc 44 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Báo cáo chính trị được trình bày tại Đại hội khẳng định, trong 5 năm qua, tình hình vùng DTTS của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã chỉ đạo triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng đồng bào các DTTS và miền núi từng bước được nâng lên, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; đội ngũ cán bộ người DTTS, hệ thống chính trị vùng dân tộc được tăng cường; khối đại đoàn kết dân tộc được phát huy, giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố thêm niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo, quản lý chung của các cấp tại địa phương.
Kinh tế - xã hội của tỉnh hằng năm tăng trưởng khá; các cấp, các ngành triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội; các thiết chế văn hóa, thông tin truyền thông, lễ hội truyền thống của dân tộc được chỉ đạo chặt chẽ.
Kết cấu hạ tầng cơ sở vùng DTTS được tăng cường đầu tư đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Các địa phương quan tâm đến việc triển khai nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, lao động nông thôn vùng DTTS và miền núi; từng bước hình thành mô hình, chuỗi sản xuất ứng dụng công nghệ mới. Bộ mặt nông thôn vùng dân tộc ngày càng khởi sắc.
Công tác xây dựng Đảng, đoàn thể; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị được chú trọng. Số lượng đảng viên DTTS hằng năm đều tăng, việc quy hoạch, luân chuyển, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ được nâng lên về số lượng và chất lượng. Cơ sở đảng, tổ chức đoàn thể và tổ chức chính trị trong vùng đồng bào DTTS được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng, ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Công tác củng cố khối đại đoàn kết dân tộc được các ngành, các cấp thường xuyên chỉ đạo, tạo sự gắn kết giữa các dân tộc trong tỉnh. An ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo đổi mới của Đảng, sự điều hành quản lý của Nhà nước ngày càng được nâng lên.
Về nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2024 - 2029, Đại hội xác định:
Ưu tiên phát triển toàn diện, phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS, nhất là vùng đặc biệt khó khăn; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế kinh tế từng vùng, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ không gian sinh sống của đồng bào DTTS.
Rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS so với vùng có điều kiện thuận lợi phát triển; Từng bước giảm dần số xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn, cải thiện rõ rệt đời sống sinh hoạt người dân; Chú trọng thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội và kết nối phát triển các vùng kinh tế.
Đẩy mạnh phát triển đồng bộ các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi; Xóa bỏ dần các phong tục tập quán lạc hậu, đồng thời bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp đặc trưng của các dân tộc.
Tập trung xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Gia Lai là tỉnh vùng cao biên giới nằm ở phía bắc Tây Nguyên, có vị trí quốc tế quan trọng trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Toàn tỉnh có 17 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 2 thị xã và 14 huyện) với 218 xã, phường, thị trấn và 1.577 thôn, làng, tổ dân phố.
Dân số toàn tỉnh năm 2024 là 1.634.896 người, với 44 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào DTTS là 748.124 người, chiếm 45,76% dân số toàn tỉnh (dân tộc Jrai chiếm 29,65%, dân tộc Bahnar 12,90%, các dân tộc khác chiếm 3,21%). Các DTTS cư trú đều khắp các địa bàn trong tỉnh; mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội riêng rất phong phú, đa dạng, tạo nên tính thống nhất trong nền văn hóa tại địa phương./.