Trao cho sinh viên vùng miền núi bộ công cụ để kiến tạo tương lai
Truyền thông - Ngày đăng : 14:13, 24/11/2024
Trao cho sinh viên vùng miền núi bộ công cụ để kiến tạo tương lai
Có thể nói rằng trong thời gian qua, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên đã có sự thay đổi đáng kể về chất lượng đào tạo, phương thức quản trị nhà trường.
Phương châm của các thầy, cô giáo ở đây là: "Trao cho các sinh viên miền núi bộ công cụ để kiến tạo tương lai của chính mình". Có được sự thay đổi này là nhờ nhà trường đã ứng dụng CBTA vào phương thức đào tạo.
CBTA là gì?
Đào tạo và đánh giá theo năng lực thực hiện (CBTA) là hướng tiếp cận giáo dục nghề nghiệp trong đó nhấn mạnh tới việc người học sẽ làm được gì sau quá trình đào tạo, chứ không thuần túy là chỉ biết được gì. Phương pháp CBTA chú trọng vào việc đào tạo và đánh giá thực tế dựa trên các tiêu chuẩn nghề nghiệp đặc trưng của ngành và đảm bảo rằng các chương trình GDNN đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp.
Phương pháp CBTA đảm bảo cho người học thực hiện được kỹ năng như ở môi trường làm việc thực tế.
CBTA đã giúp điều chỉnh các môn thực hành phù hợp hơn với kỹ năng cần đạt, nhờ đó, sinh viên có điều kiện rèn luyện kỹ năng nghề tốt hơn mà không bị áp lực bởi điểm số. Các thầy cô còn chủ động áp dụng những kiến thức mới vào việc điều chỉnh chương trình đào tạo, trong đó mỗi môn học được nêu rõ các năng lực cần đạt.
Ngoài ra, trường còn xây dựng phòng thực hành với trang thiết bị đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho sinh viên.
Hiệu quả của phương pháp CBTA
Theo cô Trần Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Kinh tế - Du lịch, trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên, nhờ được đào tạo, tập huấn phương pháp CBTA, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo của trường được nâng cao hơn và có nhiều thay đổi tích cực trong phương pháp giảng dạy. Các giảng viên đã chia sẻ những kiến thức và kỹ năng lĩnh hội được về phương pháp CBTA đến các đồng nghiệp để cùng áp dụng vào thực tiễn giảng dạy.
Không chỉ trang bị cho các em những kỹ năng nghề nghiệp thiết thực, các giảng viên Trường Cao Đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên còn giúp sinh viên vùng dân tộc thiểu số (DTTS) tự tin vươn xa, sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động chất lượng cao, góp phần phát triển nguồn nhân lực bền vững cho đất nước.
Với sự tận tâm, kỹ năng sư phạm vững vàng và khả năng áp dụng thực tiễn linh hoạt, các thầy cô đã mang đến những bài giảng sinh động, dễ tiếp cận, giúp học sinh, sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn khơi gợi niềm đam mê học hỏi, tạo động lực bền bỉ cho các em trong suốt hành trình học tập.
Một trong những điểm nổi bật trong các bài giảng là phương pháp dạy học đổi mới, khả năng kết nối lý thuyết với thực tiễn và sự tự tin, cuốn hút trong cách truyền đạt.
Trong Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024 do Tổng cục giáo dục nghề nghiệp và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức mới đây, hai nhà giáo của trường tham dự đều đạt giải cao nhờ sự đổi mới, sáng tạo về phương pháp giảng dạy thực hành, tích hợp và sử dụng thiết bị tự làm hiệu quả.
Những đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo thể hiện rõ ở kết quả đánh giá cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong năm học 2023 - 2024, nhà trường đạt 92/100 điểm. Bên cạnh đó, nhà trường được cấp giấy chứng nhận công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành.
Kết quả tuyển sinh của nhà trường liên tục tăng qua các năm là minh chứng rõ nét cho sự đổi mới của hoạt động chuyên môn và chất lượng đào tạo. Năm học 2023 - 2024, nhà trường tuyển sinh đạt 95,6% chỉ tiêu UBND tỉnh Điện Biên giao.
Tâm huyết với giáo dục nghề nghiệp, cô Trần Thị Thanh Thủy quan niệm rằng, các thầy cô giáo ở trường nghề có nhiệm vụ “trao cho các em sinh viên một bộ công cụ để kiến tạo nên tương lai của chính mình”.
Không chỉ trang bị cho các em những kỹ năng nghề nghiệp thiết thực, các giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên còn giúp sinh viên vùng DTTS tự tin vươn xa, sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động chất lượng cao, góp phần phát triển nguồn nhân lực bền vững cho đất nước.
Năng lực của đội ngũ giảng viên của nhà trường được nâng cao, người được hưởng lợi đầu tiên là các em sinh viên. Đây là phương thức hiệu quả, thiết thực với một nhà trường mà phần lớn học viên là người DTTS. Trong các cách để có thể thay đổi đời sống đồng bào vùng DTTS, không gì tốt hơn là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng từ chính những thanh niên người DTTS, để các em tự tin bước ra bên ngoài và quay về thay đổi quê hương./.