Yên Bái: Xoá bỏ tập tục lạc hậu, nâng cao chỉ số hạnh phúc
Truyền thông - Ngày đăng : 07:36, 27/11/2024
Yên Bái: Xoá bỏ tập tục lạc hậu, nâng cao chỉ số hạnh phúc
Yên Bái có 9 đơn vị hành chính cấp huyện thì có tới 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải là huyện nghèo đặc biệt khó khăn của cả nước, với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông. Một số phong tục tập quán lạc hậu còn tồn tại.
Thực trạng tập tục lạc hậu
Trước đây, đời sống của đa số đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí và nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, một số phong tục tập quán lạc hậu còn tồn tại, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội còn nhiều hạn chế.
Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thách cưới, không đăng ký kết hôn và phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con vẫn tồn tại ở các thôn, bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong vòng 5 năm từ 2022 trở về trước, Yên Bái có gần 2.400 trường hợp tảo hôn, trong đó tảo hôn từ vợ là 1.536 người, chiếm gần 65% số người tảo hôn; hơn 90% số phụ nữ tảo hôn đều sinh con thứ 3 trở lên, phần lớn số phụ nữ này thuộc đối tượng hộ nghèo và chiếm tỷ lệ ly hôn cao.
Nghi thức cưới còn rườm rà, tốn kém. Các hủ tục lạc hậu trong việc tang như ăn uống linh đình gây tốn kém, lãng phí, hiện tượng mê tín dị đoan, gọi hồn, quản thi hài người quá giờ quy định vẫn còn tồn tại ở một số địa phương. Một số lễ hội truyền thống còn ẩn chứa yếu tố mê tín dị đoan, làm ảnh hưởng đến giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống.
Trước thực trạng đó, những năm qua cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh Yên Bái đã tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác xây dựng văn hóa, con người, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, trọng tâm là xóa bỏ các phong tục, hủ tục lạc hậu với nhiều cách làm mới.
Quyết liệt vào cuộc đẩy lùi lạc hậu
Năm 2021, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Kế hoạch hành động về tuyên truyền, vận động đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất nhập cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, cả hệ thống chính trị vào cuộc và lấy địa bàn hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải làm trọng điểm, quyết liệt thực hiện các biện pháp đẩy lùi tệ nạn này. Đặc biệt là giao trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở phụ trách từng địa bàn cụ thể.
Là cơ quan thường trực tuyên truyền, vận động xây dựng mô hình "Thôn, bản không có người tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”.
Hàng năm, MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái phối hợp với sở, ngành, địa phương tổ chức 7 Hội nghị gặp mặt và tập huấn cho gần 600 đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch MTTQ cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận, các già làng, trưởng dòng họ và người có uy tín trong cộng đồng về công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất nhập cảnh trái phép trên địa bàn huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn.
Mặt trận vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh, xây dựng con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”; xây dựng gia đình, thôn (bản), tổ dân phố văn hoá, hạnh phúc gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Dần dần xoá bỏ các thủ tục lạc hậu
Kết quả đạt được sau sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành đã khá khả quan. Ông Giàng A Tông, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái, người đã từng là Bí thư Huyện uỷ Mù Cang Chải hiểu rất rõ về phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc, cho biết: Đến cuối năm 2023, tỷ lệ gia đình văn hóa toàn tỉnh đạt 83%; tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đạt 71%, chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 65,62% ở mức 2 - mức khá hạnh phúc.
Trong việc cưới, các nghi thức được thực hiện trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh. Các thủ tục đã giảm bớt tình trạng ăn uống linh đình, phô trương, lãng phí, mời cưới tràn lan. Các thủ tục dạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu không còn rườm rà, nặng về đòi hỏi lễ vật; hiện tượng đánh bạc, sử dụng rượu, bia, hút thuốc trong đám cưới được hạn chế. Trang phục lễ cưới lịch sự, gọn gàng, phù hợp với văn hóa dân tộc; không còn hiện tượng sử dụng lòng đường để dựng rạp khi tổ chức lễ cưới, hỏi.
Đặc biệt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả quan trọng: Năm 2023, toàn tỉnh có 58 trường hợp tảo hôn (giảm 268 trường hợp so năm 2019); không có hôn nhân cận huyết thống (giảm 10 trường hợp so với năm 2020).
Việc tang được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa và hoàn cảnh gia đình người qua đời. 100% thôn (bản), tổ dân phố chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đứng ra thành lập Ban lễ tang, cùng với gia đình, họ tộc lo việc tang chu đáo, mang đậm tình làng nghĩa xóm. Các hủ tục để người chết trong nhà quá 48 tiếng, chèo đò, yểm bùa, trừ tà, lăn đường, khóc mướn và các hành vi mê tín dị đoan khác dần được xóa bỏ, hiện tượng rải tiền, vàng trên đường đưa tang được hạn chế, không còn kèn chống quá giờ quy định. Các phần mộ được quy tập về nghĩa trang, đảm bảo mỹ quan và vệ sinh môi trường...
Yên Bái là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, có diện tích tự nhiên gần 6.900 km2, dân số trên 85 vạn người, có trên 30 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 57,3%.
Toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện thì có tới 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải là huyện nghèo đặc biệt khó khăn của cả nước, với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông.
Yên Bái có có 173 xã, phường, thị trấn với 1.356 thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có 59 xã, 382 thôn, bản đặc biệt khó khăn, đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo là 9,16%.
Đến cuối năm 2023, tỷ lệ gia đình văn hóa toàn tỉnh đạt 83%; tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đạt 71%, chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 65,62% ở mức 2 - mức khá hạnh phúc.
Lễ hội đã trở thành là một loại hình văn hóa, nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân, các lễ hội văn hóa được tổ chức gắn với các sự kiện lịch sử, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng dân gian của từng dân tộc và phát triển du lịch được đẩy mạnh.
Các lễ hội trong tỉnh rất đặc sắc như Lễ hội Trà San tuyết; Tết rừng Nà Hẩu, huyện Văn Yên; Lễ hội Cắc Kéng của người Tày ở xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên; “Mừng cơm mới” xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn; lễ hội Bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình; lễ hội Quế, huyện Văn Yên; hội xòe Mường Lò thị xã Nghĩa Lộ....
Phần lễ và phần hội được tổ chức trang nghiêm, việc thắp hương, đốt vàng mã được thực hiện đúng quy định; hiện tượng chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường được hạn chế; việc đổi tiền có chênh lệch giá cao, các hoạt động mê tín, dị đoan trong Lễ hội được xóa bỏ.
Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội dần đi vào nền nếp, nhận thức, trách nhiệm của người dân được nâng lên, tích cực tham gia gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Phấn đấu nâng cao chỉ số hạnh phúc của đồng bào
Trong thời gian tới, theo ông Giàng A Tông, Yên Bái tiếp tục phát huy vai trò tự quản của nhân dân, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình tổ tự quản ở thôn, bản, tổ dân phố do MTTQ chủ trì; Tập hợp, lắng nghe, đoàn kết Nhân dân trong thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh; Phối hợp nhân rộng các mô hình “Gia đình hạnh phúc”, “Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc”, “Xã, phường, thị trấn hạnh phúc”.
Cùng với đó, tiếp tục quan tâm xây dựng, bồi dưỡng và phát huy vai trò Trưởng ban công tác Mặt trận, người uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo, già làng, trưởng dòng họ nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, trọng tâm là đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống;
Phân công, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, hiểu biết về phong tục tập quán, về tín ngưỡng dân tộc, tôn giáo, nhất là hiểu tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc, có kinh nghiệm làm công tác vận động quần chúng.
Cuối cùng, phấn đấu hằng năm có trên 90% gia đình văn hóa đạt tiêu chí gia đình hạnh phúc; trên 75% thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đạt tiêu chí thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc; Phấn đấu góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đến năm 2029 đạt trên 70%./.