GenAI - Cuộc đua công nghệ mới trong ngành tài chính - ngân hàng
Truyền thông - Ngày đăng : 10:38, 27/11/2024
GenAI - Cuộc đua công nghệ mới trong ngành tài chính - ngân hàng
Theo báo cáo từ Precedence Research (2023), năm 2023, quy mô thị trường GenAI trong ngành tài chính - ngân hàng dự kiến đạt hơn 12 tỷ USD trên toàn cầu. Tại Việt Nam, làn sóng chuyển đổi số trong ngành tài chính - ngân hàng cũng đang diễn ra rất mạnh mẽ.
Hệ sinh thái số trong ngành tài chính - ngân hàng phát triển mạnh mẽ
Tại sự kiện họp báo Ngày Thẻ Việt Nam năm 2024 do Báo Tiền Phong và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam Napas tổ chức vào tháng 9/2024, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh Toán, Ngân hàng Nhà nước (NHHNN) Việt Nam thông tin, Việt Nam được đánh giá là đất nước có tiềm năng to lớn về việc mở rộng và phát triển hệ sinh thái số, chuyển đổi số (CĐS).
Với sự gia tăng của công nghệ tài chính (Fintech) trong những năm gần đây đã tạo ra sân chơi mới, mô hình kinh doanh mới cũng những người chơi mới, phá vỡ vị thế “đóng” của các định chế tài chính truyền thống.
Đến nay, cả nước có trên 84 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 50 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động. Thanh toán, chuyển tiền qua Internet, điện thoại di động, QR Code đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đạt 87,08%.
Hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số của ngành ngân hàng với nhiều phương thức thanh toán hiện đại, tiện lợi được kết nối liên thông, tích hợp liền mạch, xuyên suốt với các ngành, lĩnh vực khác: các dịch vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ dân sinh như thanh toán điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe, đặt nhà hàng, tour du lịch trên các nền tảng số... đều đã được đưa lên hoặc kết nối với ứng dụng di động của các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán, dịch vụ Mobile - Money cho phép người dân, doanh nghiệp giao dịch mua, bán, thanh toán an toàn, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí ngay trên ứng dụng, nền tảng số quen thuộc hằng ngày.
Một thành công quan trọng trong CĐS của ngành ngân hàng đó là phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Doanh số này liên tục tăng mạnh trong những năm qua, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.
Theo báo cáo tại công bố sự kiện Ngày không tiền mặt năm 2024 của Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng Báo Tuổi Trẻ vào tháng 6/2024, hiện nay TTKDTM tại Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet và Mobile bình quân giai đoạn 2021-2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%; tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%.
Bước tiến ứng dụng GenAI trong ngành
Tuy nhiên, “nhiều doanh nghiệp tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (BFSI) tại Việt Nam hiện nay đang đứng trước “cuộc đua" CĐS nhằm tối ưu chi phí, quy trình, đảm bảo an toàn dữ liệu đồng thời gia tăng trải nghiệm khách hàng, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường", TS. Đào Đức Minh, Tổng giám đốc VinBigdata chia sẻ trong sự kiện A:Invent - Innovative Finance in GenAI Era diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 9/2024.
TS. Đào Đức Minh cũng nhấn mạnh thêm, việc số hoá hiện nay hầu hết mới dừng lại ở các tác vụ đơn lẻ như chăm sóc khách hàng, bán hàng, chưa thực sự được triển khai theo một chiến lược tổng thể và toàn diện.
Mặt khác, chi phí triển khai cũng là một trong những rào cản lớn của các doanh nghiệp. Quá trình CĐS đòi hỏi một khoản chi phí đầu tư khổng lồ, không chỉ đầu tư về mặt công nghệ, mà còn về cơ sở hạ tầng và đào tạo con người. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp BFSI vẫn chưa sẵn sàng “tất tay", TS. Đào Đức Minh nhận định.
Bộ giải pháp ViFi được VinBigdata (Tập đoàn Vingroup) giới thiệu thông qua sự kiện “A:Invent - Innovative Finance in GenAI Era” vừa qua được xem như bước tiến mới trong việc ứng dụng GenAI trong ngành BFSI. Bộ giải pháp được phát triển linh hoạt và tùy chỉnh, bao gồm: Trợ lý ảo tài chính, trợ lý ảo ngân hàng, trợ lý ảobBảo hiểm, và trợ lý ảo nội bộ.
Trong đó, trợ lý ảo tài chính và ngân hàng được tích hợp linh hoạt trên hệ thống kênh của khách hàng như website, ứng dụng điện thoại, các nền tảng mạng xã hội và tổng đài điện thoại. Với các tính năng đa dạng như hỗ trợ tư vấn bán hàng, cung cấp thông tin về sản phẩm, chương trình khuyến mãi; hỗ trợ chăm sóc khách hàng và xử lý sự cố, trợ lý ảo hoàn toàn có thể đóng vai trò như một tư vấn viên tài chính, cung cấp đầy đủ thông tin và hỗ trợ khách hàng 24/7.
Trợ lý ảo bảo hiểm tập trung vào khả năng tư vấn cá nhân hóa, xử lý hồ sơ và xác thực thông tin sinh trắc học giọng nói và khuôn mặt nhanh chóng, chính xác với công nghệ eKYC thế hệ mới, ghi âm giọng nói (voice recording),... từ đó hỗ trợ tư vấn các gói sản phẩm phù hợp cho khách hàng.
ViFi được đào tạo trên mô hình GenAI hoàn toàn làm chủ bởi VinBigdata mà không phụ thuộc vào đơn vị nước ngoài nào. VinBigdata cũng tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn quốc tế như NIST, iBeta, GDPR, PCI DSS, ISO 2700. Điều này giúp đảm bảo tính an toàn, bảo mật dữ liệu, tăng cường khả năng quản lý và kiểm soát dữ liệu.
Mặt khác, bộ giải pháp cũng là chìa khóa tháo gỡ nút thắt về mặt chi phí triển khai. ViFi được đào tạo trên hệ cơ sở dữ liệu thuộc đa lĩnh vực lên tới 3.500 Terabyte cùng hệ thống hạ tầng mạnh mẽ với hàng chục cụm máy chủ, giúp các doanh nghiệp tối ưu chi phí.
Trước khi ra mắt bộ giải pháp ViFi, những ứng dụng AI tạo sinh của VinBigdata đã được triển khai cho một số doanh nghiệp lớn trong ngành BFSI tại Việt Nam. Điển hình như AI Bot cho ngân hàng ACB, với khả năng hỗ trợ tự động hóa quy trình chăm sóc khách hàng, giúp tăng tốc độ xử lý các tác vụ và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Bên cạnh đó, AI Voice Recording cũng được triển khai cho công ty bảo hiểm FWD giúp tăng độ chính xác trong xác thực hồ sơ khách hàng thông qua sinh trắc học giọng nói./.