Giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực số trong giáo dục đại học ở Việt Nam

Truyền thông - Ngày đăng : 10:21, 07/11/2024

Yêu cầu cấp thiết hiện nay là nhanh chóng đổi mới giáo dục đại học, đào tạo nghề trên nền tảng công nghệ số để có nguồn nhân lực số đủ năng lực vận hành chính phủ số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ chuyển đổi số (CĐS) trong các ngành trọng điểm.
Truyền thông

Giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực số trong giáo dục đại học ở Việt Nam

Hoàng Anh 07/11/2024 10:21

Yêu cầu cấp thiết hiện nay là nhanh chóng đổi mới giáo dục đại học, đào tạo nghề trên nền tảng công nghệ số để có nguồn nhân lực số đủ năng lực vận hành chính phủ số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ chuyển đổi số (CĐS) trong các ngành trọng điểm.

Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ xác định giáo dục là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên với mục tiêu là phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về CĐS trong giáo dục và đào tạo.

Đổi mới chương trình đào tạo và phương pháp kiểm tra, đánh giá.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, nguồn nhân lực số có thể được xem là điểm tựa và khoa học công nghệ được xem là đòn bẩy cho sự tăng trưởng kinh tế xã hội nhanh, bền vững. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số thích ứng với môi trường số nhằm vận hành chính quyền số, phát triển nền kinh tế số và xã hội số là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo.

anh-bai-cuc-ict-2.jpg
Hiện nay số lượng sinh viên theo học ngành CNTT tăng nhanh cho thấy sức hấp dẫn của ngành đối với thế hệ trẻ.

Thực tế đòi hỏi các trường đại học và học viện tăng cường thiết kế đổi mới khung đào tạo phù hợp, tập trung mở mới các mã ngành đào tạo trong nhóm ngành Công nghệ thông tin (CNTT), các ngành/chuyên ngành CNTT ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế – xã hội; nghiên cứu, bổ sung thêm các chuyên ngành đào tạo về ICT (CNTT và truyền thông), Blockchain, AI (trí tuệ nhân tạo)… đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực số phục vụ thị trường lao động và hội nhập quốc tế; khuyến khích việc thiết kế chương trình đào tạo ưu tiên cho các ngành khoa học – kỹ thuật, đào tạo theo hướng đa ngành; điều chỉnh tăng thời lượng đào tạo kiến thức, kỹ năng để làm việc, tương tác trên môi trường số và các ứng dụng số.

Công tác kiểm tra đánh giá thay thế từ phương pháp truyền thống (làm bài thi đề đóng trên giấy) sang đề thi mở hoặc kiểm tra, đánh giá trên môi trường máy tính, môi trường mạng thông qua các ứng dụng số. Điều này yêu cầu sinh viên vừa phải tiếp cận và thực hành trên các ứng dụng CNTT cơ bản, vừa hoàn thiện kỹ năng mềm và đòi hỏi tư duy theo hệ thống.

Đối với những trường có các chương trình đại học tiên tiến, định hướng các ngành, nghề công nghệ của tương lai, như Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội… thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo kết hợp đầu tư hạ tầng công nghệ cho sinh viên ứng dụng và khai thác trong học tập, nghiên cứu. Đặc biệt, để vận hành, khai thác, ứng dụng trí thông minh nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn cần có các trung tâm siêu máy tính – nền tảng quan trọng để nghiên cứu, khai thác và phát triển những vấn đề nói trên; Mở rộng xu hướng hợp tác đào tạo với các nước phát triển trên thế giới.

Nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi kỹ năng sử dụng ngoại ngữ và CNTT là những kỹ năng bắt buộc, cơ bản đối với thế hệ tương lai để thích ứng với sự chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề trong nền kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, các kỹ năng khác như: làm việc nhóm, công nghệ số, an toàn thông tin, phát triển tư duy sáng tạo, am hiểu công nghệ trong tương lai… là những yếu tố quan trọng làm gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động, đặc biệt là đối với sinh viên mới tốt nghiệp. Chính vì vậy, để tăng cường các kỹ năng cho sinh viên, giáo dục đại học ở Việt Nam cần đưa vào chương trình đào tạo và thiết kế chuẩn đầu ra đối với các kỹ năng, bảo đảm thời lượng hướng dẫn của giảng viên và tự học của sinh viên; tăng thời lượng gắn kết giữa học lý thuyết kết hợp thực hành hoặc nghiên cứu thực tế.

Mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo

Để kiến thức không còn là lý thuyết thì việc học của sinh viên sẽ hiệu quả hơn khi được vừa học, vừa thực hành trong môi trường thực tế. Các trường đại học chủ động tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa sinh viên vào làm việc tại doanh nghiệp khi còn chưa tốt nghiệp; mời các chuyên gia từ doanh nghệp tham gia tư vấn, cùng xây dựng mới và đánh giá các chương trình đào tạo, giảng dạy nhằm kết nối đào tạo gắn liền thực tiễn. Sự liên kết chặt chẽ giữa trường đại học và các doanh nghiệp là hết sức cần thiết thông qua các mô hình liên kết đào tạo, hình thành các trung tâm, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường đại học. Trên cơ sở mối liên kết giữa các bên, các doanh nghiệp có thể chia sẻ trách nhiệm xã hội thông qua việc tài trợ cơ sở vật chất, học thuật, phát triển công nghệ…

Trên thực tế, công tác ươm tạo doanh nghiệp công nghệ còn khá mới mẻ và còn nhiều thách thức. Việc phát triển vườn ươm doanh nghiệp công nghệ tại các trường đại học sẽ góp phần đẩy mạnh hơn nữa phong trào nghiên cứu khoa học trong cán bộ và sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên có nhiều cơ hội cọ xát với thực tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu của xã hội; đẩy nhanh tiến độ chuyển giao các thành tựu nghiên cứu khoa học vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế – xã hội bền vững trong xu thế hội nhập. Để thực hiện được điều này rất cần chính sách khuyến khích, hỗ trợ từ phía Nhà nước để hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học đào tạo về công nghệ, tạo hệ sinh thái cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình hoạt động và phát triển của các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; ưu tiên tài trợ cho các tổ chức, cá nhân có công trình khoa học – công nghệ xuất sắc.

Chiến lược phát triển nguồn nhân lực số gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 lấy con người làm trọng tâm; xây dựng các kế hoạch hành động phát triển Internet kết hợp với trí tuệ nhân tạo; thực hiện các sáng kiến về giáo dục và hạ tầng CNTT. Với nền tảng hệ thống mạng, trí tuệ nhân tạo và thực hiện đầu tư nghiên cứu các dự án khoa học trọng điểm, các đại học, trung tâm nghiên cứu phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để đưa các dự án vào ứng dụng trong thực tiễn. Nhiệm vụ của giáo dục đại học giai đoạn hiện nay là ưu tiên đào tạo và trang bị cho người lao động các kỹ năng cần thiết, năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với môi trường công nghệ, từng bước phát triển nguồn nhân lực số phục vụ thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược CĐS quốc gia. Đồng thời, chủ động chuẩn bị để tạo nguồn nhân lực có kiến thức, có kỹ năng, tay nghề tốt có thể bước ngay vào sân chơi lớn của thị trường lao động thế giới.

Các chuyên gia cho rằng, có thể tham khảo các mô hình đào tạo CNTT ở các nước tiên tiến, trong đó chương trình học được phân bổ hợp lý giữa các cấp học, nhằm giúp học sinh có nền tảng CNTT trước khi bước vào đại học. Ví dụ, trong chương trình giáo dục THPT tại Mỹ và Anh, môn tin học được bắt buộc với các mạch kiến thức về ứng dụng công nghệ, khoa học máy tính, giúp học sinh làm quen với các công nghệ lập trình cơ bản và xác định hướng đi nghề nghiệp trong lĩnh vực CNTT từ sớm. Số lượng học sinh theo học ngành CNTT tăng cho thấy sức hấp dẫn của ngành nhưng dường như việc đào tạo vẫn chưa đạt được như kì vọng. Để khắc phục, bên cạnh chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, các cơ sở đào tạo đại học cũng cần thay đổi tư duy đào tạo, trong đó việc liên kết với các doanh nghiệp đào tạo theo nhu cầu là giải pháp quan trọng để giải bài toán về chất lượng nhân lực cho ngành CNTT.

Hoàng Anh