Xây dựng hạ tầng số hiện đại, đồng bộ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Truyền thông - Ngày đăng : 10:35, 28/11/2024
Xây dựng hạ tầng số hiện đại, đồng bộ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Việt Nam với vị thế là một trong những quốc gia hàng đầu trong khu vực về phát triển hạ tầng số, đang tiến hành những nỗ lực không ngừng nghỉ để xây dựng một nền tảng số hiện đại và đồng bộ.
Dẫn đầu khu vực về phát triển hạ tầng số
Hạ tầng kỹ thuật số (hay hạ tầng số) là tập hợp các cơ sở vật chất, công nghệ và nền tảng công nghệ thông tin phục vụ cho thu thập, truyền tải, lưu trữ, quản lý và xử lý dữ liệu trong môi trường số. Đây là nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của các hoạt động chuyển đổi số (CĐS), từ Chính phủ số, kinh tế số, đến xã hội số.
Các thành phần chính của hạ tầng số bao gồm các hạ tầng: viễn thông, trung tâm dữ liệu (TTDL), điện toán đám mây (ĐTĐM), Internet vạn vật (IoT), an ninh mạng, nền tảng số (digital platform), phần cứng và mạng lưới kết nối. Hạ tầng số là "xương sống" cho các quốc gia trong kỷ nguyên công nghệ, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Ghi nhận dữ liệu mới nhất từ hệ thống đo tốc độ truy cập Internet i-Speed của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Internet băng rộng cố định trên cả nước có tốc độ tải lên đạt 88,88 Mbps, tốc độ tải xuống là 94,77 Mbps cùng độ trễ 2,38 ms, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 87,79 Mbps. Việt Nam hiện xếp thứ 41 thế giới về tốc độ mạng băng thông rộng cố định, vượt nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào tháng 11/2023, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết độ phủ sóng di động băng thông rộng 4G của Việt Nam năm 2023 đạt 99,8%, cao hơn các nước phát triển có thu nhập cao (99,4%).
Tháng 3/2024, cơ quan quản lý nhà nước đã tổ chức đấu giá thành công hai khối băng tần B1 (2.500 - 2.600 MHz) và C2 (3.700-3.800 MHz), tháng 4/2024 cấp giấy phép kinh doanh 5G cho hai nhà mạng trúng đấu giá là Viettel và VNPT và trong tháng 7/2024 đã đấu giá khối băng tần C3 (3.800 - 3.900 MHz) cho MobiFone.
Theo số liệu của Bộ TT&TT, tính đến hết tháng 12/2023, tỷ lệ sử dụng IPv6 trên mạng Internet Việt Nam đạt 59%, xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 9 thế giới. Đặc biệt, chi phí dịch vụ Internet tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp, chỉ bằng một nửa mức trung bình toàn cầu, giúp mọi người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
Hạ tầng TTDL là một yếu tố quan trọng khác trong chiến lược phát triển hạ tầng số. Việt Nam có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TTDL, 43 TTDL trên toàn quốc, với tổng số 571.000 máy chủ.
Việc phổ cập các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) trên toàn quốc cũng là một bước tiến quan trọng. Theo số liệu từ Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, tính đến đầu năm 2024, tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập được trên 80.000 tổ CNSCĐ cấp xã, thôn, phố, với tổng số trên 378.000 thành viên tham gia. Đây là một trong những sáng kiến giúp thu hẹp khoảng cách số giữa các khu vực trong cả nước.
Tiếp tục xây dựng hệ thống hạ tầng số đồng bộ, hiện đại
Phát triển hạ tầng số là một trong ba trụ cột chính của chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thủ tướng Chính phủ phê vừa ban hành Quyết định số 1132/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược), có hiệu lực thực hiện ngày 9/10/2024.
Cụ thể, Chiến lược nêu rõ quan điểm: hạ tầng số là hạ tầng của nền kinh tế: Hạ tầng số của Việt Nam (bao gồm 4 thành phần chính: (i) Hạ tầng viễn thông và Internet; (ii) Hạ tầng dữ liệu; (iii) Hạ tầng vật lý - số; (iv) Hạ tầng tiện ích số và Công nghệ số như dịch vụ) phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt, năm 2025, Việt Nam phấn đấu đưa vào khai thác tối thiểu 2 tuyến cáp quang biển quốc tế mới; hình thành các TTDL hỗ trợ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI Data Center); phát triển các TTDL mới đạt tiêu chuẩn xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng (PUE - Power Usage Effectiveness) không vượt quá 1,4.
Về xây dựng TTDL quốc gia, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 phê duyệt Đề án TTDL quốc gia. Việt Nam sẽ xây dựng tối thiểu 3 TTDL quốc gia theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ quản trị nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Các trung tâm này sẽ đóng vai trò nền tảng trong việc lưu trữ và xử lý dữ liệu, đồng thời thúc đẩy công nghiệp dữ liệu lớn.
Để thúc đẩy chuyển đổi số, trong Đề án “Nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, các cơ sở đào tạo đại học công lập trong toàn quốc đào tạo được 20.000 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo về chuyển đổi số. 80% cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.
Về chính sách hỗ trợ và hợp tác quốc tế, Chính phủ đã xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư vào hạ tầng số, từ ưu đãi thuế đến hỗ trợ tài chính. Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Tại tuần lễ số quốc tế Việt Nam do Bộ TT&TT tổ chức đã diễn ra nhiều hoạt động như: Hội nghị bàn tròn cấp Bộ trưởng; Hội nghị 5G ASEAN lần thứ 4; Diễn đàn quốc tế về chiến lược kỹ thuật số, chính sách và quản trị AI với Australia; Hội nghị các quan chức thông tin ASEAN;... Theo đó, các chuyên gia đã bàn thảo những giải pháp xây dựng hạ tầng số./.