Thách thức trong truyền thông chính sách đến cộng đồng dân tộc thiểu số
Truyền thông - Ngày đăng : 08:39, 28/11/2024
Thách thức trong truyền thông chính sách đến cộng đồng dân tộc thiểu số
Một trong những trở ngại trong việc thực hiện chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số là những thách thức trong vấn đề truyền thông chính sách đến đồng bào dân tộc.
Những thách thức đặt ra
Cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam tập trung phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi với địa hình và giao thông khó khăn, gây ra hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ khác nhau bao gồm cả khả năng tiếp cận các thông tin và hình thức truyền thông chính sách. Một phần còn do sự thiếu hụt các phương tiện thông tin làm hạn chế khả năng tiếp cận của nhóm cộng đồng DTTS.
Cho đến nay, đã có nhiều chương trình trang bị máy tính, điện thoại, tivi... tới các bản làng DTTS. Nhưng hiệu quả sử dụng, cũng như việc kết nối với internet còn chưa đồng đều ở các dân tộc, các vùng miền. Đặc biệt ở các dân tộc như Si La, Chứt, La Hủ, Xinh mun, Kháng, Khơ mú, Rơ Măm... tỷ lệ hộ gia đình có máy tính hoặc có kết nối internet rất thấp. Điều này khiến cộng đồng DTTS khó tiếp cận với các thông tin từ truyền thông chính sách và để thực hiện truyền thông đến nhóm đối tượng này cũng cần đầu tư nguồn lực tốn kém hơn.
Trình độ học vấn, bất đồng về ngôn ngữ, khoảng cách phát triển giữa những nhóm DTTS với đa số vẫn tồn tại và đang tiếp tục nới rộng. Trình độ học vấn thấp, khả năng ngôn ngữ phổ thông hạn chế và nhiều DTTS có tính cách rụt rè là những rào cản lớn để họ tiếp cận các thông tin từ truyền thông chính sách.
Với những đặc điểm trên, có thể thấy, ở Việt Nam, để tiếp cận được nhóm cộng đồng văn hóa thiểu số này, cần có lực lượng nhân sự và nguồn lực thực hiện truyền thông lớn hơn. Trong khi đó, nguồn lực nhân sự và nguồn lực cho truyền thông chính sách tại Việt Nam còn nhiều hạn chế bao gồm: Thiếu tài chính, phương tiện vật chất; Thiếu nhân lực có đủ năng lực về ngôn ngữ và am tường văn hóa cộng đồng.
Bên cạnh đó, một thách thức lớn của truyền thông chính sách là những yếu tố bên ngoài lợi dụng sự kém hiểu biết và nhạy cảm của cộng đồng DTTS để xuyên tạc, truyền bá thông tin giả mạo, sai sự thật, thậm chí “bóp méo” nội dung và tinh thần của chính sách công.
Đề xuất các giải pháp
Để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách đối với cộng đồng DTTS tại Việt Nam trong thời gian tới, giải pháp ở đây là cần huy động các nguồn lực.
Đầu tiên là nguồn lực tài chính để thực hiện truyền thông đến cộng đồng văn hóa thiểu số.
Thứ hai, là đảm bảo nguồn lực con người, những người thực hiện truyền thông chính sách đến cộng đồng thiểu số cần có những năng lực về ngôn ngữ và sự am hiểu, nhạy cảm văn hóa của cộng đồng thiểu số.
Thứ ba, là chính sách để phát huy vai trò của những người có uy tín, am hiểu văn hóa trong các cộng đồng DTTS để đạt hiệu quả truyền thông.
Thứ tư là tạo môi trường thuận lợi cho các nhóm cộng đồng DTTS được chia sẻ các ý kiến của mình.
Trong đó, nguồn nhân lực thực hiện truyền thông chính sách đến cộng đồng thiểu số cần bảo đảm năng lực am hiểu ngôn ngữ, tôn trọng và nhạy cảm, tìm hiểu văn hóa cộng đồng thiểu số.
Trong các năng lực trên đây, việc thành thạo ngôn ngữ cộng đồng thiểu số là rất quan trọng. Cụ thể là có đầu tư, đào tạo nhóm nhân sự trực tiếp thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách đến cộng đồng DTTS, đặc biệt là ở các địa phương nơi tập trung cộng đồng thiểu số sinh sống.
Ngay từ khâu tuyển chọn, bên cạnh tuyển chọn nhân sự có nền tảng năng lực bảo đảm yêu cầu, chính sách tuyển chọn từ các ứng viên thuộc cộng đồng DTTS được đào tạo về năng lực truyền thông chính sách là phương án nên được ưu tiên tính đến. Thậm chí, Nhà nước có thể thực hiện chính sách dài hạn hơn khi cấp học bổng hỗ trợ học sinh thuộc cộng đồng thiểu số để học đại học ngành truyền thông chính sách tại các trường đại học công lập.
Tại các trường đại học đào tạo chuyên ngành truyền thông chính sách, văn hóa và ngôn ngữ của cộng đồng thiểu số cũng cần được nhận thức đúng tầm quan trọng và phản ánh trong chuẩn đầu ra và nội dung các học phần. Đồng thời, xây dựng các tài liệu và hướng dẫn, huấn luyện nguồn nhân lực này về sự khác biệt văn hóa và cách thức giao tiếp phù hợp đối với từng nhóm cộng đồng.
Bên cạnh đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp về năng lực trên, giải pháp trước mắt là phát huy vai trò tự quản, phát huy vai trò truyền thông của giáo viên, bộ đội biên phòng... Đồng thời không ai có thể làm tốt việc truyền thông chính sách bằng những người có uy tín ở các cộng đồng DTTS.
Tại nhiều cộng đồng DTTS ở vùng sâu, vùng xa, các chức sắc đại diện cho thiết chế truyền thống như già làng, trưởng bản là những người có uy tín, được người dân tin tưởng và nghe theo. Do đó, truyền thông chính sách ở những cộng đồng văn hóa thiểu số có thể phối hợp với các già làng, trưởng bản để tích cực truyền tải các chính sách, chương trình đến người dân.
Trong quá trình xây dựng tài liệu về văn hóa và cách thức giao tiếp phù hợp với từng nhóm cộng đồng DTTS cũng cần học hỏi từ kinh nghiệm và sự hiểu biết của những người uy tín, già làng, trưởng bản... ở các cộng đồng thiểu số này.
Thực hiện các giải pháp liên quan đến truyền thông chính sách cần đặt trong tổng thể đồng bộ với hệ thống các chính sách khác để thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng DTTS.
Đối với Việt Nam, các thách thức lớn gây cản trở trong việc đạt được hiệu quả truyền thông chính sách thuộc về yếu tố kinh tế - xã hội của cộng đồng thiểu số, do đó các giải pháp để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách chỉ khả thi khi đặt trong tổng thể đồng bộ với các chính sách khác, bao gồm chính sách xóa đói giảm nghèo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đến vùng sâu vùng xa, chính sách nâng cao dân trí cho cộng đồng thiểu số tại các địa phương.
Bảo đảm hiệu quả truyền thông chính sách đến cộng đồng DTTS là nội dung quan trọng, góp phần đưa vùng sâu vùng xa thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, đảm bảo ổn định và phát triển đời sống kinh tế - xã hội của các vùng DTTS./.