Khai thác tốt 5G và AI để mang lại cơ hội ngoài mong đợi
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 10:45, 28/11/2024
Khai thác tốt 5G và AI để mang lại cơ hội ngoài mong đợi
Các cơ hội lớn mà 5G và AI khi được kết hợp cùng nhau sẽ tạo những kết quả tích cực ngoài mong đợi.
AI đang phát huy được những vai trò hỗ trợ cuộc sống con người
Tại buổi tọa đàm thuộc khuôn khổ sự kiện Internet Day 2024 vừa diễn ra, nói về vai trò quan trọng của 5G, đám mây (cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), ông Đặng Tùng Sơn, Giám đốc chiến lược, Tập đoàn công nghệ CMC cho rằng đây là những công cụ số quan trọng để thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) của Việt Nam hiện nay. Và để phát triển theo hướng bền vững, các công nghệ trên cần được thúc đẩy đầu tư quy mô, bài bản, nhưng phải tuân thủ đáp ứng đúng với những quy định pháp luật của Việt Nam.
“Các công nghệ trên có sự tác động rất lớn đối với các ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội, nhất là các ngành công nghiệp, từ đó tạo cú hích thúc đẩy phát triển xã hội số văn minh, sớm hình thành nền kinh tế số bền vững tại Việt Nam”, ông Đặng Tùng Sơn cho biết.
Cũng theo ông Đặng Tùng Sơn, hiện nay, Việt Nam đã cung cấp được một số hệ thống các trung tâm dữ liệu (TTDL) (data center) có quy mô lớn, đảm bảo đạt các chứng chỉ tiêu chuẩn về thiết kế, xây dựng trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, điều này vẫn còn khiêm tốn, cần hơn sự phân bố, phát triển trải dài, rộng, quy mô lớn khắp Việt Nam (hiện nay các TTDL mới chỉ tập trung tại khu công nghiệp Láng Hoà Lạc, Hà Nội).
Tin tưởng vào các cơ hội phát triển của TTDL, chuyên gia Đặng Tùng Sơn cho rằng, TTDL sẽ luôn tăng trưởng tích cực bởi các yếu tố: quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; nhu cầu lưu trữ đám mây tăng cao; AI đang phát huy được những vai trò hỗ trợ cuộc sống con người; việc ban hành luật, chính sách liên quan kịp thời.
Tuy nhiên, để tạo ra những thuận lợi phát triển, ông Đặng Tùng Sơn cho rằng, Việt Nam cần tích cực đưa ra các giải pháp sớm giải quyết các vấn đề: Hình thành nguồn năng lượng điện xanh, tái tạo; tăng đầu tư, nguồn lực, nhân lực; đảm bảo kết nối, truyền tải thông tin liên thông, thông suốt; tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng.
Trong khi đó, ông Lê Nhân Tâm, Giám đốc công nghệ (CTO) Microsoft Việt Nam cho rằng, Việt Nam muốn tối ưu hoá công nghệ đám mây, cần có chiến lược, xây dựng khung chương trình triển khai đám mây và cần đảm bảo có hạ tầng công nghệ hoàn thiện, đủ mạnh có thế mạnh, nhất là cần hướng đến mô hình kết hợp các nền tảng, đám mây lai (hybrid cloud).
Đặc biệt, ông Lê Nhân Tâm nhấn mạnh, các nhà cung cấp đám mây của Việt Nam cần đáp ứng, có khả năng cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho khách hàng. Đồng thời, các nhà cung cấp cần đẩy mạnh việc đưa AI vào hỗ trợ hệ thống, sử dụng trợ lý ảo AI trong các sản phẩm khi cung cấp ra thị trường và cần trao, tăng quyền cho người dùng, các khách hàng.
5G và AI sẽ hỗ trợ nhau trở thành nền tảng kết nối chính
Đồng tình với quản điểm của các diễn giả trên, ông Lê Quang Hiếu, Phó Tổng giám đốc, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel cho rằng, muốn phát triển đám mây, 5G và AI, các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ cần đẩy mạnh, phát triển, hình thành hệ sinh thái các sản phẩm đám mây toàn diện, nhất là phải có sự tham gia của nhiều nhà cung cấp. Các hệ sinh thái phải đảm bảo đáp ứng, tuân thủ các chính sách đảm bảo luật an toàn thông tin tối thiểu cấp độ 4 hoặc 5. Đồng thời, cần có cái nhìn định hướng rộng không chỉ nội địa mà phải xuyên biên giới học hỏi, hợp tác, chủ động phát triển.
Ở khía cạnh khác, để đảm bảo việc phát triển hạ tầng đám mây hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp và Tích hợp hệ thống VNPT IT cho rằng, các nhà cung cấp cần có sự hiểu biết về các nghiệp vụ để triển khai các nền tảng, ứng dụng số, từ đó giúp đáp ứng tốt các nhu cầu của khách hàng.
Việc hiểu biết tường tận sẽ giúp các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ khai thác tối đa các nhu cầu nội tại, đây là đà, thế mạnh để phát huy các giá trị công nghệ, tạo ra văn hoá số người dùng.
Hơn nữa, cũng cần tập trung phát triển đáp ứng nhu cầu của các ngành, nghề, đảm bảo hoàn thiện xây dựng các nền tảng dùng chung; phổ cập các giải pháp số ra thị trường, đến tay khách hàng; tiếp cận phát triển, cung cấp các dịch vụ dựa trên các mô hình hệ sinh thái đa dạng nhiều ngành, lĩnh vực; cần tích cực đẩy mạnh việc đầu tư hạ tầng để nâng cao năng lực việc lưu trữ dữ liệu.
Khi nói về việc ứng dụng đám mây hiện nay, VNPT coi trọng việc thúc đẩy các dữ liệu lớn trên đám mây. Hơn nữa, các dữ liệu ấy phải có khả năng thể hiện rõ nhu cầu, hành vi, thói quen của khách hàng khi sử dụng các dịch vụ số của VNPT và VNPT luôn chú trọng đến việc sử dụng AI trong các sản phẩm của mình, từ đó giúp phân tích, giải bài toán dự đoán, dự báo phù hợp.
Điển hình của việc sử dụng AI hiện nay của VNPT chính là trong chương trình MyTV do VNPT cung cấp, vai trò khi sử dụng nhờ AI đã giúp hỗ trợ các nội dung của chương trình ngày một đa dạng, phù hợp đối với mọi lứa tuổi, mọi đối tượng khách hàng.
“Các dịch vụ, sản phẩm của VNPT ra đời thời gian qua luôn thu được những kết quả tích cực, bởi yếu tố sử dụng AI theo hướng có chức năng phân tích nhu cầu, yêu cầu của khách hàng, điều mà các công nghệ khác không có”, ông Nguyễn Ngọc Khánh nhấn mạnh.
Ông Hoàng Hưng Hải, Giám đốc công nghệ, Qualcomm Vietnam cho rằng, các cơ hội lớn mà 5G và AI khi được kết hợp cùng nhau sẽ tạo những kết quả tích cực ngoài mong đợi, như giúp thúc đẩy các dây chuyền công nghệ sản xuất, hỗ trợ các ngành công nghiệp sáng tạo mới. Hơn nữa, 5G là công nghệ mới cung cấp kết nối tốc độ cao, độ trễ thấp, phù hợp với các ứng dụng trong các ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch… đồng thời, giúp truyền tải các dữ liệu lớn trên môi trường đám mây.
“Do đó, 5G và AI sẽ trở thành nền tảng kết nối chính, hỗ trợ lẫn nhau để tối ưu vận hành các hệ thống ứng dụng số trong công nghiệp; giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, hiệu năng, hiệu suất cho các ngành, nghề công nghiệp và thương mại, dịch vụ, sản xuất thông minh…”, ông Hoàng Hưng Hải nhấn mạnh./.