Đưa "báo chí số" vào chương trình đào tạo tại các trường báo chí

Truyền thông - Ngày đăng : 10:02, 29/11/2024

Đào tạo báo chí số là giúp người học định vị được vị trí của công nghệ - kỹ thuật hiện đại trong hoạt động báo chí, định vị được các dòng chảy thông tin trên môi trường số và định vị các giá trị cốt lõi của báo chí...
Truyền thông

Đưa "báo chí số" vào chương trình đào tạo tại các trường báo chí

Trường Thanh {Ngày xuất bản}

Đào tạo báo chí số là giúp người học định vị được vị trí của công nghệ - kỹ thuật hiện đại trong hoạt động báo chí, định vị được các dòng chảy thông tin trên môi trường số và định vị các giá trị cốt lõi của báo chí...

Chuyển đổi số (CĐS) đã, đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống hiện nay. Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí - truyền thông cần đi đầu trong công cuộc CĐS.

CĐS báo chí là sự thay đổi toàn diện, cả về phương thức hoạt động, mô hình tổ chức, kỹ năng sáng tạo và truyền tải thông tin báo chí. CĐS cũng là điều kiện phát triển báo chí dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ… Quá trình này cũng tác động sâu sắc và toàn diện đến hoạt động đào tạo báo chí để tạo dựng nguồn nhân lực thích ứng với bối cảnh CĐS.

Ngoài nền tảng công nghệ và nguồn lực tài chính, khả năng thích nghi của mỗi cơ quan báo chí - truyền thông với một tương lai kỹ thuật số sẽ tùy thuộc vào việc phát triển được hay không một thế hệ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ người làm công tác báo chí - truyền thông với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm lao động nghề nghiệp chuyên nghiệp trong môi trường số.

Điều này, đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với công tác đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay, để có thể theo kịp xu thế phát triển chung và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao kịp thời cho xã hội trong bối cảnh CĐS nói chung và CĐS báo chí nói riêng.

Cập nhật kịp thời các nội dung "số" trong các chương trình đào tạo

Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT, TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Bối cảnh Công nghiệp 4.0 và CĐS đang tạo ra những thay đổi to lớn trong mọi mặt của đời sống xã hội. Báo chí - truyền thông cũng không nằm ngoài vòng quay đó.

Theo TS. Phan Văn Kiền, những cơ hội và thách thức của báo chí trong quá trình CĐS đã được bàn thảo nhiều nhưng vấn đề căn bản của mọi quá trình thay đổi đều nằm ở yếu tố con người. Để thích nghi được với Công nghiệp 4.0 mà cốt lõi là CĐS, cần có một thế hệ người làm báo có trình độ, kỹ năng thích nghi được với sự chuyển đổi. Nhiệm vụ này nằm ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng người làm báo.

Tuy nhiên, có một thách thức đối với các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông là làm thế nào để vừa đảm bảo tính hàn lâm, học thuật nhưng cũng không bị tụt hậu quá xa với thực tế. Trong khi, báo chí - truyền thông là một ngành gắn bó khăng khít với sự thay đổi của xã hội cũng như khoa học công nghệ (KHCN), trong đó công nghệ truyền thông đang thay đổi hằng ngày.

ts.-phan-van-kien.jpg
TS. Phan Văn Kiền: Triết lý đào tạo của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông là đào tạo ra những nhà báo có nền tảng kiến thức sâu rộng về khoa học xã hội nhân văn, đồng thời, cập nhật nhanh các xu hướng thay đổi của xã hội cũng như khoa học công nghệ.

Ở Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, TS. Phan Văn Kiền cho biết việc dung hoà hai quy luật ngược nhau ấy luôn được đưa ra thảo luận mỗi học kỳ, mỗi năm học.

“Chúng tôi hiểu rằng các kỹ năng nghề nghiệp là chiếc áo, còn kiến thức chiều sâu văn hoá là căn cốt của một nhà báo chuyên nghiệp. Nhưng nếu không có chiếc áo ấy, nhà báo rất có thể bị tụt hậu trước sự thay đổi chóng mặt của báo chí - truyền thông hiện đại”.

Bởi vậy, triết lý đào tạo của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông là đào tạo ra những nhà báo có nền tảng kiến thức sâu rộng về khoa học xã hội nhân văn, đồng thời, cập nhật nhanh các xu hướng thay đổi của xã hội cũng như KHCN.

Bên cạnh việc kiên trì với chủ trương đào tạo kiến thức nền tảng cho các nhà báo tương lai, chương trình đào tạo đại học của Viện đã đưa các kiến thức, kỹ năng như truyền thông đa phương tiện, truyền thông xã hội, truyền thông hội tụ… vào giảng dạy cho sinh viên.

Trong lần điều chỉnh chương trình đào tạo mới nhất, Viện đã đưa vào môn học công nghệ truyền thông số. Đây là môn học cập nhật các kiến thức, kỹ năng liên quan tới công nghệ báo chí, truyền thông mới vào giảng dạy như hệ thống hội tụ SMAC, thuật toán và ứng dụng thuật toán trong báo chí - truyền thông, các công nghệ dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu (data analytics), thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường (AR/VR)...

Bên cạnh đó, Viện cũng có khoá học ngắn hạn "Kỹ năng chuyển đổi số báo chí" kịp thời được thiết kế và đưa vào ban hành để phục vụ việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo, cơ quan báo chí cũng như những ai quan tâm.

TS. Phan Văn Kiền nhấn mạnh: “Dù rất quan tâm tới việc cập nhật các xu hướng mới cho các nhà báo tương lai, chúng tôi vẫn kiên định người làm báo dù trong bối cảnh nào cũng cần phải được trang bị một nền tảng tri thức hiểu biết vừa sâu vừa rộng về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Đó là hành trang quan trọng để thích ứng với mọi biến đổi của thời cuộc”.

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đa năng

Tại Hội thảo quốc tế “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hồi tháng 6/2024, TS. Đỗ Minh Tuấn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết CĐS đang dẫn dắt báo chí khai phá những tiềm năng truyền thông siêu lớn dựa trên nền tảng công nghệ tân tiến và năng lực sáng tạo vô tận của con người...

Để CĐS thành công, các cơ quan báo chí cần hội tụ đủ 3 yếu tố quan trọng, đó là: công nghệ, các nguồn lực và con người. Trong đó, yếu tố con người mà trực tiếp là các nhà quản lý của các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo đóng vai trò quan trọng trong quá trình CĐS, trước hết là tư duy, nhận thức và năng lực thích ứng.

“Trước yêu cầu đó, công tác tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí sẽ hướng đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đa năng giỏi về chuyên môn nghiệp vụ báo chí, có sự hiểu biết sâu rộng về công nghệ đa phương tiện và đặc biệt là có khả năng sáng tạo để tạo ra các sản phẩm nội dung báo chí chất lượng cao là tất yếu khách quan”, TS. Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh.

Theo PGS. TS. Đinh Thị Thu Hằng, báo chí số là sự hội tụ 5 yếu tố: Nội dung số + Công nghệ số + Công chúng số + Kinh tế số + Hệ sinh thái số, mỗi yếu tố này đều cần được xây dựng tri thức, phát triển kỹ năng cho người học.

Vì vậy, hệ thống các môn học trong đào tạo báo chí số cần được tổ chức lại theo mục tiêu đào tạo mới, giảm tính cát cứ giữa các loại hình nhưng đáp ứng yêu cầu chuyên sâu nhóm kỹ năng.

Theo đó, hệ thống tri thức trang bị cho người học được phát triển từ hệ thống tri thức nền tảng truyền thống nhưng được sắp xếp, bổ sung, phát triển những điểm mới của báo chí số, trên nền tư duy báo chí số.

Kiến thức dành cho người học báo chí số vừa cơ bản, nền tảng, vừa bổ sung, cập nhật, mang tinh thần chuyển đổi gắn với công nghệ - kĩ thuật số, tạo điều kiện để người học phục vụ một nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, thích ứng theo sự phát triển của công nghệ trong khi giữ vững và phát huy các giá trị nền tảng, cốt lõi.

dsc_9257.jpg
Để thực hiện CĐS báo chí, đòi hỏi phải xây dựng được nguồn nhân lực toàn diện, có đủ các điều kiện đáp ứng yêu cầu CĐS báo chí, phát triển báo chí số ở Việt Nam.

PGS. TS. Đinh Thị Thu Hằng cho rằng, trong đào tạo báo chí số, cần hình thành hệ thống kỹ năng báo chí số cho người học. Đó là nhóm các kĩ năng làm việc trong tòa soạn số với mô hình quản lý nội dung, tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung, kinh doanh, từ đó tối ưu hoá quản trị tòa soạn số.

Đó còn là nhóm kỹ năng sáng tạo, sản xuất tác phẩm, sản phẩm báo chí số gắn liền với sử dụng công nghệ số, truyền tải đa phương tiện, cho đa nền tảng, làm việc với dữ liệu lớn, kỹ năng khai thác, kiểm chứng, bảo mật thông tin số, kỹ năng sử dụng AI trong tác nghiệp báo chí, kĩ năng sử dụng mạng xã hội trong thu thập thông tin, sáng tạo, sản xuất sản phẩm và tương tác với công chúng, phát triển mạng lưới tương tác...

Cơ sở đào tạo báo chí cần có mô hình tổ chức hoạt động thực tiễn sinh động cùng hệ thống trang thiết bị cho phép người học thực hiện sự kết nối, tương tác, lưu trữ, đa nền tảng, đa phương tiện của báo chí số./.

Trường Thanh