Đưa “siêu cảng” tích hợp công nghệ số vào vận hành, mở ra kỷ nguyên mới cho ngành logistics
Truyền thông - Ngày đăng : 09:20, 27/11/2024
Đưa “siêu cảng” tích hợp công nghệ số vào vận hành, mở ra kỷ nguyên mới cho ngành logistics
Việt Nam SuperPort™ là “siêu cảng” đầu tiên của Việt Nam trong mạng lưới logistics thông minh ASEAN. Đây được xem là một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất miền Bắc, mở ra bước đột phá mở ra kỷ nguyên mới cho ngành logistics Việt Nam.
Việc ứng dụng công nghệ vào ngành logistics Việt Nam còn thấp
Theo báo cáo của Diễn đàn Logistics Vùng lần thứ V: “Chuyển đổi số - động lực mới thúc đẩy tăng trưởng Vùng đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng” diễn ra tháng 5/2024, hiện nay, thị trường logistics Việt Nam có sự tham gia của khoảng 43.000 doanh nghiệp (DN) trong nước, đa phần là các DN nhỏ và vừa và khoảng 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ logistics, KMTC Logistics…
Theo bảng xếp hạng của Agility năm 2023, Việt Nam thuộc top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và đứng thứ 4 Đông Nam Á.
Việt Nam cũng đang có các nhà cung cấp giải pháp, phần mềm trong lĩnh vực logistics, như: Viettel Solutions, Phaata.com, SmartLog, Logivan, Abivin, NetLoading… Một số giải pháp có thể kể đến là: Hệ thống quản lý vận tải, quản lý đơn hàng (TMS/OMS); Hệ thống chia chọn/thực hiện đơn hàng (Sorting/Fulfillment); Hệ thống quản lý giao nhận vận tải quốc tế (FMS), quản lý chuyển phát; Hệ thống quản lý kho hàng (WMS); Ứng dụng Gọi xe tải - Xe container - Hàng ghép; Hệ thống tích hợp với các sàn thương mại điện tử, sàn giao dịch vận tải…
Tuy nhiên, ngành logistics Việt cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc chuyển đổi số như: chi phí đầu tư về công nghệ cao, nhất là với các DN nhỏ và vừa (SME). Theo khảo sát tại Báo cáo Logistics năm 2023 của Bộ Công Thương, có 90,5% các DN dịch vụ logistics tham gia khảo sát đang còn ở giai đoạn số hóa, bao gồm cấp độ 1 là tin học hóa và cấp độ 2 là kết nối. Trong đó, phần lớn các DN đang ở cấp độ 2 với tỷ lệ chiếm tới 73,5%.
Chỉ có 5% DN dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 3 là trực quan hóa, 2,2% ở cấp độ 4 là minh bạch hóa. Đặc biệt, chỉ có 1,9% DN dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 5 là có khả năng dự báo và con số rất “khiêm tốn” 0,4% DN đạt đến cấp độ cao nhất, cấp độ 6 là có khả năng thích ứng.
Tiếp đến là những hạn chế về nguồn nhân lực. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tính đến năm 2022, số lao động được đào tạo bài bản về logistics chỉ chiếm khoảng 5 - 7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này; khả năng đáp ứng nhu cầu nhân lực logistics chỉ khoảng 10%. Nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng.
Theo các chuyên gia, để khắc phục những trở ngại kể trên, các DN Việt cần chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi số (CĐS) phù hợp với quy mô và nhu cầu của mình; lựa chọn kỹ mô hình ứng dụng công nghệ; đảm bảo quá trình chuyển đổi hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ số…
Ở tầm vĩ mô, để thúc đẩy CĐS ngành logistics Việt, các DN cần có sự hợp tác với các DN, tổ chức, chính phủ liên quan. Song song với đó, việc nâng cao nhận thức và khả năng của người lao động để sử dụng và điều hành các hệ thống AI trong logistics cũng là một yếu tố quan trọng của DN CĐS.
Cũng tại Diễn đàn logistics Vùng lần thứ V, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, nhìn chung, hiện tại trên thị trường, các DN dịch vụ logistics thực hiện CĐS đạt từ cấp độ 3 trở lên còn rất ít, chủ yếu tập trung ở nhóm DN lớn. Trong khi đó, phần lớn với 90% các DN dịch vụ logistics ở Việt Nam còn đang ở giai đoạn số hóa. Điều này cho thấy, CĐS trong ngành logistics tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, chưa thực sự được chú trọng và đầu tư đúng mức
"Siêu cảng" ICD Vĩnh Phúc tiên phong phát triển các giải pháp công nghệ đột phá
Trong bối cảnh đó, tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam 2024 và lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) diễn ra vào tháng 10 vừa qua, "siêu cảng” ICD Vĩnh Phúc - Việt Nam SuperPort™ do Liên doanh T&T Group và Tập đoàn YCH (Singapore) đã mang đến những trải nghiệm Apple Vision Pro vô cùng ấn tượng để hình dung về tương lai mới của ngành logistics Việt Nam với nhiều bước đột phá.
Công nghệ thực tế ảo đã làm nổi bật mô hình “Park within a Park™”, tích hợp tất cả các dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng trên đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển trong một trung tâm hậu cần duy nhất. Sáng kiến này giúp kết nối liền mạch, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng và củng cố vị thế của Việt Nam SuperPort™ như một nhân tố then chốt của ngành hậu cần trong khu vực.
Việt Nam SuperPort™ sẽ tích hợp các giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) đã được triển khai thành công tại Thành phố Chuỗi cung ứng - Supply Chain City (SCC) ở Singapore mà Tập đoàn YCH đã phát triển thành công trước đó. Điển hình như hệ thống lưu trữ và lấy hàng tự động (ASRS), xe dẫn đường tự động điều hướng (Autonomous Guided Vehicles - AGV), hệ thống Quản lý Tồn kho bằng Drone (máy bay không người lái)...
Theo tính toán của các chuyên gia T&Y, với việc áp dụng công nghệ ASRS có thể tối ưu hóa không gian lưu trữ hàng hóa lên đến 7 lần và giảm thiểu 95% thời gian vận chuyển hàng hóa trong kho.
Việt Nam SuperPort™ - “siêu cảng” đầu tiên trong mạng lưới logistics thông minh ASEAN của Việt Nam, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất miền Bắc. Từ đó, tạo một hệ sinh thái bền vững và tiên tiến, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống logistics tại Việt Nam, mở rộng chuỗi cung ứng từ Trung Quốc đến khu vực ASEAN.
Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ AI trong logistics đang là một giải pháp cấp bách hiện nay. Theo Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 là “nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng nhằm đạt chất lượng dịch vụ logistics cao hơn”.
Theo Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên CĐS trước./.