Ứng dụng công nghệ tạo nhiều bước đột phá mới trong điều trị bệnh hiểm nghèo

Truyền thông - Ngày đăng : 15:27, 01/12/2024

Ứng dụng AI trong việc khám chữa bệnh đang là xu thế chung trên toàn thế giới. Ngành Y tế Việt Nam đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ này giúp nâng cao khả năng chẩn đoán bệnh, ngay cả những căn bệnh hiểm nghèo; quản lý hồ sơ y tế và cơ sở dữ liệu, theo dõi sức khỏe, tư vấn và quản lý dược phẩm...
Truyền thông

Ứng dụng công nghệ tạo nhiều bước đột phá mới trong điều trị bệnh hiểm nghèo

Nguyễn Nhàn 01/12/2024 15:27

Ứng dụng AI trong việc khám chữa bệnh đang là xu thế chung trên toàn thế giới. Ngành Y tế Việt Nam đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ này giúp nâng cao khả năng chẩn đoán bệnh, ngay cả những căn bệnh hiểm nghèo; quản lý hồ sơ y tế và cơ sở dữ liệu, theo dõi sức khỏe, tư vấn và quản lý dược phẩm...

Khai thác tiềm năng của AI trong y học trên thế giới

Báo cáo nghiên cứu của MarketsandMarkets về thị trường chẩn đoán y tế cho thấy số lượng đội ngũ y bác sĩ áp dụng các giải pháp AI ngày càng tăng vì các giải pháp này giúp giảm thiểu sai sót của con người và nâng cao hiệu quả điều trị.

Theo đó, dự kiến doanh thu lĩnh vực này ước tính sẽ đạt 3,7 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 23,2% trong giai đoạn dự báo. Hiện nay, việc ứng dụng AI để điều trị bệnh nhất là các bệnh hiểm nghèo đang tạo ra những bước tiến mới cho nền y học thế giới.

Ở Mỹ, nhiều trung tâm y tế địa phương đang chẩn đoán bệnh thông qua kết quả của AI trong phân tích hình ảnh y tế (X-quang, MRI), đồng thời tiến hành thu thập dữ liệu tình trạng của bệnh nhân để hỗ trợ hội chẩn chính xác, đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

ai-robot.jpg
Việc áp dụng các giải pháp AI ngày càng tăng vì các giải pháp này giúp giảm thiểu sai sót của con người và nâng cao hiệu quả điều trị. (Ảnh Internet)

AI cũng có khả năng phát hiện mô bệnh để phát hiện ung thư phổi sớm, theo nghiên cứu của các nhà nghiên cứu từ Đại học (ĐH) UCL và ĐH Cambridge.

Một công bố vào tháng 10/2023, các nhà nghiên cứu của Trung tâm Ung thư toàn diện Mayo Clinic nhận thấy tiềm năng tự động phát hiện ung thư tuyến tụy thông qua sử dụng bộ dữ liệu hình ảnh cung cấp bởi AI, đề xuất phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân dựa trên đặc điểm di truyền, bệnh lý và lối sống. Cải thiện tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn đầu đang là ưu tiên hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện nay.

NVIDIA - nhà sản xuất chip AI hàng đầu thế giới - đã nghiên cứu phát triển các ứng dụng chăm sóc sức khỏe (CSSK) có sự hỗ trợ của AI từ hơn một thập kỷ trước. Mới đây, NVIDIA đã cho ra mắt khoảng 20 công nghệ CSSK mới với sự hỗ trợ của AI tại hội nghị GTC AI 2024 diễn ra vào tháng 3 vừa qua.

Mới nhất, NVIDIA tuyên bố sẽ hợp tác với Hippocratic AI -một công ty CSSK - để cung cấp dịch vụ y tá ảo dựa trên AI tạo sinh. Những y tá ảo này làm việc 24/7 chỉ với mức "lương" 9 USD/giờ. Công ty này nhận định, trong lĩnh vực theo dõi sức khỏe, các ứng dụng AI có thể hỗ trợ nâng cao khả năng chẩn đoán hình ảnh, phát hiện các bệnh như ung thư, với tỷ lệ chính xác cao hơn và trong giai đoạn bệnh sớm hơn.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh nhờ công nghệ AI ở Việt Nam

Việt Nam đang từng bước áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống y tế, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức về cơ sở hạ tầng và nhân lực. Một số bệnh viện lớn và trung tâm nghiên cứu đã tiên phong trong việc sử dụng AI để nâng cao chất lượng CSSK và cải thiện quy trình quản lý bệnh nhân.

Tại tọa đàm “Bức tranh Blockchain và AI toàn cầu - Những ứng dụng trong ngành y” vào tháng 7/2024, Bệnh viện Tuệ Tĩnh cũng đang cập nhật Al, robot trong điều trị các bệnh cơ xương khớp, phục hồi chức năng, kết hợp với giải pháp y học cổ truyền.

Với sự phát triển của y học, AI và robot đang được ứng dụng trong điều trị bệnh cơ xương khớp nói riêng, phục hồi chức năng nói chung khá rộng, từ những chức năng nhỏ như bàn chân, bàn tay, đau vai gáy, cột sống, thoát vị đĩa đệm, các vấn đề sau đột quỵ như liệt nửa người, yếu chi…

anh-cv(1).jpg
Áp dụng robot phẫu thuật bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa tại Bệnh viện K (Hà Nội).
(Ảnh: Dương Toàn)

Ngoài ra, AI cũng được áp dụng trong việc quản lý hồ sơ bệnh án điện tử; tối ưu hóa quy trình chăm sóc bệnh nhân. Các hệ thống AI có thể giúp dự đoán nhu cầu sử dụng giường bệnh, quản lý thuốc men, và điều phối lịch khám chữa bệnh, từ đó giúp bệnh viện hoạt động hiệu quả hơn.

Tháng 5/2024, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chính thức cấp phép cho ứng dụng VinDr lưu hành trên thị trường nước này. Đồng nghĩa, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 có sản phẩm AI cho chẩn đoán X-quang tuyến vú được FDA công nhận, sau Mỹ, Pháp, Hà Lan và Hàn Quốc.

Theo VinBigdata, VinDr có khả năng tự động phân loại ảnh chụp X-quang tuyến vú, phát hiện các ca nghi ngờ ung thư vú, độ chính xác 96,5% với dữ liệu người Việt và 95,8% với dữ liệu người Mỹ.

Cuối năm 2023, Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Tập đoàn VNPT đã nghiên cứu đưa AI vào ứng dụng để hỗ trợ sàng lọc, chẩn đoán ung thư tuyến giáp. Dựa trên phim siêu âm, hệ thống sẽ đưa ra tỷ lệ khả năng nhân tuyến giáp lành tính hoặc ác tính. Đây là công cụ góp phần tối ưu và gia tăng hiệu quả trong quá trình sàng lọc bệnh, giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí và thời gian.

Từ năm năm 2023, Bệnh viện Hùng Vương (TP. Hồ Chí Minh) đã tham gia chương trình khám, tư vấn, tầm soát bệnh lý ung thư cổ tử cung bằng công nghệ AI cho chị em phụ nữ tại nhiều địa phương. Công nghệ AI được sử dụng để tầm soát ung thư cổ tử cung là CerviCare AI. Đây là một kỹ thuật mới, giúp tầm soát ung thư cổ tử cung mà không phải thực hiện kỹ thuật Pap smear quen thuộc. Ngay sau khi thực hiện tầm soát các chị em phụ nữ sẽ nhận được hình ảnh soi cổ tử cung, AI sẽ thông báo ngay kết quả./.

Nguyễn Nhàn