Đầu tư mạnh và đồng bộ hơn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ số
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 14:10, 30/11/2024
Đầu tư mạnh và đồng bộ hơn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ số
Tiếp tục Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, sáng 30/11, cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với các nhóm chính sách của nhà nước nhằm hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ số (CNCNS); Đồng thời, đề nghị có chính sách cụ thể thu hút nhân lực công nghệ số chất lượng cao, tạo động lực và không gian phát triển.
Có chính sách cụ thể thu hút nhân lực công nghệ số chất lượng cao
Nghiên cứu dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, điểm e khoản 5 Điều 27 quy định “nhân tài công nghệ số là nhân lực công nghệ số chất lượng cao, có kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm đa dạng, đóng góp nổi bật và tầm ảnh hưởng toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ số”. Theo đại biểu, quy định như dự thảo luật chúng ta sẽ khó tìm ra được nhân lực này, nếu tìm được, thu hút được thì cũng khó sử dụng vì số lượng quá ít.
Vì vậy, đại biểu đề nghị nội dung này cần quy định rõ hơn về năng lực, kinh nghiệm để đảm bảo chúng ta có nguồn nhân lực không những chất lượng rất cao nhưng cũng phải đủ đảm bảo số lượng thu hút để phục vụ tốt cho phát triển công nghiệp công nghệ số trong thời gian tới.
Qua nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu Phạm Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum liên hệ với thực trạng nguồn nhân lực được đánh giá tại Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đánh giá của Chính phủ, hiện nay chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao, các ngành phục vụ kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn. Công tác đào tạo chưa theo kịp yêu cầu mới về sử dụng lao động và yêu cầu phát triển.
Từ thực trạng này, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung vào dự thảo luật các quy định cụ thể để Quốc hội, Chính phủ quan tâm ưu tiên đầu tư mạnh và đồng bộ hơn, nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành CNCNS và sự phát triển của đất nước trong cả trước mắt và lâu dài.
Cần có chính sách cụ thể để thu hút nhân lực công nghệ số có chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số chuyên nghiệp, khuyến khích mở rộng và phát huy các mô hình đào tạo mới. Ưu tiên phát triển lực lượng nghiên cứu, đội ngũ chuyên viên nghiên cứu viên chất lượng cao; Đồng thời, có chính sách phù hợp khuyến khích các tập đoàn công nghệ nước ngoài đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ số tại Việt Nam.
Đại biểu Phạm Đình Thanh cũng nêu vấn đề rất cần thiết và thiết thực, có thể quy định trong dự thảo luật hoặc có định hướng chính sách để Chính phủ nghiên cứu thực hiện. Thí điểm lựa chọn sinh viên giỏi với số lượng phù hợp đưa đi đào tạo ở các nước tiên tiến về công nghệ số về phục vụ đất nước trong những năm tiếp theo và trong tương lai.
Tạo động lực và không gian phát triển nguồn nhân lực công nghệ số ở Việt Nam
Nhấn mạnh tầm quan trọng phát triển nguồn nhân lực công nghệ số đối với sự phát triển của ngành CNCNS tại Việt Nam, đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đồng tình với các nhóm chính sách của nhà nước nhằm hỗ trợ phát triển CNCNS quy định tại Điều 25 của dự thảo luật.
Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung vào khoản 2 về các chính sách nhằm khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp trong công nghiệp số. Trong đó, Nhà nước có chính sách, cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ các dự án hỗ trợ khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ số, như thúc đẩy các quỹ đầu tư, hỗ trợ tài chính, đào tạo và cung cấp không gian sáng tạo cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để những ý tưởng công nghệ mới được triển khai và phát triển; Đồng thời, tạo động lực quan trọng phát triển nguồn nhân lực công nghệ số ở Việt Nam.
Ngoài ra, để nhân lực đáp ứng yêu cầu của CNCNS trong tương lai, một số đại biểu đề nghị bổ sung một số nội dung quan trọng liên quan đến công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển kỹ năng cho sinh viên trong thời gian tới như:
Tăng cường đào tạo các ngành học mới, như đào tạo các ngành học mới như đào tạo các ngành công nghệ số, cần mở rộng các ngành học liên quan đến công nghệ như trí tuệ nhân tạo, công nghệ blockchain, dữ liệu lớn và các ngành công nghệ khác để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng, phát triển chương trình đào tạo liên ngành, kết hợp giữa công nghệ và các lĩnh vực khác như y tế, kinh tế, khoa học, xã hội… để tạo ra các giải pháp sáng tạo và nâng cao ứng dụng của công nghệ số.
Đổi mới chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng mới trong chương trình đào tạo hiện tại để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số như trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn big data, blockchain… Đưa công nghệ vào giảng dạy, sử dụng công nghệ mới trong quá trình giảng dạy như học trực tuyến, phần mềm mô phỏng thực tế ảo, thực tế tăng cường giúp sinh viên tiếp cận công nghệ trong môi trường học tập.
Khuyến khích nghiên cứu khoa học, theo đó, các cơ sở giáo dục cần có các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích sinh viên, giảng viên nghiên cứu và sáng tạo các giải pháp công nghệ mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành CNCNS. Đào tạo giảng viên có kỹ năng công nghệ, các giảng viên cần được đào tạo về công nghệ mới để truyền đạt cho học sinh, sinh viên hiệu quả. Khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu vào hợp tác quốc tế để cập nhật xu hướng mới và kiến thức mới trong lĩnh vực công nghệ.
Có cùng quan điểm trên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể các biện pháp thúc đẩy sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực như: hỗ trợ tài chính cho các chương trình đào tạo, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình học, trực tiếp tham gia hướng nghiệp, đào tạo, giảng dạy, hợp tác về việc cho sinh viên đi kiến tập hoặc thực tập tại các doanh nghiệp.
Về thu hút nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao, đại biểu cho rằng việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với nhân lực công nghệ số chất lượng cao là người Việt Nam, chuyên gia người nước ngoài có trình độ và kỹ năng đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định mà chỉ ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân là chưa thỏa đáng và cũng chưa tạo được một động lực để thu hút nhân lực trong lĩnh vực này. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung những chính sách ưu đãi khác về điều kiện sinh hoạt, điều kiện làm việc, nghiên cứu, điều kiện học tập để nâng cao bắt kịp với xu thế phát triển của lĩnh vực công nghiệp công nghệ số.