Người có uy tín ở Quảng Trị - Hạt nhân của cộng đồng
Truyền thông - Ngày đăng : 09:15, 02/12/2024
Người có uy tín ở Quảng Trị - Hạt nhân của cộng đồng
Theo ông Trương Chí Hiếu, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị hiện có 191 người/191 thôn bản, trong đó dân tộc Vân Kiều 152 người, dân tộc Pa Cô 39 người.
Những cánh chim đầu đàn
Đây là những hạt nhân tiêu biểu được người dân trong cộng đồng thôn bản tín nhiệm bình chọn, cấp thẩm quyền quyết định công nhận, phê duyệt danh sách đảm bảo về tiêu chí, điều kiện tại các văn bản quy định.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn và sự tin tưởng của nhân dân, trong suốt thời gian qua, đội ngũ người có uy tín tỉnh Quảng Trị đã phát huy cao vai trò trách nhiệm cá nhân, tiên phong gương mẫu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
“Vai trò của người có uy tín đã được lan tỏa trong cộng đồng, được nhân dân tin tưởng, làm theo, là cầu nối giữa “Ý Đảng với lòng Dân”, là “Điểm tựa của bản làng” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)”, ông Trương Chí Hiếu chia sẻ.
Đồng thời khẳng định người có uy tín trong đồng bào DTTS luôn cố gắng, quyết tâm trong mỗi việc làm cụ thể xứng đáng với tên gọi “người có uy tín trong đồng bào DTTS”, xứng đáng với những gì cộng đồng đã lựa chọn, tôn vinh.
Đi đầu trong vận động phong trào xây dựng nông thôn mới
Đakrông, huyện miền núi phía Nam tỉnh Quảng Trị, hiện có 369 lượt người ở 70/78 thôn, bản được bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào DTTS. Phát huy tinh thần gương mẫu, những người có uy tín trong đồng bào DTTS không chỉ chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn là hạt nhân trong phát triển kinh tế hộ, tấm gương cho con cháu và người dân noi theo.
Ông Hồ Văn Láo là trưởng thôn của thôn Tà Mên (xã Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), nơi có hơn 90 hộ chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều sinh sống. Đường vào bản thì xa, địa hình chia cắt. Nhưng người uy tín Hồ Văn Láo đã tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn sản xuất hoa màu với nuôi cá nước ngọt, mạnh dạn đầu tư đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
Trưởng thôn Hồ Văn Láo đã được tôn vinh trong chương trình "Điểm tựa bản làng"; được khen thưởng là cá nhân tiêu biểu trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; được vinh danh là gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc cấp tỉnh...
Trưởng thôn Hồ Văn Láo là một trong số những người uy tín ở Đăkrông. Ngoài ra còn phải kể đến các điển hình khác như Hồ Văn Đô (Xã A Bung), Mai Hoa Sen, Kray Sức (xã Tà Rụt), Hồ Đức Diệp, Hồ Thủy (xã A Ngo)... Họ bằng kinh nghiệm, tâm huyết đã vận động nhân dân tham gia hàng nghìn ngày công lao động, hiến hàng nghìn mét vuông đất làm đường, đóng góp hàng tỉ đồng làm đường bê tông nông thôn; kiên cố hóa kênh mương...
Những người có uy tín tiêu biểu cùng đồng bào giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Như truyền dạy cho các thế hệ con cháu và cộng đồng các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm. Vận động bà con duy trì và phát triển các lễ hội, điệu hát, múa, nhạc cụ mang bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc..
Phát huy hơn nữa vai trò người uy tín
Theo đánh giá của ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng có vai trò, vị thế và ảnh hưởng rất lớn đối với nhân dân; luôn là cánh chim đầu đàn vững vàng, động viên đồng bào, nhân dân chung tay giữ gìn khối đoàn kết các dân tộc, xây dựng bản, làng yên vui và phát triển. Những đóng góp to lớn của già làng, trưởng bản, người tiêu biểu trong cộng đồng luôn được Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam ghi nhận, biểu dương và hàng năm đều tiến hành lựa chọn người uy tín tiêu biểu để suy tôn và khen thưởng.
Quảng Trị là một trong những địa phương thực hiện tốt quy trình lựa chọn người có uy tín trong đồng bào DTTS. Nhờ vậy, người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị luôn tiên phong, gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phối hợp giúp đỡ lực lượng chức năng chủ động nắm chắc tình hình, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá của các phần tử xấu, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn nhất là địa bàn biên giới.
Chính họ đã gương mẫu động viên con cháu, người thân trong gia đình, dòng họ và người dân ở thôn, bản xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; gương mẫu thực hiện tốt hương ước, quy ước của thôn, bản, đi đầu trong công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Cùng với đó là tiên phong trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo, đóng góp sức lực, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, Tổ quốc.
Có thể thấy công lao đóng góp của những người có uy tín ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, đã góp phần củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước; thực sự là “chỗ dựa” đáng tin cậy, là “cầu nối” giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ với Nhân dân trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương.
Trong chuyến thăm Hà Nội mới đây của người có uy tín vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị, nguyện vọng của các đại biểu là mong muốn được quan tâm hơn nữa đến chính sách dành cho Người có uy tín, nhất là việc hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân (về kinh phí, phụ cấp…); đề xuất tiếp tục duy trì các chính sách đặc thù đối với một số dân tộc vùng biên giới; tăng cường chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tại địa phương.
Có được những kết quả này là nhờ vào nỗ lực của người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn, những người đã cùng động viên bà con nhân dân cùng nhau đoàn kết, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển.
Cũng chính họ, với vai trò của mình, những người có uy tín của tỉnh Quảng Trị ở vùng đồng bào DTTS đã vận động bà con xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc để xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Tuy nhiên, người có uy tín cũng còn nhiều tâm tư mà những nguyện vọng, đề xuất từ họ nếu được lắng nghe sẽ giúp cho việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách về công tác dân tộc, phù hợp với tình hình thực tiễn, phù hợp với từng vùng, từng dân tộc, tôn trọng sự khác biệt trong đa dạng các DTTS trong thời gian tới./.