Việt Nam - Nhật Bản: Hơn 50 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Truyền thông - Ngày đăng : 17:43, 20/11/2024

Nhật Bản hiện là 1 trong 9 nước có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Cuộc gặp mới nhất giữa nhà lãnh đạo của 2 nước vào ngày 18/11 vừa qua, Thủ tướng Ishiba Shigeru đã nhất trí tăng cường toàn diện quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư song phương.
Truyền thông

Việt Nam - Nhật Bản: Hơn 50 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Tú Anh 20/11/2024 17:43

Nhật Bản hiện là 1 trong 9 nước có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Cuộc gặp mới nhất giữa nhà lãnh đạo của 2 nước vào ngày 18/11 vừa qua, Thủ tướng Ishiba Shigeru đã nhất trí tăng cường toàn diện quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư song phương.

nhat-tan.png
Cầu Nhật Tân được xem như là biểu tượng cho tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản trong mối quan hệ kinh tế - ngoại giao

Không chỉ là đối tác chiến lược toàn diện, mà còn là những người bạn

Năm 2023, các nhà đầu tư Nhật Bản “rót” gần 6,57 tỷ USD vào Việt Nam, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư, tăng 37,3% so với năm trước. Với kết quả này, Nhật Bản đứng thứ hai trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản cũng là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác du lịch thứ 3 và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 44,95 tỷ USD.

Kể từ khi nối lại việc cấp ODA cho Việt Nam năm 1992, ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam chiếm 30% tổng số vốn ODA của cộng đồng quốc tế cho Việt Nam. ODA của Nhật Bản có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thể hiện ở việc thực hiện các dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn, tạo ra động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững; Hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực; Gián tiếp hoặc trực tiếp tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư từ Nhật Bản.

Nguồn vốn ODA từ Nhật Bản góp phần quan trọng vào việc thực hiện ba đột phá chiến lược của Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững.

Năm 2023 là năm Việt Nam - Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và chính thức tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới vào ngày 27/11.

Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác rất quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung.

Khuôn khổ quan hệ liên tục được nâng cấp, từ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” (năm 2002) lên “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (năm 2006), “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (năm 2009), “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á” (năm 2014) và “Đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới” (năm 2023).

vietnhat.png

Trên thực tế, mối nhân duyên giữa Việt Nam và Nhật Bản được khởi nguồn từ rất sớm, khoảng 1.300 năm trước. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra trang sử mới cho quan hệ hai nước vào ngày 21/9/21973.

Từ đó đến nay, sau chặng đường dài hàng nửa thế kỷ, với sự tương đồng về văn hóa, sự giao thoa lợi ích, sự tin cậy chính trị và đặc biệt với sự nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ Lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ hợp tác, hữu nghị hai nước đã phát triển mạnh mẽ, thực chất, sâu rộng và đạt nhiều thành tựu quan trọng, to lớn trên hầu hết các lĩnh vực.

Quan hệ chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hoá, giáo dục, địa phương, giao lưu nhân dân được tăng cường trên tất cả các kênh; phát triển thực chất và ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành những cầu nối vững chắc cho mối quan hệ hai nước phát triển bền vững và lâu dài.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cho biết, đối với Việt Nam, Nhật Bản không chỉ là đối tác chiến lược toàn diện quan trọng hàng đầu và lâu dài, mà còn là những người bạn đồng hành chân thành, tin cậy. Sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản không chỉ đem lại lợi ích cho hai dân tộc, mà sẽ góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở châu Á và trên thế giới.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kamikawa Yoko trong phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, khẳng định sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước thời gian qua, khi Nhật Bản và Việt Nam luôn kề vai sát cánh, cùng nhau xây dựng và phát triển quan hệ song phương quan trọng trên các lĩnh vực.

“Chính những hoạt động hợp tác chắc chắn và bền bỉ, được duy trì thường xuyên đã trở thành nền tảng cho hợp tác giữa hai nước - với tư cách là người bạn thực sự thường hay giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn và điều đó đã góp phần làm nên tình cảm gắn bó và tin cậy ngày càng cao giữa hai nước”, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật cho biết.

Cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từng chia sẻ: “Hiện nay, quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam đang ngày càng trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết... Trình độ khoa học - công nghệ bậc cao của Nhật Bản góp phần vào sự phát triển của Việt Nam, nguồn nhân lực trẻ, ưu tú của Việt Nam cũng đóng góp cho nền kinh tế Nhật Bản, quan hệ giữa hai nước đã trở thành quan hệ giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau” và Nhật Bản và Việt Nam cùng chia sẻ những lợi ích chiến lược chung, là những đối tác nỗ lực vì hòa bình và thịnh vượng của khu vực”.

Tăng cường toàn diện quan hệ hợp tác với Việt Nam

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil mới diễn ra vào ngày 18/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru. Thủ tướng Phạm Minh Chúc chúc mừng ông Ishiba Shigeru được bầu làm Thủ tướng mới của Nhật Bản và mong muốn hai bên tiếp tục củng cố tình hữu nghị, lòng tin chính trị giữa Lãnh đạo cấp cao và nhân dân hai nước thông qua duy trì thường xuyên các chuyến thăm cấp cao và các cấp.

Thủ tướng đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục cung cấp các khoản vay ODA thế hệ mới cho Việt Nam, có các chính sách nâng cao chất lượng, điều kiện sống, làm việc cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.

Về phần mình, Thủ tướng Ishiba Shigeru nhất trí tăng cường toàn diện quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư song phương, đồng thời cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Nhật Bản.

Tháng 9/2024, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc điện đàm cấp cao với Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

nhat.png
Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc điện đàm cấp cao với Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh hợp tác kinh tế là trụ cột chính của quan hệ hai nước, đi sâu kết nối hai nền kinh tế. (Ảnh: TTXVN)

Hai nhà lãnh đạo vui mừng về sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng và toàn diện trong quan hệ song phương, nhất là việc hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình ở châu Á và trên thế giới nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau thông qua duy trì trao đổi cấp cao bằng nhiều hình thức linh hoạt, phát huy hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác song phương. Đẩy mạnh hợp tác kinh tế là trụ cột chính của quan hệ hai nước, đi sâu kết nối hai nền kinh tế.

Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam thông qua viện trợ ODA, tăng cường hợp tác với Việt Nam trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng-an ninh theo hướng thực chất, triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký kết; làm sâu sắc hơn kết nối nguồn nhân lực, giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các địa phương.

Giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Nhật Bản có nhiều chuyến thăm, cuộc hội đàm, gặp gỡ thường xuyên, góp phần củng cố quan hệ tin cậy giữa lãnh đạo hai nước, đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển có hiệu quả trong quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực. Quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước vận động và phát triển theo tiến trình từ thấp đến cao, phù hợp với đặc điểm, tình hình thế giới, khu vực và của mỗi nước./.

Tú Anh