Công tác thông tin đối ngoại có vị trí quan trọng trong hoạt động đối ngoại
Truyền thông - Ngày đăng : 08:43, 22/11/2024
Công tác thông tin đối ngoại có vị trí quan trọng trong hoạt động đối ngoại
Công tác thông tin đối ngoại luôn có vị trí quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Ngay từ những ngày đầu đấu tranh giành độc lập cho đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã rất coi trọng công tác thông tin đối ngoại.
Vai trò của thông tin đối ngoại
Thông tin đối ngoại (TTĐN) có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội mỗi quốc gia, nhất là trong bối cảnh xã hội càng phát triển, yêu cầu thông tin càng đa dạng, phong phú. Ngược lại, sự phát triển của thông tin thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Công tác TTĐN được thực hiện hai chiều. Một là, thông tin về tình hình trong nước ra nước ngoài. Hai là, thông tin về tình hình thế giới, khu vực vào trong nước. Với tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin và trình độ dân trí ngày càng cao, người dân có khả năng tiếp cận trực tiếp với mọi thông tin trên thế giới thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, do đó, TTĐN có nhiệm vụ hết sức quan trọng là đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân về tình hình quốc tế và đường lối, chính sách đối ngoại của đất nước.
Đối với Việt Nam, công tác TTĐN luôn có vị trí quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Do đó, ngay từ những ngày đầu đấu tranh giành độc lập cho đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã rất coi trọng công tác TTĐN.
Chỉ thị 45-CT/TW, ngày 10/5/1962 của Bộ Chính trị về tuyên truyền đối ngoại đã khẳng định: “Công tác tuyên truyền đối ngoại là một bộ phận của cuộc đấu tranh chính trị và tư tưởng của nước ta trên phạm vi toàn thế giới. Nó phục vụ chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta”.
Tiếp đó, nhiều văn bản quan trọng khác của Đảng và Nhà nước đã được ban hành, thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về công tác TTĐN qua các thời kỳ phát triển, tạo nên cơ sở pháp lý quan trọng để chỉ đạo, định hướng cho các hoạt động TTĐN nói chung và của Bộ Ngoại giao nói riêng, như: Ngày 14/2/2012, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Kết luận số 16-KL/TW về Chiến lược phát triển TTĐN giai đoạn 2011-2020, trong đó xác định TTĐN là một nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác đối ngoại và công tác tư tưởng của Đảng.
Triển khai thực hiện Kết luận số 16-KL/TW, ngày 6/8/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020.
Tiếp đó, ngày 4/9/2012, Chính phủ ban hành Quyết định 1209/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch phát thanh, truyền hình đối ngoại đến năm 2020, nêu rõ: Phát thanh, truyền hình đối ngoại là lực lượng chủ lực để thực hiện nhiệm vụ TTĐN. Ngày 28/2/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 368/QĐ-Ttg về việc Phê duyệt chương trình hành động của Chính phủ về TTĐN giai đoạn 2013-2020. Ngày 8/2/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả công tác TTĐN của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tới năm 2020.
Đại hội XII của Đảng (năm 2016) cũng nêu rõ: “Tăng cường công tác TTĐN, hội nhập quốc tế, tạo đồng thuận trong nước và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước”. Triển khai Nghị quyết Đại hội XII, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), tháng 11/2016, ra Nghị quyết về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó xác định công tác TTĐN có nhiệm vụ nâng cao và phát huy hiệu quả uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam.
Đặc biệt, Đại hội XIII (2021) của Đảng đã khẳng định nguyên tắc nền tảng và tư tưởng chỉ đạo của đối ngoại thời kỳ đổi mới là: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Cùng với đó, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; ý chí tự lực, tự cường và nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng.
Mục tiêu của đối ngoại được xác định là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Phương hướng đối ngoại là chủ động, tích cực triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đối ngoại của các cấp, các ngành, các địa phương. Nhiệm vụ cơ bản của đối ngoại là tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển và bảo vệ đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Trong bối cảnh đó, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới của TTĐN là “đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng nhấn mạnh yêu cầu “tăng cường và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ truyền thông mới, mạng xã hội trong thông tin đối ngoại và đấu tranh dư luận”.
Đây là những quyết sách lớn để định hướng công tác TTĐN trong đổi mới tư duy; tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được đồng thời có cách làm mới với những nhóm giải pháp mới về nhận thức, chỉ đạo, phối hợp, nội dung, hình thức, huy động nguồn lực để khai thông các điểm nghẽn và tạo bứt phá trong công tác thông tin đối ngoại.
Thực tiễn triển khai công tác TTĐN
Những năm gần đây, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Đảng và vai trò quản lý của nhà nước đối với công tác TTĐN được thực hiện thống nhất, toàn diện, có tính chiến lược, khẳng định vai trò quan trọng của công tác TTĐN.
Tổ chức bộ máy làm công tác TTĐN từng bước được kiện toàn, tạo cơ chế phối hợp triển khai đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng, kịp thời trong các hoạt động TTĐN. Cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin, phối hợp hành động giữa các bộ, ban ngành, địa phương và các cơ quan báo chí tiếp tục được cải tiến, phát huy hiệu quả tích cực trong định hướng thông tin, nhất là trước các sự việc phức tạp nảy sinh.
Nội dung TTĐN có nhiều đổi mới, phong phú, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực cơ hội, thù địch; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền và đấu tranh ngoại giao.
Công tác TTĐN được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đổi mới về phương thức thông tin, tuyên truyền, tiếp tục phát huy vai trò hiệu quả của các phương thức truyền thông truyền thống, kết hợp với bước đầu ứng dụng phương tiện truyền thông mới, phù hợp với xu hướng truyền thông của thời đại.
Tuy nhiên, việc thực hiện công tác TTĐN ở một vài nơi còn mang tính hình thức, chưa được quan tâm đúng mức, ngang tầm với vị trí, vai trò của TTĐN trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện. Năng lực công tác phân tích, dự báo, chủ động chiếm lĩnh mặt trận dư luận chưa thực sự đáp ứng được những chuyển biến nhanh chóng và khó lường của tình hình quốc tế.
Công tác đấu tranh phản bác thông tin sai lệch, chỉ trích Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực quyền con người, các thông tin, hình ảnh vi phạm về chủ quyền biển đảo, biên giới, lãnh thổ thiếu tính chủ động, đa chiều, sâu sắc; các nỗ lực tạo dựng, định hình mặt trận công luận mạnh mẽ, rộng khắp ủng hộ Việt Nam trong một số vấn đề nhạy cảm, phức tạp chưa đạt được hiệu quả cao.
Nội dung thông tin, tuyên truyền chưa tiếp cận được với nhiều nhóm đối tượng, nhất là ở địa bàn ngoài nước, người nước ngoài, phần lớn tập trung vào các địa bàn lớn, ngoại ngữ phổ biến. Công tác TTĐN có thời điểm chưa gắn kết chặt chẽ với thông tin đối nội, hiệu quả cộng hưởng chưa cao; có nơi, có lúc còn bị động trong thông tin, tuyên truyền ra bên ngoài, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng khai thác, tuyên truyền, xuyên tạc làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Việt Nam...
Một số giải pháp đổi mới công tác TTĐN
Để tiếp tục phát huy và khắc phục những hạn chế trong đổi mới công tác TTĐN, thứ nhất, cần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý công tác TTĐN, tạo sự thống nhất trong triển khai công tác TTĐN trong giai đoạn mới.
Thứ hai, cần đổi mới tư duy, cách làm TTĐN theo hướng đo được hiệu quả rõ ràng hơn, tăng cường tính chủ động, phối hợp trong công tác thông tin đối ngoại giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, phát huy vai trò chủ trì quản lý nhà nước về TTĐN để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác TTĐN...
Thứ ba, đổi mới nội dung tTTĐN, chú trọng thông tin, tuyên truyền những giá trị của chủ nghĩa xã hội và mục tiêu, con đường mà Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi; giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người và thành tựu mọi mặt của Việt Nam, cung cấp thông tin quốc tế, tri thức tiên tiến, tinh hoa văn hóa nhân loại, những giá trị mang tính phổ quát một cách có chọn lọc, tiếp thu những kinh nghiệm, làm phong phú kho tàng tri thức, văn hóa Việt Nam.
Thứ tư, đổi mới phương thức TTĐN, triển khai công tác TTĐN một cách toàn diện; phối hợp, kết hợp hài hòa, nhịp nhàng giữa các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, các lĩnh vực ngoại giao, đối ngoại quốc phòng, an ninh, văn hóa...
Thứ năm, nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo đảm tính chủ lưu của các thông tin tích cực; định hướng, làm rõ các thủ đoạn tung tin bịa đặt trên các trang mạng xã hội, ngụy tạo, xuyên tạc thông tin; nâng cao hiệu quả công tác dự báo, theo sát thông tin dư luận trong và ngoài nước,…
Cuối cùng, cần bảo đảm nguồn lực công tác TTĐN; Tăng cường nguồn lực của Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội khác; phát huy tối đa nguồn lực ngoài nước; xây dựng, đào tạo đội ngũ những người làm TTĐN chuyên trách vững vàng, toàn diện; đầu tư phát triển hệ thống các cơ quan báo chí đối ngoại quốc gia; tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác TTĐN./.