Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển đất nước

Truyền thông - Ngày đăng : 10:43, 23/11/2024

Với khoảng 6 triệu người sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị thế, uy tín của mình. Người Việt Nam ở nước ngoài cũng đóng góp rất lớn trong công tác đối ngoại, phục vụ sự phát triển của đất nước.
Truyền thông

Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển đất nước

Tú Anh 23/11/2024 10:43

Với khoảng 6 triệu người sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị thế, uy tín của mình. Người Việt Nam ở nước ngoài cũng đóng góp rất lớn trong công tác đối ngoại, phục vụ sự phát triển của đất nước.

1.png
Thủ tướng Phạm Minh Chính với cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga. (Ảnh: TTXVN)

Hơn 200 tỷ USD kiều hối trong hơn 30 năm

Trong những năm vừa qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục lớn mạnh cả về lượng và chất. Số lượng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng và đa dạng hơn về thành phần.

Với khoảng 6 triệu người sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định được vai trò, vị thế, uy tín. Một số người gốc Việt đã tham gia sâu vào hệ thống chính trị sở tại ở các cấp, nhiều doanh nhân người Việt Nam trong danh sách các tỷ phú của thế giới, nhiều chuyên gia, trí thức, văn nghệ sỹ kiều bào được vinh danh tại các giải thưởng quốc tế.

Bên cạnh đó, kiều bào cũng là một trong những cầu nối, đóng góp ngày càng chủ động, tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt trong công tác đối ngoại phục vụ sự phát triển đất nước. Người Việt Nam ở nước ngoài cũng trở thành nguồn lực quan trọng xây dựng, phát triển đất nước khi tổng lượng kiều hối trong hơn 30 năm qua chuyển về nước đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ.

Tính đến hết năm 2023, kiều bào đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD; cùng với đó là hàng ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Năm 2023, kiều hối chảy về Việt Nam ước đạt khoảng 16 tỷ USD, riêng TP. Hồ Chí Minh là khoảng 9,46 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022, cao gấp 3 lần so với nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

6 tháng đầu năm 2024, kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh đạt 5,178 tỷ USD, bằng 54,7% so với cả năm 2023 và tăng 19,5% so với cùng kỳ. Trên địa bàn Hà Nội, 6 tháng đầu năm, kiều hối từ nước ngoài chuyển về qua các đơn vị kinh tế ước đạt 30 triệu USD.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, việc kiều hối tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian qua cho thấy sự tin tưởng của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài vào tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi trong nước, cùng với cơ chế, chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thu hút kiều hối.

Đề cập đến vấn đề làm sao để thu hút và phát huy hiệu quả nguồn kiều hối, tạo ra được nhiều giá trị gia tăng, trở thành "lực đẩy" quan trọng đóng góp vào kinh tế Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông cho biết, cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để gắn kết kiều bào với đất nước; có chính sách hợp lý để khuyến khích bà con sử dụng nguồn kiều hối vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong nước như đầu tư, kinh doanh, đặc biệt có thể nghiên cứu việc phát hành trái phiếu ngoại tệ để thu hút nguồn kiều hối này.

Cần tiếp tục duy trì chính sách thông thoáng, rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách khuyến khích, thu hút kiều hối tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước, cũng như tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục mở rộng mạng lưới, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, công nghệ...

Hiện nay, Việt Nam đang tăng tốc nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, phấn đấu đưa đất nước trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - ông Bùi Thanh Sơn khẳng định, để thực hiện các mục tiêu nói trên, Việt Nam không thể thiếu sự đóng góp quan trọng của cộng đồng hơn 6 triệu đồng bào ở nước ngoài.

Nguồn lực quan trọng trong công tác đối ngoại

Năm 2024 là năm bản lề cho công tác người Việt Nam ở nước ngoài chuẩn bị bước sang một trang mới, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

2.png
Các đồng chí lãnh đạo cùng đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại chương trình Xuân Quê hương 2024. (Ảnh: VGP)

Theo ông Nguyễn Hồng Huệ, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), năm 2024 là dịp để các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đánh giá một cách khách quan những ưu điểm hạn chế, tìm ra nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp thiết thực để phát huy hơn nữa nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong những năm tới; tiếp tục khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

“Việc nhìn nhận, đánh giá, tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài góp phần làm rõ hơn tính ưu việt của nền “ngoại giao cây tre” trong tình hình mới”, ông Huệ nêu quan điểm.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo, Bộ Ngoại giao cho biết, trong 36 hoạt động đối ngoại Cấp cao từ đầu năm 2024 đến nay, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác.

Công tác rà soát tình hình thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế được triển khai quyết liệt với cơ chế họp định kỳ hàng tháng, với gần 400 thỏa thuận của các bộ, ngành, địa phương được rà soát, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai và tháo gỡ vướng mắc.

Ngoại giao kinh tế đã tích cực hỗ trợ kết nối, xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy các hướng đi mới như phát triển ngành Halal, qua đó mở rộng thị trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp (DN). Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón nhiều tập đoàn, DN lớn như NVIDIA, Apple, Intel, Google, Inforsys, Siemens..., các đoàn gồm hàng trăm DN lớn từ Bắc Âu, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản...

Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục tranh thủ tối đa lợi thế mạng lưới 16 FTA đã ký với 60 đối tác, thúc đẩy đàm phán nâng cấp nhiều FTA hiện hành và tăng tốc đàm phán FTA với các đối tác mới; tích cực tham mưu, thúc đẩy đầu tư, thu hút nguồn lực để phát triển các ngành tạo đột phá như công nghệ cao bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực, AI, kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng...

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hằng quý, Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị với các Đại sứ, Trưởng đại diện Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội DN để phát triển kinh tế đối ngoại, kết nối với kinh tế thế giới, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thủ tướng chỉ đạo, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, DN, các bộ, ngành tập trung nghiên cứu các giải pháp mới, đột phá trong thu hút đầu tư, tài chính cho phát triển, trong đó kêu gọi vốn, tài chính của các nhà đầu tư, đối tác; kêu gọi chuyển giao công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; chuyển giao, chia sẻ khoa học quản trị thông minh, hiện đại, với tinh thần nắm bắt từ sớm, từ xa các xu thế phát triển khoa học công nghệ, kỹ năng quản lý thông minh để áp dụng trong nước tốt hơn.

Thủ tướng tin tưởng sự kết nối trong nước với nước ngoài sẽ chặt chẽ, hiệu quả, thực chất hơn, mang lại lợi ích cho người dân, DN; phát huy hiệu quả hơn nguồn lực của cộng đồng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài; yêu cầu các Cơ quan đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài với tinh thần chủ động, hiệu quả, chia sẻ những khó khăn, thúc đẩy thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài ổn định sinh sống, làm ăn, vừa có điều kiện hỗ trợ trong nước./.

Tú Anh