Chuyển đổi số: Hành trình tái sinh của các hãng truyền thông quốc tế và bài học cho Việt Nam

Truyền thông - Ngày đăng : 06:48, 03/12/2024

Quá trình chuyển đổi số đã mở ra cơ hội lớn cho nhiều hãng truyền thông quốc tế. Nhờ sự chuyển đổi kịp thời cùng những chiến lược phù hợp, nhiều tòa soạn đã tìm ra cách đối mặt với một trong những vấn đề cốt lõi: khi công nghệ thay đổi và các thiết bị điện tử chiếm ưu thế thì báo chí sẽ tồn tại ra sao…
Truyền thông

Chuyển đổi số: Hành trình tái sinh của các hãng truyền thông quốc tế và bài học cho Việt Nam

Quỳnh Trang 03/12/2024 06:48

Quá trình chuyển đổi số đã mở ra cơ hội lớn cho nhiều hãng truyền thông quốc tế. Nhờ sự chuyển đổi kịp thời cùng những chiến lược phù hợp, nhiều tòa soạn đã tìm ra cách đối mặt với một trong những vấn đề cốt lõi: khi công nghệ thay đổi và các thiết bị điện tử chiếm ưu thế thì báo chí sẽ tồn tại ra sao…

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu

Trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc, các thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh, và mạng Internet đã trở thành công cụ chính để con người tiếp cận thông tin. Từ mạng xã hội như Facebook cho đến những ứng dụng dự báo thời tiết, cách mà thông tin được lan truyền đã thay đổi hoàn toàn để thích nghi với lối sống hiện đại.

Trước đây, báo chí truyền thống chủ yếu dựa vào các ấn phẩm in, phục vụ nhu cầu đọc báo của đa số người dân, thì nay sự lên ngôi của Internet và mạng xã hội đã đẩy báo in ra bên lề, buộc ngành báo chí phải thích ứng. Các trường đào tạo báo chí trên thế giới cũng không thể giữ nguyên cách giảng dạy cũ, bởi những kỹ thuật từng hiệu quả cách đây 15 năm giờ đây đã lỗi thời.

Sự thay đổi không ngừng của bối cảnh truyền thông, với sự xuất hiện của công nghệ và phương tiện mới, đã định nghĩa lại mối quan hệ giữa báo chí và công chúng. Trong quá trình này, một số người lo sợ trước sự đổi mới, trong khi nhiều người khác hào hứng với cơ hội mà nó mang lại. Dù vậy, không ai có thể đứng ngoài cuộc, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí và truyền thông.

Công nghệ đã làm rung chuyển hệ sinh thái báo chí khi lấy đi vai trò độc quyền của các nhà báo và tòa soạn trong việc định hình xu hướng. Mạng xã hội hiện nay có khả năng nhận biết và phản ánh các mối quan tâm của công chúng nhanh chóng hơn bất kỳ tòa soạn nào.

Với gần 90% người Mỹ hiện nay đọc tin tức qua các thiết bị kỹ thuật số, báo in đang dần trở thành “cổ vật” của thời đại. Điều này đặt ra câu hỏi không chỉ về sự tồn tại của báo in mà còn về tương lai của báo chí trong kỷ nguyên số hóa. Liệu ngành báo chí có thể tiếp tục đóng vai trò cốt lõi trong xã hội thông tin hiện đại? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào cách các hãng truyền thông quốc tế đối mặt và tận dụng cơ hội từ quá trình chuyển đổi số.

“Cuộc đua” chuyển đổi số của báo chí thế giới

Một trong những ví dụ điển hình nhất về thành công trong chuyển đổi số của ngành báo chí phải kể đến The New York Times (The Times) (Mỹ). Bước ngoặt lớn diễn ra vào năm 2011 khi tờ báo này áp dụng chính sách thu phí báo điện tử (digital paywall). Kể từ đó, The New York Times không ngừng mở rộng các gói đăng ký với mức giá từ 9,99 USD đến 20 USD/tháng, bao gồm cả các gói chuyên biệt dành cho mục Trò chơi đố chữ và Nấu ăn, mang lại nguồn doanh thu bền vững và ổn định.

Bên cạnh đó, The New York Times cũng đã phát triển hàng loạt ứng dụng phần mềm, nổi bật trong số đó là ứng dụng NYT Now. Đây là phiên bản dành cho thiết bị di động của tờ báo, nhưng không đưa lên đầy đủ các bài viết (30/200 bài viết so với bản chính thức). Dù không đạt được thành công về mặt kinh doanh, NYT Now vẫn được xem là cột mốc quan trọng, khẳng định vai trò tiên phong của The New York Times trong việc số hóa nội dung trên nền tảng di động.

Bên cạnh NYT Now là ứng dụng Cooking, cung cấp gần 20.000 công thức nấu ăn hấp dẫn dành cho độc giả yêu thích ẩm thực. Ứng dụng giúp thu hút thêm lượng độc giả tiềm năng ngoài nhóm độc giả của mảng tin tức.

Song song với các ứng dụng di động, The New York Times hiện cung cấp khoảng 100 bản tin email (newsletter) về đa dạng chủ đề như sức khỏe, thể chất, nuôi dạy con cái, khủng hoảng khí hậu, chính trị và thể thao. Trong đó, nổi bật nhất là bản tin The Morning, bản tin tóm tắt hàng ngày thu hút 16 triệu người đăng ký - trở thành bản tin email lớn nhất và phổ biến nhất của tờ báo.

Các bản tin email được gửi định kỳ tới những người đăng ký trước và đặc biệt phù hợp với nhóm độc giả lớn tuổi. Trong khi đó, thông tin trên các nền tảng thiết bị di động lại phổ biến hơn với giới trẻ và tiếp tục mở rộng phát triển ở nhiều quốc gia.

Trong những năm gần đây, podcast đã nổi lên như một kênh quan trọng nhằm thúc đẩy các thương hiệu tin tức. The New York Times đã nắm bắt xu hướng này bằng cách ra mắt podcast tin tức The Daily. Với các chiến dịch tiếp thị hoành tráng trên nền tảng như YouTube, Hulu và Spotify, The Daily nhanh chóng đạt được 40 triệu lượt tải về chỉ trong 3 tháng đầu tiên và thu hút 5 triệu người nghe hàng tháng; được phát sóng trên 30 đài phát thanh khắp nước Mỹ.

Để mở rộng lượng độc giả, The New York Times đã tận dụng triệt để các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Facebook Live và Snapchat để lan truyền nội dung thông qua các định dạng hiện đại như (VR), trí tuệ nhân tạo (AI) và video 360. Những công nghệ này không chỉ mang lại trải nghiệm mới mẻ, sống động cho người xem mà còn giúp tờ báo nâng cao khả năng tiếp cận và tương tác với độc giả.

Ngoài ra, The New York Times còn nghiên cứu các công nghệ chụp và chuyển hình ảnh, video từ hiện trường, công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, cũng như các công nghệ hỗ trợ độc giả phân biệt thông tin đáng tin cậy với tin giả, góp phần củng cố niềm tin của công chúng vào báo chí chất lượng.

The New York Times khai thác sức mạnh sáng tạo nội dung để bắt đầu hành trình chuyển đổi số.

Các tòa soạn lớn ở châu Á cũng không đứng ngoài “cuộc đua” chuyển đổi số báo chí. Cuối năm 2017, Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đã ra mắt nền tảng trí tuệ nhân tạo mang tên Media Brain, có khả năng tạo ra bản tin chỉ trong 15 giây.

Đến tháng 11/2018, Tân Hoa Xã tiếp tục hợp tác với công cụ tìm kiếm Sogou.com để phát triển nam phát thanh viên tin tức trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Sản phẩm đột phá này là sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo, khuôn mặt điều khiển bằng kỹ thuật số và giọng nói tổng hợp.

Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ sử dụng công nghệ học máy để tổng hợp lời nói thực tế, chuyển động môi và nét mặt, tạo ra hiệu ứng sống động như con người. Các phát thanh viên ảo này có khả năng tự động đọc tin tức bằng tiếng Anh và tiếng Trung, hoạt động trên nhiều nền tảng như di động, Internet, ứng dụng, mạng xã hội và cả dịch vụ truyền hình trực tuyến.

Khoảng 3 tháng sau, Tân Hoa Xã tiếp tục ra mắt nữ phát thanh viên ảo hoạt động dựa trên AI đầu tiên trên thế giới. Bên cạnh đó, hãng còn từng giới thiệu Jia Jia, một phóng viên robot có khả năng phỏng vấn trực tiếp các nhân vật.

Các phát thanh viên ảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của Tân Hoa Xã có khả năng làm việc liên tục 24 giờ mỗi ngày trên trang chủ và các nền tảng truyền thông xã hội khác nhau. Người biên tập chỉ cần nhập văn bản vào hệ thống. Các đài truyền hình đánh giá công nghệ này là một “bước đột phá trong lĩnh vực AI toàn cầu” và khẳng định nó sở hữu “triển vọng vô tận” trong việc định hình tương lai của ngành truyền thông và báo chí.

MC AI của Tân Hoa Xã.

AI và Báo chí - thách thức cùng cơ hội trong kỷ nguyên số

Lãnh đạo Tập đoàn truyền thông Axel Springer của Đức từng đề cập sự phát triển vũ bão của AI hiện nay “Trí tuệ nhân tạo đang khiến nghề báo nói chung và các nhà báo nói riêng trở nên khó tồn tại”. Đặc biệt, sự xuất hiện của ChatGPT trong thời gian qua đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ trước những khả năng vượt trội mà công nghệ có thể mang lại. Điều này dẫn đến không ít ý kiến lo ngại rằng AI đang trở thành đối thủ trực tiếp, thậm chí "đe dọa" vị trí của các phóng viên và nhà báo.

Những lo ngại này hoàn toàn có cơ sở. Vào thế kỷ 20, hiếm ai có thể hình dung được những thách thức mà báo chí, đặc biệt là báo in, đang phải đối mặt ngày nay. Hiện tại, AI đã đạt đến khả năng thực hiện những công việc và tạo ra những sản phẩm mà trước đây chúng ta tin rằng chỉ con người mới có thể làm được, thậm chí vượt xa giới hạn của con người. Điển hình như việc tạo ra các video “như thật” chỉ từ văn bản, câu lệnh hoặc ảnh tĩnh.

Trong kỷ nguyên số hiện nay, AI đang biến mọi ý tưởng thành hiện thực. Điển hình là MC AI Sana của India Today, có khả năng dẫn chương trình bằng 75 ngôn ngữ với biểu cảm tự nhiên như con người. Một phóng viên AI có thể hoàn thành bài báo chỉ trong vài giây. Và đây chỉ là những ví dụ tiêu biểu - tương lai, AI còn có thể đạt được những thành tựu mà chúng ta chưa thể tưởng tượng.

Điều đặc biệt là AI không cần trả lương, không có ngày nghỉ và hầu như không bao giờ phàn nàn. Chính những lợi thế này làm gia tăng nguy cơ AI thay thế vị trí của phóng viên, nhà báo, nhất là khi con người trở nên phụ thuộc vào công nghệ và thiếu đi sự sáng tạo.

Tuy nhiên, sự thông minh vượt bậc của AI cũng tiềm ẩn nguy cơ trở thành “con dao hai lưỡi” đối với báo chí. Nếu không được quản lý và sử dụng cẩn thận, AI có thể gây ra những vi phạm nghiêm trọng về đạo đức báo chí, phá vỡ giới hạn của sự thật, tính nhân văn và an toàn thông tin.

Theo PGS.TS.GVCC Nguyễn Thị Trường Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, một đặc thù của chuyển đổi số là sự sáng tạo trên nền tảng công nghệ và để thích nghi, ứng dụng hiệu quả cũng như làm chủ trí tuệ nhân tạo (AI) trong công việc báo chí và truyền thông đa phương tiện, đội ngũ phóng viên, nhà báo cần “chuyển đổi số toàn diện”. Điều này có nghĩa là họ phải trang bị những phẩm chất và kỹ năng cần thiết, bao gồm: kỹ năng sử dụng công nghệ làm báo digital; kỹ năng khai thác và kiểm chứng thông tin số; khả năng sáng tạo và tổ chức sản phẩm báo chí đa phương tiện; kỹ năng hợp tác liên ngành; khả năng xử lý và khai thác dữ liệu số; bảo mật thông tin số; kỹ năng làm việc với AI và ChatGPT; đồng thời duy trì văn hóa và đạo đức nghề nghiệp trong môi trường số hoá.

Một cách khách quan, lực lượng nhân lực chuyển đổi số tại hầu hết các cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay chưa mạnh. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho các nhà báo, đồng thời hỗ trợ phát triển nền tảng số quốc gia cho báo chí.

Tuy nhiên, các cơ quan báo chí và những người làm báo không thể chỉ trông chờ vào chính sách của Nhà nước. Con đường chuyển đổi số của báo chí còn dài và sẽ tiến triển qua nhiều giai đoạn, đòi hỏi mỗi nhà báo phải chủ động tự học: học từ các trường đào tạo báo chí, học lẫn nhau, học từ thực tiễn hoạt động báo chí và học từ các công ty công nghệ, để thực sự trở thành người làm chủ chuyển đổi số và làm chủ AI./.

Quỳnh Trang