Ứng dụng AI trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Truyền thông - Ngày đăng : 13:51, 26/11/2024
Ứng dụng AI trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Trí tuệ nhân tạo được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, có ảnh hưởng to lớn trong mọi mặt đời sống xã hội. Ở nước ta, một số sản phẩm của AI được phát triển trong thời gian gần đây đã mang đến nhiều thách thức cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thời gian gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đang bị tội phạm công nghệ sử dụng để tạo ra nhiều cuộc tấn công tinh vi trên không gian mạng, làm ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh… của quốc gia, thậm chí của cả nhân loại, trong đó phải kể đến vấn nạn tin giả.
“Báo cáo Rủi ro toàn cầu 2024” của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp thông tin gây hiểu lầm và tin giả do AI tạo ra là mối đe dọa lớn thứ hai trong số 20 rủi ro toàn cầu lớn nhất năm 2024.
Sự phát triển của AI trong những năm gần đây là “con dao hai lưỡi”, bởi đây được xem là công nghệ lưỡng dụng, dùng được cho cả mục đích tấn công và mục đích phòng thủ.
Phổ biến nhất trong việc lợi dụng AI để tạo tin giả phải kể đến deepfake - công nghệ làm giả video, hình ảnh, âm thanh bằng AI. Đây cũng là công cụ mà các đối tượng thường dùng để giả mạo quan chức cấp cao, chính trị gia, người nổi tiếng, người dẫn chương trình, người thân của bị hại… để tung tin sai lệch về chính trị, chiến tranh, thiên tai… với tốc độ nhanh và khó phân biệt với tin thật. Độ chân thực do AI tạo ra giúp deepfake trở thành công cụ mạnh mẽ để phá hoại danh tiếng và thao túng dư luận.
Cụ thể, chúng thay đổi giọng nói hoặc chỉnh sửa hình ảnh trong video của các nhân vật, thậm chí làm giả hoàn toàn một video để tạo ra các nội dung không đúng sự thật phục vụ các mục đích chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Ví dụ, AI giúp các đối tượng tạo ra các nhân vật ảo với khuôn mặt và giọng điệu giống hệt người dẫn chương trình trên các kênh chính thống. Tiếp đó, chúng xây dựng các kịch bản hấp dẫn, thường có tính chất gay cấn với nội dung sai lệch, phản động nhằm thu hút sự chú ý và tương tác từ cộng đồng mạng.
Nhiều video còn gắn thêm logo của các kênh uy tín, gây nhầm lẫn cho người xem rằng đây là thông tin đã được kiểm chứng. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng có hơn nửa triệu video deepfake đã được lưu hành trên mạng xã hội (MXH) trong năm 2023. Với sự phát triển của công nghệ, vấn đề sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Sự phát triển của các ứng dụng như ChatGPT (một mô hình ngôn ngữ lớn được phát triển bởi OpenAI) đã tạo ra công cụ giúp lực lượng chống phá dễ dàng sản xuất các nội dung xấu - độc, với văn phong ngày càng giống người thường hơn.
Bên cạnh đó, chúng sử dụng các “robot mạng” (còn gọi là bots) có sử dụng công nghệ AI để tạo ra tin giả và phát tán vào các nhóm phản động, sau đó lan truyền ra nhiều hội nhóm. Phạm vi tiếp cận rộng lớn của MXH khiến cho nội dung giả mạo lan truyền nhanh, tiếp cận được rất nhiều người trong thời gian ngắn.
Nhiều tin giả hiện nay được lan truyền trên MXH qua các “tài khoản con rối” (tài khoản giả mạo được tạo ra bởi AI) khiến người dùng Internet không thể xác định được số lượng thực sự và danh tính của những người chia sẻ thông tin trên mạng.
Các thế lực lợi dụng khả năng thu thập, xử lý dữ liệu khổng lồ và phân tích các mẫu phức tạp của AI để tập hợp dữ liệu cá nhân, từ đó điều hướng thông tin và thao túng tâm lý người dùng. Theo các chuyên gia công nghệ, hiện nay, tất cả hoạt động trên không gian mạng như bài đăng, lượt thích, bình luận, thời gian tương tác… đều trở thành dữ liệu để các nền tảng thu thập.
Trên cơ sở dữ liệu đó, AI hoàn toàn có thể “vẽ được chân dung chi tiết của mỗi cá nhân”, hình thành sự hiểu biết về người dùng. Từ những tri thức này, hệ thống AI sẽ học và hiểu người dùng cả trong ngắn và dài hạn. Khi biết được tư duy, định hướng của người dùng thì việc định hướng thông tin (gửi các thông tin, thông điệp phù hợp với từng cá nhân), hay tập hợp lực lượng “những người có chung quan điểm” để phục vụ mục đích nào đó càng trở nên dễ dàng hơn.
Đánh giá về tác động của tin giả trong thời kỳ công nghệ, ThS. Lương Đông Sơn - Giảng viên Viện Báo chí – Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC) đã nhận định, sản phẩm của sự kết hợp giữa AI và thông tin sai lệch còn gọi là tin giả siêu thực có thể bóp méo nhận thức của công chúng về các sự kiện và vấn đề xã hội, từ đó tác động đến cách họ đánh giá tình hình và đưa ra quyết định. Điều này có tác động không nhỏ đến cả đến cộng đồng và quốc gia, dân tộc.
Các thế lực chống phá, thù địch ngày nay dễ dàng tạo ra tin giả siêu thực để thao túng dư luận, kích thích bạo lực, gieo rắc sự chia rẽ và phá hoại sự ổn định xã hội. Về mặt chính trị, tin giả siêu thực có thể làm xói mòn niềm tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến sự phát triển đi lên của xã hội chủ nghĩa.
Sự tinh vi của tin giả siêu thực, đặc biệt là deepfake, khiến việc phân biệt giữa thật và giả trở nên ngày càng khó khăn đối với cả cán bộ, đảng viên, quân nhân, nhà báo…- những người đang thực hiện nhiệm vụ mang tính chuyên môn cao.
Chính vì vậy, để đối phó với loại tin giả này, việc áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại là vô cùng cần thiết, nhằm bảo vệ vững chắc nền tư tưởng của Đảng trong môi trường không gian mạng ngày càng được hiện đại hóa.
Ứng dụng AI để phát hiện tin giả
Hiện nay, nhiều công ty công nghệ trên thế giới đang phát triển những ứng dụng phát hiện tin giả. Các ứng dụng này có khả năng phân tích, tổng hợp, đối chiếu thông tin từ nhiều nguồn để phát hiện những bất thường trong nội dung thông tin.
Tại Anh, Logical là công ty đi đầu sử dụng AI để chống lại tin tức giả mạo. Giải pháp này giúp phân loại những nội dung được nhận định là tin giả hoặc tin sai lệch trước khi người dùng có thể đọc được.
Theo đánh giá nội bộ, hệ thống của Logical làm việc chính xác khoảng 90%, có thể xác định nhầm tin thật là tin giả khoảng 5 trong 100 lần quét và vẫn đang được cải tiến không ngừng. Tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, Logical đã làm việc với ủy ban bầu cử tại một bang "chiến trường" lớn để đẩy lùi tin giả. Công ty cũng hợp tác với một số nền tảng truyền thông xã hội lớn nhưng điều này được giữ bí mật.
Một ứng dụng khác từ công nghệ AI để phát hiện tin giả là mô hình học máy BERT - được phát triển bởi Google AI. BERT hoạt động hiệu quả nhờ khả năng hiểu sâu sắc ngôn ngữ tự nhiên, phân tích ngữ cảnh và hỗ trợ kiểm tra thông tin một cách tự động.
BERT được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, nó có thể được tích hợp vào các hệ thống tự động để lọc và phân loại tin tức, giảm bớt gánh nặng cho các biên tập viên và nhà kiểm duyệt nội dung, hỗ trợ cung cấp lớp kiểm duyệt đầu tiên, giúp người dùng hoặc tổ chức đưa ra các quyết định nhanh chóng về việc phát tán, chia sẻ, hoặc xử lý thông tin đó.
Nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Singapore, Ấn Độ đã khám phá, thử nghiệm, ứng dụng BERT và các biến thể của nó vào việc phát hiện tin giả, đặc biệt trong bối cảnh của các sự kiện lớn như bầu cử. Các tổ chức hoặc tòa soạn báo có thể tích hợp hoặc mua một phiên bản thương mại của BERT để sử dụng trong các nhiệm vụ như phát hiện tin giả, phân tích cảm xúc, hiểu ngôn ngữ tự nhiên và nhiều hơn nữa.
Đối với các cơ quan báo chí, bên cạnh việc ứng dụng AI để tác nghiệp báo chí, thì AI cũng có thể sử dụng để thẩm định thông tin. Hiện nay, có khá nhiều công cụ tích hợp AI hỗ trợ cho nhà báo trong quá trình thẩm định. Nhiều tòa soạn trên thế giới hiện đang sử dụng các công cụ automated fact-checker để kiểm tra một cách tự động tính xác thực của một tin tức cho trước.
Các công cụ này đều tận dụng sức mạnh của các mô hình ngôn ngữ lớn trong AI để tìm kiếm thông tin trên Internet, tổng hợp chúng và đối chiếu những thông tin (bằng chứng) này với tin tức cho trước, từ đó hỗ trợ nhà báo, biên tập viên trong việc kiểm định tính chính xác của tin tức, giảm thiểu rủi ro sử dụng tin giả, tin không chính xác, sai sự thật trong bài viết của mình.
Ông Phan Văn Tú - Chủ nhiệm bộ môn Báo chí - Khoa báo chí và truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM nhận định: "Không có công cụ nào là chiếc đũa thần. Song, những công cụ AI phát hiện ảnh/video giả vẫn là nguồn tài nguyên có giá trị như một phần của quy trình xác minh hoặc phương pháp thẩm tra".
Để phát triển việc ứng dụng AI trong phòng chống tin giả, ưu tiên trước mắt là chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên gia và các tổ chức báo chí trong nghiên cứu, khai thác và làm chủ ứng dụng AI phục vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Cùng với đó, cần quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, trang bị kỹ thuật nhằm ứng dụng và phát huy AI trong công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch.
Song song với việc phát triển yếu tố con người và kỹ thuật, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về AI để đón đầu xu thế, ban hành văn bản quy định về đạo đức trong quá trình phát triển, sản xuất, ứng dụng AI như bảo vệ quyền riêng tư, dữ liệu cá nhân, quyền con người của các đơn vị trong và ngoài nước./.