An toàn thông tin là cơ sở để bảo vệ nền tư tưởng của Đảng trong thời đại mới
An toàn thông tin - Ngày đăng : 15:19, 01/12/2024
An toàn thông tin là cơ sở để bảo vệ nền tư tưởng của Đảng trong thời đại mới
An ninh thông tin đã và đang đi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội và dần trở thành một bộ phận quan trọng của an ninh quốc gia.
Sự bùng nổ của truyền thông và sự phát triển của mạng xã hội (MXH) đã làm mang lại các phương thức tiếp cận thông tin mới, giúp thông tin lan tỏa nhanh và tạo hiệu ứng mạnh. Đồng thời, nó cũng tạo ra môi trường thuận lợi để các thế lực phản động tổ chức tuyên truyền, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Vì vậy, yếu tố an toàn thông tin (ATTT) và đảm bảo an ninh mạng trong thời đại số phải được đặt lên hàng đầu.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, xu hướng người sử dụng không gian mạng để phục vụ cho các nhu cầu: làm việc, giải trí, tìm kiếm thông tin… ngày càng tăng.
Thống kê dữ liệu truyền thông xã hội (social media) mới nhất từ Data Report, người dùng MXH ở Việt Nam trong độ tuổi từ 16 - 64 thường xuyên truy cập vào MXH chiếm tỉ lệ như sau: Facebook (89,7%), tiếp theo là Zalo (88,5%) và TikTok (77,8%), sau đó là Facebook Messenger (76,6%) và Instagram (47,6%).
Từ đây có thể thấy được, môi trường không gian mạng là “vùng đất màu mỡ” bị các thế lực chống phá triệt để lợi dụng để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Các thế lực xấu triệt để lợi dụng không gian mạng để lan truyền thông tin. Chúng tạo lập các hội nhóm MXH trên danh nghĩa phản biện xã hội, đấu tranh vì dân chủ nhân quyền, xây dựng chủ nghĩa, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, hoạt động từ thiện như “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Trại Cháu Bác Hồ”, “Hội phòng chống tham nhũng”, “Bàn luận về kinh tế, chính trị, xã hội”, “Quyết Tâm Làm Trong Sạch Đội Ngũ”, “Bảo vệ biển, đảo Việt Nam”, “Chủ quyền biển Đông Việt Nam”.... , thực tế lại chuyên đăng tải những nội dung phản động, chống đối.
Thêm vào đó, có nhiều trang thông tin giả, mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các tên miền, tên cá nhân có các “đuôi” .com, .net, .org, .info, .biz, … để lan truyền thông tin tin giả.
Đặc biệt, nhiều trang lớn có quy mô mang danh các tổ chức như AI, BPSOS, RSF, BBC, VOA, RFI, tổ chức “Khối 8406”… bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; xuyên tạc, bóp méo sự kiện chính trị, vụ việc phức tạp, nhạy cảm; kích động, kêu gọi người dân biểu tình, chống đối lật đổ chính quyền; bênh vực kẻ phạm pháp.
Thông tin lan truyền nhanh, những câu chuyện chính trị, âm mưu, bình luận các nhân vật là các chính trị gia, suy luận những vụ án khi chưa có kết luận,… xuất hiện mọi lúc mọi nơi gây hiểu lầm, hoài nghi trong một bộ phận nhân dân về lòng yêu nước, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc, vì đời sống ấm no của nhân dân và vì một dân tộc đoàn kết của Đảng và Nhà nước ta.
Tất cả các vấn đề trên đặt ra thách thức cho các cơ quan, tổ chức về vấn đề đảm bảo ATTT, nhằm bảo vệ vững chắc nền tư tưởng của Đảng trong thời đại công nghệ số.
Những giải pháp đồng bộ
Hiện nay, thông tin về văn hóa, thông tin, chính sách... được đăng tải và cập nhật thường xuyên trên Internet, như các cổng thông tin điện tử chính thức của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương.
Các trang thông tin về văn hóa, thể thao và du lịch trên facebook nhận được hàng nghìn lượt thích và theo dõi. Đây là nguồn thông tin có sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, được cộng đồng mạng tin tưởng tiếp cận, chia sẻ, lan tỏa rộng rãi, giúp hỗ trợ tích cực trong việc định hướng nhận thức, hành động.
Nhiều sự kiện văn hóa lớn của dân tộc, địa phương, những tấm gương người tốt, việc tốt ngày càng được tuyên truyền rộng rãi trên internet, trên các nền tảng số, tiêu biểu như “Cặp lá yêu thương”, “Việc tử tế”, “Điều ước thứ 7”, chuyên mục “Câu chuyện văn hóa” của VTV…
Ngoài ra, còn có các trang, nhóm, tài khoản cá nhân chia sẻ rộng rãi những câu chuyện người tốt, việc tốt trong đời sống xã hội xuất hiện ở nhiều nơi, thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Mới đây, tại cuộc hội thảo, triển lãm ngày ATTT Việt Nam 2024 diễn ra ngày 21/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Bùi Hoàng Phương cho biết, năm 2024 đánh dấu bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực ATTT khi vươn lên vị trí 17/194 quốc gia về xếp hạng an ninh mạng toàn cầu.
Theo đó, trong 9 tháng đầu năm nay, số vụ tấn công mạng ở nước ta đã giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Hệ thống giám sát quốc gia đã xử lý hơn 10,5 tỷ bản tin, ngăn chặn thành công hơn 14.000 website độc hại, bảo vệ an toàn cho hơn 11 triệu người dùng.
Tuy nhiên, khó khăn vẫn liên tục được đặt ra khi nguồn nhân lực an ninh mạng của chúng ta còn khá khiêm tốn, mà các cuộc tấn công mạng liên tục phát triển với mức độ ngày càng tinh vi phức tạp, đặc biệt khi có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo Báo cáo Tổng kết tình hình an ninh mạng Việt Nam năm 2023 của Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS), có tới 13.900 vụ tấn công an ninh mạng vào các hệ thống tại Việt Nam, tăng 9,5% so với năm 2022; 554 website của các cơ quan, tổ chức chính phủ và giáo dục có tên miền .gov.vn, .edu.vn bị xâm nhập; hơn 83.000 máy tính, máy chủ bị mã độc mã hóa dữ liệu, tăng 8,4% so với năm 2022.
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đưa ra một số giải pháp trọng tâm Bộ TT&TT triển khai thời gian tới, đó là:
Thứ nhất, sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo đảm ATTT, trong đó đặc biệt lưu ý các quy định về bảo đảm ATTT theo cấp độ.
Thứ hai, các cơ quan, tổ chức sẽ tăng cường đầu tư cho ATTT, tập trung phát triển các sản phẩm, công nghệ, make in Việt Nam, do Việt Nam thiết kế, sản xuất.
Thứ ba, sẽ chỉ đạo tổ chức thực thi thường xuyên, liên tục công tác bảo đảm ATTT theo mô hình 4 lớp, đặc biệt là nâng cao năng lực của lớp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; duy trì ổn định kết nối, chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Thứ tư, Bộ sẽ chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phương án để kịp thời sẵn sàng ứng phó ngay đối với các sự cố mất an toàn, an ninh thông tin".
Các thông tin được đăng tải trên Internet và MXH đang được quản lý chặt chẽ trên cơ sở của luật pháp Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế. Song song với đó, Bộ Công an cũng chủ động rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng Internet, MXH, báo chí theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bộ TT&TT hiện đã và đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, phát triển hoàn thiện Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - nơi người dân, tổ chức có thể gửi thông tin, cảnh báo về các vấn đề an toàn, an ninh mạng trên không gian mạng Việt Nam và Trung tâm Phòng chống Tin giả với khả năng xử lý 300 triệu nội dung/ngày, áp dụng công nghệ phân tích để nhận diện và loại bỏ tin sai sự thật.
Những ứng dụng này giúp người dân dễ dàng cập nhật thông tin, theo dõi cảnh báo về những chiêu thức lừa đảo mới và trang bị kiến thức cần thiết để bảo vệ trước những tin xấu độc, tin giả tràn lan trên không gian mạng.
Việc đảm bảo ATTT cho hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia chính là bảo vệ không gian mạng quốc gia và góp phần xây dựng nền móng vững chắc cho công cuộc chuyển đổi số của dân tộc./.