Hà Nội triển khai 3 giai đoạn để giao thông thông minh

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 17:11, 03/12/2024

Theo đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hệ thống giao thông thông minh tạo ra nguồn dữ liệu số mới từ việc đi lại của người dân, phương tiện giao thông... để doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới gia tăng giá trị.
Chuyển đổi số

Hà Nội triển khai 3 giai đoạn để giao thông thông minh

NK 03/12/2024 17:11

Theo đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hệ thống giao thông thông minh tạo ra nguồn dữ liệu số mới từ việc đi lại của người dân, phương tiện giao thông... để doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới gia tăng giá trị.

Ngày 3/12, trong khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh (TPTM) Việt Nam - Châu Á 2024, đã diễn ra phiên hội thảo “Di chuyển xanh, thông minh cho đô thị thông minh, phát triển bền vững".

Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp cùng Sở TT&TT TP. Hà Nội tổ chức.

Ba giai đoạn phát triển hệ thống thông minh của Hà Nội

Chia sẻ về chủ đề “Phát triển hệ thống giao thông thông minh của thành phố Hà Nội đến năm 2030”, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải cho biết, qua kinh nghiệm thực tiễn triển khai trên thế giới cho thấy, việc hình thành phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) giữ vai trò quan trọng, có tính nền tảng và là một trong các trụ cột chính của TPTM.

Trong nhiều năm qua, Hà Nội bước đầu đã xây dựng hệ thống hạ tầng GTVT theo quy hoạch, từng bước ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác quản lý, điều hành giao thông. Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống GTVT hiện chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của người dân. Trong đó, tình trạng ùn tắc giao thông, tỷ lệ tai nạn giao thông, tốc độ gia tăng phương là những thách thức lớn với các cơ quan quản lý giao thông thành phố.

“Giải pháp hiệu quả cho những bài toán đó là ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác quản lý, điều hành giao thông”, ông Đỗ Việt Hải bày tỏ.

gdd_5637-copy.jpg
Ông Đỗ Việt Hải: Lộ trình phát triển cho hệ thống giao thông thông minh của Thành phố sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn.

Để rồi, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp như giám sát giao thông bằng camera, giám sát các phương tiện vận tải bằng thiết bị giám sát hành trình, xây dựng một số ứng dụng phục vụ đỗ xe, tìm tuyến xe bus,... Đây là những tiền đề đầu tiên để triển khai hệ thống giao thông thông minh ITS trong thành phố.

Theo ông Hải, nhận thức được vai trò của giao thông thông minh trong cấu trúc hình thành đô thị thông minh cũng như trên cơ sở chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở GTVT đã khẩn trương nghiên cứu lập và trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt “Đề án Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội”, trong đó đã xác định quản lý khai thác hạ tầng giao thông một cách hiệu quả để từ đó giảm ùn tắc, tiết kiệm chi phí đi lại, tạo điều kiện tối đa cho việc vận chuyển hành khách và hàng hóa, cung cấp thông tin giao thông chính xác, khai thác tối ưu hạ tầng giao thông hiện tại.

Thứ hai, việc ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng lực quản lý, phát huy tối đa hiệu quả khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông: Cung cấp thông tin cho việc xây dựng chỉnh sách, xử lý khẩn cấp các sự cố giao thông; Điều tiết việc đi lại của phương tiện trên đường bằng biển bảo thông tin thay đổi; Quản lý ùn tắc và sự cố để duy trì mức độ phục vụ tốt người tham gia giao thông;

Cuối cùng, Đề án nhằm bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, giảm thiểu tai nạn và thân thiện với môi trường.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ kinh nghiệm thế giới và góp ý của 3 tập đoàn lớn (VNPT, Viettel, FPT), lộ trình phát triển cho hệ thống giao thông thông minh của Thành phố sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 từ năm 2025 - 2027, hình thành và đưa vào khai thác vận hành Trung tâm quản lý và điều hành giao thông TP. Hà Nội với các 9/12 chức năng như giám sát giao thông, cung cấp thông tin giao thông, điều khiển giao thông, hỗ trợ xử lý vi phạm an toàn giao thông, quản lý đỗ xe...

Giai đoạn 2 (năm 2028 - 2030) sẽ mở rộng phạm vi và hoàn thiện, đưa vào khai thác các chức năng còn lại gồm quản lý vận tải, quản lý nhu cầu và mô phỏng giao thông.

Giai đoạn cuối cùng sau năm 2030, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống giao thông thông minh Thành phố, kết hợp đồng bộ cùng sự phát triển của hạ tầng giao thông, tạo nên di chuyển thông minh trong TPTM, đưa Hà Nội trở thành có hệ thống quản lý, điều hành giao thông tiên tiến ngang tầm khu vực.

Theo đại diện Sở GTVT, từ ngày 1/1/2025, Hà Nội sẽ áp dụng giải pháp thẻ vé liên thông thông minh và cũng là một trong số những thành phố đầu tiên trên cả nước ban hành quy định về hệ thống kỹ thuật của thẻ vé liên thông. Nhờ đó, chúng ta có thể sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) hay thẻ ngân hàng để tham gia sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

“Hệ thống giao thông thông minh sẽ giúp hỗ trợ công tác quản lý nhà nước hiệu quả, minh bạch; góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, giảm chỉ phí đi lại và vận hành; cung cấp dịch vụ chất lượng, thuận tiện cho người dân”, ông Hải khẳng định.

Đặc biệt, hệ thống giao thông thông minh sẽ tạo ra nguồn dữ liệu số mới, là tài nguyên mới cho các doạnh nghiệp phát triển sản phẩm gia tăng giá trị. Trong đó, những dữ liệu số mà Sở GTVT có thể cung cấp là dữ liệu đi lại của người dân cũng như phương tiện giao thông tại mỗi khu vực. Hay nói một cách khác, giao thông thông minh sẽ tạo ra một nguồn thu đáng kể cho ngành GTVT Hà Nội trong tương lai nếu như biết cách khai thác.

“Xây dựng TPTM là ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ để giải quyết một số vấn để cấp bách của đô thị. Do vậy, muốn có TPTM thì phải có giao thông thông minh. Đây là một lĩnh vực mới và khó nhưng tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới TP. Hà Nội sẽ sớm hình thành được hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn”, ông Hải kết luận.

gdd_5657.jpg
Toàn cảnh phiên hội thảo “Di chuyển xanh, thông minh cho đô thị thông minh, phát triển bền vững".

Di chuyển xanh cho TPTM

Tại Hội thảo, bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc Đối ngoại của Grab Việt Nam, đã chia sẻ về những đóng góp của Grab việc di chuyển xanh, thông minh bằng cách tối ưu hóa hoạt động nhờ ứng dụng các giải pháp công nghệ và kinh doanh bền vững và triển khai các chương trình hướng tới môi trường bền vững như chuyển đổi sang phương tiện có mức phát thải thấp, triển khai các chương trình giảm thiểu và loại bỏ carbon.

Theo bà Trang, Grab không thể giảm thiểu số lượng xe vì phục vụ nhu cầu của khách hàng nhưng đơn vị này có thể rút ngắn khoảng cách thời gian tài xế phải di chuyển giữa các điểm đón khách, từ đó tiết kiệm thời gian nguồn lực cho xã hội, giảm lượng phát thải ra môi trường.

Để làm được điều này, Grab có một số tính năng như gợi ý lộ trình để tài xế có thể chọn được con đường ngắn nhất, tránh được các khu vực ùn tắc. Thậm chí, với một phương tiện, tài xế có thể tham gia nhiều dịch vụ khác nhau từ GrabFood (giao đồ ăn), đến giao hàng..., giúp giảm thiểu quãng đường di chuyển, giảm lượng phát thải ra môi trường.

Hay với GrabFood, tính năng ghép đơn hàng giúp giảm thiểu số lượng xe hoạt động trên đường phố, tiết kiệm thời gian di chuyển so với việc mỗi đơn hàng sử dụng một phương tiện riêng. Hiện 1/3 số đơn hàng GrabFood trên nền tảng được ghép đơn và làm giảm 27 ngàn tấn C02 được thải ra môi trường.

Theo bà Trang, để tối ưu hóa hiệu quả khai tham gia giao thông trên dịch vụ GrabCar/GrabBike, đơn vị này đã triển khai dịch vụ đi chung xe tại một số thị trường Đông Nam Á hay phát triển hình thức vận chuyển đa phương thức khi khách hàng có thể đi xem buýt kết hợp GrabBike, GrabCar.

Tiếp theo, Grab chuyển đổi sang phương tiện có mức phát thải thấp bằng cách thử nghiệm xe máy điện giao hàng và khuyến khích tài xế chuyển đổi xe điện.

Trong khi đó, ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc thương mại, Phenikaa-X cho biết, xe tự hành thông minh đang là xu hướng công nghệ tương lai trên thế giới khi mà các quốc gia phát triển như Trung Quốc, Mỹ đã đầu tư phát triển lĩnh vực này. Tại Việt Nam, Phenikaa đang phát triển lĩnh vực này và kỳ vọng công nghệ xe tự hành thông minh sẽ trở nên phổ biến.

Xe tự hành của Phenikaa sử dụng công nghệ bao gồm: Dữ liệu từ cảm biến LIDAR để phát hiện vật cản trên đường; Trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu từ cảm biến, từ đó đưa ra các thuật toán tránh vật cản một cách an toàn; Camera để thu thập tín hiệu hình ảnh, kết hợp với AI để phân tích dữ liệu và đưa ra thuật toán tránh vật cản an toàn; Mạng 5G để theo dõi theo thời gian thực.

Tại Việt Nam, sản phẩm xe tự hành của Phenikaa đã triển khai tại Bình Dương (dự án của Becamex), TP. Hồ Chí Minh (dự án của Sơn Kim Land tại Quận 9)... để đưa đón khách hàng.

Ngoài vận chuyển người, theo ông Hiệp, xe tự hành còn có thể ứng dụng trong các trang trại, vệ sinh thành phố hay chuyên chở hàng hóa./.

NK