Cà Mau giải quyết việc làm cho hơn 47.000 người lao động, đạt 117,1% kế hoạch

Truyền thông - Ngày đăng : 17:18, 30/11/2024

Cà Mau xác định đào tạo nghề và giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động tư vấn hướng nghiệp và đào tạo nghề được chú trọng, giúp nâng cao kỹ năng lao động, tạo cơ hội để người học nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định.
Truyền thông

Cà Mau giải quyết việc làm cho hơn 47.000 người lao động, đạt 117,1% kế hoạch

Đỗ Thêu 30/11/2024 17:18

Cà Mau xác định đào tạo nghề và giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động tư vấn hướng nghiệp và đào tạo nghề được chú trọng, giúp nâng cao kỹ năng lao động, tạo cơ hội để người học nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định.

ca-mau-huong-nghiep.jpg
Cà Mau xác định đào tạo nghề và giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội.

Theo thông tin từ Sở Lao động và Thương binh, Xã hội tỉnh Cà Mau, lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 11/2024, tổng số lao động tại Cà Mau được giải quyết việc làm đạt 47.175 người, vượt 117,1% so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, số lao động tìm được việc làm trong tỉnh là 16.730 người, ngoài tỉnh là 29.984 người. Đặc biệt, có 461 lao động Việt Nam được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mở ra nhiều cơ hội nâng cao thu nhập và kỹ năng nghề nghiệp trong môi trường quốc tế. Đây là kết quả của những nỗ lực trong việc thúc đẩy các chương trình tạo việc làm, hỗ trợ kết nối thị trường lao động, và tư vấn nghề nghiệp trên địa bàn.

Cà Mau xác định đào tạo nghề và giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được các mục tiêu về đào tạo nghề và giải quyết việc làm, các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm, triển khai mạnh mẽ các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp và đào tạo nghề. Những nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao kỹ năng lao động mà còn tạo cơ hội để người học nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của địa phương.

Các trường nghề trên địa bàn tỉnh cũng tập trung đầu tư trang thiết bị thực hành hiện đại, đồng thời gắn nội dung đào tạo với thực tế tại các doanh nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề, trong đó nhấn mạnh đến thực hành, với thời lượng chiếm từ 60-70% tổng chương trình đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương trình đào tạo nghề cũng được các trường điều chỉnh, cập nhật hàng năm để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng và xu thế của thị trường lao động. Ngoài ra, học sinh, sinh viên thường xuyên được đưa đến thực tập tại các công ty, doanh nghiệp, giúp các em tiếp cận môi trường làm việc thực tế, nâng cao kỹ năng và chuẩn bị sẵn sàng cho công việc sau khi ra trường. Sự chuyển đổi linh hoạt và chú trọng chất lượng đào tạo nghề không chỉ mở ra hướng đi mới trong giải quyết việc làm mà còn góp phần nâng cao năng lực lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ngày 28/11 vừa qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Cà Mau tổ chức buổi tư vấn hướng nghiệp cho 175 học sinh, nhằm triển khai Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Tại buổi tư vấn, đại diện các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã cung cấp thông tin về các chương trình đào tạo, ngành nghề, hình thức tuyển sinh, chính sách hỗ trợ và miễn giảm học phí trong đào tạo nghề. Đây là cơ hội giúp các học sinh có nhu cầu học nghề tiếp cận với thông tin tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Buổi tư vấn cũng giúp các em tìm hiểu thêm về các ngành nghề tiềm năng, chính sách hỗ trợ học phí, quy trình ứng tuyển và các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Các em được định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu thị trường lao động, từ đó có thể đưa ra quyết định đúng đắn cho tương lai nghề nghiệp của mình.

Đỗ Thêu