Yếu tố để Đà Nẵng đạt giải thưởng danh hiệu thành phố thông minh Việt Nam 2024
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 17:36, 03/12/2024
Yếu tố để Đà Nẵng đạt giải thưởng danh hiệu thành phố thông minh Việt Nam 2024
Đà Nẵng một lần nữa khẳng định danh hiệu Thành phố đáng sống, đáng đến của thế giới khi nhận danh hiệu Thành phố Điều hành, quản lý thông minh.
Chiều 3/12, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã tổ chức Lễ công bố và Vinh danh Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam (TPTM) 2024.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của Hội nghị Thành phố Thông minh Việt Nam - Châu Á 2024 và được tổ chức lần đầu tiên năm 2020 nhằm tôn vinh những địa phương, tổ chức và doanh nghiệp tiên phong, tiêu biểu trong hành trình xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững tại Việt Nam
Các TPTM đáp ứng tiêu chí ESG
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA nhấn mạnh, việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này tại các địa phương, tỉnh, thành phố thời gian qua đã có những tiến bộ tích cực, thay đổi chất lượng, kể đến như TP. Đà Nẵng, TP. Thủ Đức, TP. Tây Ninh, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…
Về cơ bản các thành quả đạt được đáng chú ý nữa chính là các ĐTTM đều đã hoàn thiện các hạ tầng cơ bản như: Dữ liệu, truyền dẫn, và giải pháp, xây dựng những ứng dụng thông minh để hướng tới phục vụ người dân, DN.
“Đặc biệt, các thành phố lớn, đã tiên phong trong xu hướng thành phố thông minh (TPTM) gồm 2 thành phần kinh tế tham gia và 2 quá trình CĐS và chuyển đổi xanh (tiêu chí ESG)”, Chủ tịch VINASA nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch VINASA, với những yếu tố kết quả tích cực đạt được trên, cùng với những chính sách ban hành kịp thời cùng cách làm, phương thức áp dụng các công nghệ số tiên tiến việc phát triển, xây dựng ĐTTM của Việt Nam sẽ nhanh chóng phát triển bền vững, đem lại cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc cho người dân.
Chúc mừng các kết quả tích cực của các đơn vị đạt được, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng, TS. Nguyễn Quân cho biết năm nay các đề cử có chất lượng tốt, hội đồng sơ tuyển đã lựa chọn và bình chọn các đề cử rất xứng đáng. Hơn nữ, các đề cử đều được đánh giá dựa trên các tiêu chí toàn diện: Thông minh - Bền vững - Đổi mới sáng tạo.
Đà Nẵng là hình mẫu của các ĐTTM
Tại Lễ trao giải, Ban tổ chức đa vinh danh, trao 19 Giải thưởng TPTM Việt Nam cho các đơn vị (10 đề cử từ các thành phố; 9 giải pháp công nghệ), đồng thời Hội đồng cũng quyết định khen thưởng nỗ lực phát triển của 1 thành phố.
Nói về các giải thưởng của các đơn vị đạt được, nổi bật là các TPTM đã không ngừng cải tiến, tiên phong ứng dụng công nghệ để thông minh hoá đô thị như: TP. Hà Nội đã tiên phong đổi mới dịch vụ công và hạ tầng thông minh với danh hiệu Thành phố Dịch vụ Công thông minh; Thành phố Hạ tầng thông minh. Đặc biệt, Hà Nội đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn Thành phố, đạt 99,99%.
Đồng thời, đơn vị này đã triển khai mạng di động 4G và hạ tầng cáp quang đến 100% tại các xã/phường/thị trấn; tỷ lệ điện thoại thông minh đạt 90%; số thuê bao di động băng rộng đạt tỷ lệ 121%; 5G, dự kiến triển khai đến hết năm 2024 lắp đặt khoảng 2000 trạm 5G.
Cũng tích cực như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh được vinh danh tại hạng mục: Thành phố Điều hành, quản lý thông minh (IOC). Qua mô hình này, TP. Hồ Chí Minh đã không ngừng mở rộng hệ sinh thái ĐTTM, khuyến khích và đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến, phục vụ mọi mặt đời sống cho hơn 11 triệu dân cư qua nhiều lĩnh vực (Tuyển sinh đầu cấp trực tuyến; giám sát giao thông, điều khiển tín hiệu đèn, hỗ trợ xử lý vi phạm; tài nguyên và môi trường số; quản lý đầu tư công…).
TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cũng đã đạt danh hiệu Thành phố Giáo dục thông minh khi triển khai thành công: Nền tảng quản trị nhà trường tích hợp không gian làm việc số tới 100% cơ sở giáo dục; đạt 100% thủ tục hành chính (TTHC) có đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức 4; đạt trên 90% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; đạt trên 80% cuộc họp của Phòng Giáo dục đào tạo (GDĐT) với các cơ sở giáo dục được tổ chức theo hình thức hội nghị trực tuyến.
Đặc biệt đạt danh hiệu cao nhất, TP. Đà Nẵng một lần nữa khẳng định danh hiệu Thành phố đáng sống, đáng đến của thế giới khi nhận danh hiệu Thành phố Điều hành, quản lý thông minh (IOC); Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Thành phố Quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch.
Theo đó, việc quản lý và điều hành thông minh với Trung tâm IOC của Đà Nẵng đã phát huy khi đạt tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình cao nhất cả nước đạt 95% (trung bình tỉnh thành là 55%); tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình là 65% (trung bình tỉnh thành là 17%).
Đà Nẵng còn là hình mẫu trong quản lý mội trường thông minh với 36 trạm quan trắc kết nối trực tiếp đến thiết bị di động, hệ thống xử lý nước thải với tổng công suất 33700 mét khối trên ngày đêm.
Và ở lĩnh vực đổi mới sáng tạo, Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp với gần 9000 DN mới thành lập từ 2022-2023...
Đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%. Tỷ lệ đô thị hóa ngang tầm của Châu Á. Đô thị hóa đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội. Kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.
Việt Nam đang vươn mình trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045. Và để đạt được mục tiêu trên, các nhà quản lý định hướng đến năm 2030: Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; số lượng đô thị từ 1.000 - 1.200 đô thị./.