Nếu một quốc gia không có nhà máy chế tạo chip thì chưa thể gọi là quốc gia bán dẫn
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 17:45, 03/12/2024
Nếu một quốc gia không có nhà máy chế tạo chip thì chưa thể gọi là quốc gia bán dẫn
Công nghiệp bán dẫn được biết đến là ngành công nghiệp chiến lược quan trọng trên toàn cầu và Việt Nam đang tham gia một cách mạnh mẽ hơn vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn cầu.
Trong công thức C=SET+1, Việt Nam là một trong ít nước “+1” và thu hút FDI trong tất cả các công đoạn
Tại hội thảo chuyên đề “Chiến lược công nghiệp bán dẫn, động lực mới cho Việt Nam và Hà Nội” trong khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh (TPTM) Việt Nam - Châu Á 2024 chiều 3/12, ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội cho biết, Việt Nam đang có những lợi thế nhất định trong ngành công nghiệp bán dẫn, từ tình hình địa chính trị, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nguyên liệu phong phú đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào và cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển.
Đặc biệt, Việt Nam đang sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào với trữ lượng đất hiếm đứng thứ 2 thế giới. Theo số liệu thống kê do Cục khảo sát địa chất Mỹ năm 2022 công bố, trữ lượng đất hiếm của Việt Nam chiếm 18% tổng trữ lượng đất hiếm toàn thế giới, khoảng 22 triệu tấn, chỉ sau Trung Quốc với trữ lượng 44 triệu tấn.
Do đó, Việt Nam đang trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài và đã thu hút được được lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI), cũng nhận định Việt Nam là trung tâm bán dẫn mới nổi trong khu vực.
Cụ thể, đại diện SEMI cho biết sự ổn định chính trị và quyết tâm lớn của Chính phủ trong thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là một thuận lợi lớn của Việt Nam. Vị trí địa lý thuận lợi, tỷ lệ dân số trẻ và đam mê công nghệ và đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) FDI đang đặt niềm tin mạnh mẽ vào Việt Nam, góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước.
Theo bà Linda Tan, các tập đoàn toàn cầu như Samsung, Amkor, Intel, Micron, Marvell, Infineon… đều có nhà máy tại Việt Nam, “củng cố thêm vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), bán dẫn đang thay đổi và định hình thế giới chúng ta đang sống.
Ngành công nghiệp bán dẫn có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, quy mô thị trường dự kiến sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Chia sẻ về bối cảnh phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Lịch cho biết thế giới đang cơ cấu lại ngành công nghiệp bán dẫn theo mô hình “X+1”, “Việt Nam có thể là một trong ít nước “+1” và thu hút FDI trong tất cả các công đoạn.
Cụ thể, ngành công nghiệp bán dẫn đang được phát triển theo công thức: C=SET+1, trong đó C chính là chip bán dẫn, S là Specialized (Chuyên dụng, Chip chuyên dụng), E là Electronics (Điện tử, Công nghiệp điện tử), T là Talent (Nhân tài, Nhân lực) và +1 chính là hợp tác quốc tế, trong đó Việt Nam đang đóng một vai trò quan trọng của mối hợp tác này.
Mục tiêu kinh tế và nhân lực trong phát triển bán dẫn của Việt Nam
Lộ trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam được chia thành 3 giai đoạn từ năm 2024 - 2050. Trong đó, giai đoạn 1 (2024 - 2030) tập trung vào việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) một cách chọn lọc.
Giai đoạn 2 (2030 - 2040) hướng đến phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử thông qua sự kết hợp giữa năng lực tự cường trong nước và nguồn vốn FDI.
Giai đoạn 3 (2040 - 2050) đặt mục tiêu làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn và điện tử, khẳng định vị thế tiên phong trong ngành công nghiệp này.
Cụ thể hơn, Việt Nam cũng đã đặt ra các mục tiêu phát triển kinh tế bán dẫn trong ba giai đoạn. Ở giai đoạn 1, Việt Nam đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng doanh thu công nghiệp bán dẫn trên 25 tỷ USD/năm và doanh thu công nghiệp điện tử trên 225 tỷ USD/năm, với tốc độ tăng trưởng từ 10 - 15%.
Giai đoạn 2 hướng đến tăng trưởng doanh thu công nghiệp bán dẫn vượt 50 tỷ USD/năm và doanh thu công nghiệp điện tử trên 485 tỷ USD/năm, với tốc độ tăng trưởng từ 15 - 20%. Giai đoạn 3 đặt mục tiêu doanh thu công nghiệp bán dẫn vượt 100 tỷ USD/năm và doanh thu công nghiệp điện tử trên 1.045 tỷ USD/năm, với tốc độ tăng trưởng từ 20 - 25%.
Đối với các mục tiêu phát triển nhân lực, Việt Nam sẽ đào tạo và phát triển 50.000 kỹ sư và cử nhân bán dẫn đến năm 2023. Sau đó, từ năm 2030 - 2040 sẽ mở rộng quy mô đào tạo lên 100.000 kỹ sư và cử nhân.
Giai đoạn thứ ba, đến năm 2050 sẽ tập trung vào việc điều chỉnh và phát triển nhân lực phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Việt Nam đã đặt ra các đề án, nhiệm vụ đột phá như nghiên cứu, thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư để giảm thiểu ảnh hưởng của thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu; Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; Đề án nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, sản phẩm chip chuyên dụng đột phá thế hệ mới đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Đề án thành lập, hỗ trợ thành lập một số trung tâm, viện nghiên cứu về công nghiệp bán dẫn do Bộ TT&TT chủ trì, thực hiện trong thời gian từ năm 2026 - 2027. Việt Nam cũng có Đề án thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử Việt Nam; Đề án phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại một số địa phương, doanh nghiệp trọng điểm đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 do Bộ TT&TT chủ trì…
Nếu một quốc gia không có nhà máy chế tạo chip thì chưa thể gọi là quốc gia bán dẫn
Mặc dù có nhiều thuận lợi, song Việt Nam cũng đối mặt nhiều thách thức và cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng. Trải qua giai đoạn đứt gãy chuỗi cung ứng trong đại dịch, các nước trên thế giới nhìn nhận rõ hơn tầm quan trọng của chất bán dẫn.
Do đó, nhiều nước, vùng lãnh thổ đang đua nhau để cải thiện ngành công nghiệp bán dẫn như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan.... là thách thức lớn đối Việt Nam.
Hơn nữa, trong công cuộc phát triển và ghi tên mình vào bản đồ bán dẫn thế giới, theo ông Nguyễn Khắc Lịch, nếu một quốc gia không có nhà máy chế tạo chip thì chưa thể gọi là quốc gia bán dẫn. Hiện nay, Việt Nam đã đặt mục tiêu có ít nhất 1 nhà máy trong giai đoạn 1 của Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT, Việt Nam ước tính sẽ cần đầu tư ít nhất 1 tỷ USD cho một nhà máy quy mô nhỏ, chất lượng cao, giải quyết được nhu cầu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip bán dẫn, giúp Việt Nam đóng góp vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ nay cho tới năm 2030.
Ngoài ra, để tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, Việt Nam không thể đi theo ngành công nghiệp điện tử truyền thống mà cần phát triển ngành công nghiệp điện tử thế hệ mới song hành với ngành công nghiệp bán dẫn.
“Việt Nam cần làm chủ nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử, nếu không muốn trở thành một đất nước gia công, trong đó phát huy lợi thế địa chính trị, đi theo xu hướng đầu tư, chú trọng đến phát triển hạ tầng điện, nước cũng như có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ…”, ông Lịch nói.
Trước mắt, Việt Nam cần có một nhà máy chế tạo chip, quy mô nhỏ nhưng có công nghệ cao để giải quyết nhu cầu trong nước, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời đảm bảo an ninh, quốc phòng trong trường hợp đứt gãy chuỗi cung ứng./.