Kiện toàn tổ chức bộ máy tham mưu, chuyên trách về chuyển đổi số ở địa phương: Giải pháp quan trọng xóa bỏ các điểm nghẽn
Truyền thông - Ngày đăng : 14:43, 28/11/2024
Kiện toàn tổ chức bộ máy tham mưu, chuyên trách về chuyển đổi số ở địa phương: Giải pháp quan trọng xóa bỏ các điểm nghẽn
Ngày 26/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1690/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là văn bản pháp lý quan trọng để các bộ ngành trung ương, đặc biệt là địa phương khắc phục những bất cập tồn tại lâu nay được xác định là “điểm nghẽn” trong chuyển đổi số.
Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định trong công tác chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương. Một trong những bất cập được xác định là điểm nghẽn cần sớm khắc phục đó là bộ máy tổ chức, nhân lực cho chuyển đổi số chưa đồng bộ, còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng.
Theo đó, việc triển khai quyết định 1690/QĐ/TTg của Chính phủ, ở cấp địa phương là giải pháp quan trọng khắc phục những tồn tại lâu nay trong nhiệm vụ chuyển đổi số. Nhận thức rõ tầm quan trọng này, nhiều tỉnh thành đã chủ động, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ kiện toàn tổ chức bộ máy tham mưu, chuyên trách về chuyển đổi số.
Điển hình như tại Quảng Ngãi, ngày 5/4/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 87/KH-UBND triển khai thực hiện đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về Chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Kế hoạch xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tổ chức kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin; tăng cường bố trí biên chế từ nguồn biên chế được giao của cơ quan đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ, giải pháp mới về Chuyển đổi số; 100% sở, ban, ngành tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã chú trọng bố trí bộ phận hoặc đầu mối thực hiện nhiệm vụ, giải pháp Chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị; 100% các tổ chức, cá nhân tham gia Mạng lưới Chuyển đổi số được tiếp cận và sử dụng các nền tảng số và bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về Chuyển đổi số.
Định hướng đến năm 2030, hình thành mạng lưới chuyển đổi số của tỉnh, hoạt động hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với mạng lưới chuyển đổi số quốc gia triển khai nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Hàng năm bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho 100% đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị, địa phương phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng giao Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch này. Trên cơ sở các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Kế hoạch này, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện hoặc lồng ghép nội dung thực hiện vào các chương trình, kế hoạch thực hiện Chuyển đổi số của tỉnh, địa phương và của từng đơn vị để triển khai hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tiến độ…
Tương tự, tại tỉnh Sóc Trăng, ngày 10/10/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 156/KH-UBND, triển khai thực hiện Đề án "Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Theo đó, kế hoạch đặt ra những mục tiêu cụ thể cho giai đoạn từ nay đến năm 2025, trong đó tập trung vào kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực các cơ quan, đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin.
Cụ thể là việc kiện toàn tổ chức bộ máy. Tăng cường biên chế cho các đơn vị quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, bao gồm Sở Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị trực thuộc. Mục tiêu là đảm bảo các đơn vị có đủ nguồn nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mới liên quan đến chuyển đổi số; Bố trí bộ phận chuyển đổi số: 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện và cấp xã sẽ có bộ phận hoặc đầu mối chịu trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số…
Về định hướng đến năm 2030, Sóc Trăng đặt mục tiêu hình thành mạng lưới chuyển đổi số của tỉnh, hoạt động hiệu quả và phối hợp đồng bộ với mạng lưới chuyển đổi số quốc gia. Các nhiệm vụ chuyển đổi số sẽ được triển khai một cách toàn diện, gắn liền với việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức…
Trong bối cảnh hiện nay, không chỉ riêng 2 tỉnh Quảng Ngãi và Sóc Trăng, hiện tại các tỉnh thành trên cả nước đều đang khẩn trương, quyết liệt triển khai kiện toàn tổ chức bộ máy tham mưu, chuyên trách về chuyển đổi số theo nội dung Quyết định số 1690/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Quyết định số 1690/QĐ-TTg đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của đơn vị chuyên trách về CNTT, chuyển đổi số ở trung ương và địa phương, khẳng định tính chính thống của đơn vị chuyên trách về CNTT, chuyển đổi số trong việc điều phối toàn bộ mạng lưới chuyển đổi số rộng khắp đến tận cơ sở.
Đồng thời, thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công cuộc chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Qua đó, có thể thấy, việc các địa phương quyết liệt triển khai Đề án "Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số" không chỉ là một bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực chuyển đổi số của tỉnh mà cũng là triển khai nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để hoàn thiện bộ khung vững chắc nhằm xây dựng một chính phủ số trong tương lai./.