Phát huy sức mạnh nhân dân trong công tác đối ngoại
Truyền thông - Ngày đăng : 16:16, 04/12/2024
Phát huy sức mạnh nhân dân trong công tác đối ngoại
Trong bối cảnh thế giới ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng, đối ngoại nhân dân cần tiếp tục phát huy vai trò “ngoại giao tâm công”, cùng với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước tạo nên sức mạnh tổng hợp của mặt trận đối ngoại, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đối ngoại nhân dân là một hình thức đặc sắc của nền ngoại giao Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức và lãnh đạo ngay từ những ngày đầu cách mạng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại nhân dân bao gồm các quan điểm lớn về lợi ích quốc gia - dân tộc, về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, về độc lập, tự chủ, tự cường gắn với đoàn kết và hợp tác quốc tế, mở rộng quan hệ đối ngoại, “thêm bạn, bớt thù”, “ngoại giao tâm công”...
Chủ trương triển khai công tác đối ngoại nhân dân được đề cập ở những mức độ khác nhau từ Đại hội II của Đảng (năm 1951) và tiếp tục được phát triển qua các kỳ Đại hội. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng (tháng 1/2021) đã lần đầu tiên xác định: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Đây là một bước phát triển quan trọng trong nhận thức của Đảng ta về vai trò và vị trí của đối ngoại nhân dân trong giai đoạn hiện nay.
Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại nhân dân
Phát huy vai trò là một trụ cột trong nền ngoại giao Việt Nam, từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, công tác đối ngoại nhân dân đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cùng với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước tạo nên những điểm sáng nổi bật của nền ngoại giao Việt Nam.
Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam với vai trò nòng cốt trong đối ngoại nhân dân, trong những năm qua đã cùng các tổ chức thành viên chủ động triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân với sự phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội, liên hiệp các tổ chức hữu nghị và nhiều tổ chức quần chúng tham gia.
MTTQ, các đoàn thể, tổ chức nhân dân đã tích cực thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, qua đó góp phần củng cố, tăng cường, tạo nền tảng xã hội thuận lợi cho quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước.
Các tổ chức nhân dân của Việt Nam đã củng cố và phát triển quan hệ với hàng nghìn tổ chức, đối tác, ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nước bạn bè truyền thống, các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Nhiều thỏa thuận hợp tác song phương đã được các tổ chức nhân dân của Việt Nam ký kết với các đối tác nhằm thúc đẩy hợp tác ngày càng có trọng tâm, thiết thực và hiệu quả.
Các hoạt động hợp tác được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như trao đổi đoàn, giao lưu hữu nghị, thăm hỏi, chúc mừng nhân các dịp lễ, Tết, tọa đàm, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hoạt động tình nguyện, nhân đạo, trao và nhận các hình thức khen thưởng, kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước.
Bên cạnh việc phát triển quan hệ song phương, MTTQ, các đoàn thể và tổ chức nhân dân đã quán triệt chủ trương “nâng tầm đối ngoại đa phương”, “giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế”; trên cơ sở đó, tích cực tham gia các hoạt động đa phương và phát huy vai trò, trách nhiệm, sáng kiến tại các cơ chế đa phương mà Việt Nam là thành viên.
Một số đoàn thể, tổ chức nhân dân tham gia đảm nhiệm tốt vai trò lãnh đạo tại các cơ chế hợp tác đa phương quốc tế và khu vực, cũng như chủ động nghiên cứu, gia nhập nhiều cơ chế hợp tác đa phương quốc tế và khu vực mới trên các lĩnh vực hoạt động đa dạng. Đồng thời, tích cực phối hợp với các đối tác tổ chức, đăng cai nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực,…
Trong quá trình tham gia các cơ chế và hoạt động đa phương, các tổ chức nhân dân Việt Nam đã chủ động đề xuất nhiều biện pháp, sáng kiến hợp tác, phản ánh sự quan tâm, tham gia phù hợp và đóng góp tích cực vào các hoạt động của nhân dân khu vực và thế giới vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Cùng với đó, đối ngoại nhân dân còn được thể hiện tích cực trong công tác thông tin đối ngoại (TTĐN) và bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo như áp dụng công nghệ số, lồng ghép nội dung TTĐN trong hoạt động chuyên môn của tổ chức để tuyên truyền về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam; quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật Việt Nam; các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, qua đó cung cấp thông tin sinh động, phong phú đến bạn bè quốc tế và nhân dân thế giới.
Các đoàn thể, tổ chức nhân dân cũng có nhiều nỗ lực trong công tác vận động nguồn lực nước ngoài và triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước.
Ngoài ra, đối ngoại nhân dân còn được đẩy mạnh qua các hoạt động như giao lưu văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, và du lịch...
Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong bối cảnh mới
Trong định hướng phát triển giai đoạn sắp tới, cùng với những mục tiêu, tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2030 và năm 2045 thì các yêu cầu với đối ngoại nói chung, đối ngoại nhân dân nói riêng cũng được đặt ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều cơ hội, thách thức mới, đòi hỏi những yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn.
Theo đó, MTTQ Việt Nam với vai trò nòng cốt không chỉ cần đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa từng tổ chức, có sự phân vai rõ trong hoạt động đối ngoại nhân dân mà còn cần chú trọng đến việc phát huy vai trò nòng cốt của các hội thân nhân người Việt Nam ở nước ngoài, quan tâm xây dựng mạng lưới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, MTTQ cũng cần nắm bắt được những biến chuyển mới của tình hình thế giới để đưa ra những giải pháp dài hơi trong công tác đối ngoại nhân dân. Đồng thời, hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên vẫn phải tuân thủ nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển của Đảng, Nhà nước.
Cụ thể, cần thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các tổ chức đối tác; củng cố quan hệ với các đối tác truyền thống và tích cực chủ động mở rộng hợp tác với các tổ chức tương đồng ở các nước để mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới.
Các tổ chức nhân dân nói chung cũng cần chú trọng xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể nhằm củng cố bộ máy tổ chức, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát triển đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, phát huy tốt vai trò và thế mạnh đặc thù trong công tác.
Đồng thời, các lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân cần tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu; chủ động xây dựng và triển khai chiến lược, kế hoạch phát triển quan hệ đối tác song phương và đa phương; nâng cao hiệu quả công tác vận động, đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả trên các lĩnh vực…
Tựu trung lại, đối ngoại nhân dân cần tiếp tục phát huy vai trò “ngoại giao tâm công”, nỗ lực góp phần củng cố, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác của Việt Nam với các nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực; cùng đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước tạo nên sức mạnh tổng hợp của mặt trận đối ngoại, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội./.