Nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả, sát thực tiễn của công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới

Truyền thông - Ngày đăng : 07:19, 05/12/2024

Trong những năm qua, Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Thành công đó có sự đóng góp quan trọng của công tác thông tin đối ngoại.
Truyền thông

Nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả, sát thực tiễn của công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới

Tú Anh 05/12/2024 07:19

Trong những năm qua, Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Thành công đó có sự đóng góp quan trọng của công tác thông tin đối ngoại.

vn.png
Malaysia là Đối tác chiến lược toàn diện thứ 9 của Việt Nam. (Ảnh Tổng Bí thư Tô Lâm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tại buổi họp báo chiều ngày chiều 21/11).

Thông tin đối ngoại góp phần quan trọng tạo dựng vị thế của Việt Nam

Tính đến tháng 9/2024, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước, đến tháng 11/2024 Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 9 quốc gia. Đó là: Trung Quốc (2008), Liên bang Nga (năm 2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (9/2023), Nhật Bản (11/2023), Australia (3/2024), Pháp (10/2024) và Malaysia (21/11/2024).

Đảng ta có quan hệ với hơn 245 chính đảng, ở 111 quốc gia trên thế giới, trong đó có 96 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 28 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính, cho thấy một bối cảnh đối ngoại đảng toàn diện, rộng lớn và đa tầng…

Quốc hội Việt Nam có quan hệ với Quốc hội, Nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài. Việt Nam cũng là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO..

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, những thành công đó có được trước hết là nhờ sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương, sự triển khai chủ động, tích cực, sáng tạo, trên dưới đồng lòng của ngành Ngoại giao. Đồng thời, cũng có phần đóng góp quan trọng của công tác thông tin đối ngoại (TTĐN), góp phần duy trì bức tranh dư luận quốc tế tươi sáng về Việt Nam trong thời gian qua.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng chỉ ra một số đóng góp nổi bật của TTĐN có thể kể đến như: TTĐN đã làm tốt nhiệm vụ giới thiệu chủ trương, đường lối, chính sách, quan điểm, lập trường, tình hình mọi mặt của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Công tác TTĐN đã được triển khai thường xuyên, chủ động, tích cực, bài bản từ trung ương tới địa phương, cả ở trong và ngoài nước. Những nỗ lực đó đã giúp dư luận quốc tế có thêm thông tin về Việt Nam, chia sẻ và ủng hộ lập trường của Việt Nam trong nhiều vấn đề, đánh giá Việt Nam là một đối tác năng động, chủ động và có trách nhiệm.

Thứ hai, TTĐN đã góp phần vào công cuộc phục hồi và phát triển trong bối cảnh đất nước và thế giới mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19. Bộ Ngoại giao và 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên quảng bá về môi trường thuận lợi cho đầu tư – thương mại, điểm đến an toàn hấp dẫn cho du lịch, quảng bá nét đẹp văn hoá, con người Việt Nam... bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức các cuộc hội thảo, các hoạt động xúc tiến, triển lãm ở sở tại, tổ chức các chuyến đi thực tế cho phóng viên nước ngoài tại các địa phương trong nước, thu xếp truyền thông quốc tế phỏng vấn lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo Bộ Ngoại giao.

Nhiều Đại sứ của Việt Nam phát huy vai trò “tuyến đầu”, chủ động tiếp xúc, trả lời phỏng vấn, tận dụng truyền thông mạng xã hội để tiếp cận sâu rộng với công chúng... Có thể nói, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất khi dịch bệnh hoành hành, dư luận nước ngoài vẫn có nhiều nhận định lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam và đến nay, vẫn coi Việt Nam là “kỳ quan” trong bức tranh kinh tế thế giới ảm đạm.

Thứ ba, TTĐN đã góp phần kiên quyết, kiên trì đấu tranh với những hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông; kịp thời phản bác những thông tin bịa đặt, sai sự thật của các thế lực thù địch nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông được dư luận quốc tế ủng hộ, đánh giá cao.

Thứ tư là trong lĩnh vực quyền con người, Việt Nam vẫn được cộng đồng quốc tế nhìn nhận khách quan, tích cực mà minh chứng rõ ràng là việc Việt Nam lần thứ hai bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả, sát thực tiễn của công tác thông tin đối ngoại

Công tác TTĐN là bộ phận quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng và công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngày 15/4/2024 vừa qua, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 47/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.

Chương trình hành động được ban hành nhằm đảm bảo các hoạt động TTĐN được triển khai chủ động, đúng định hướng, được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đem lại hiệu quả thiết thực; hướng tới cách làm mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để đổi mới cách làm TTĐN, tạo hiệu quả đột phá; đo được kết quả rõ ràng hơn, thúc đẩy gia tăng thứ hạng quốc gia tại các bảng xếp hạng có uy tín trên thế giới, phù hợp với lợi ích của Việt Nam nhằm củng cố, nâng cao uy tín, vị thế, hình ảnh Việt Nam trên thế giới.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024 mới đây, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, Ban Chỉ đạo và các lực lượng làm công tác TTĐN tiếp tục nghiêm túc triển khai đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; các Nghị quyết, Kết luận của Đảng về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác TTĐN trong tình hình mới và các văn bản quan trọng khác.

Thống nhất, nâng cao hơn nữa nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với công tác TTĐN, coi đây là một bộ phận rất quan trọng của công tác tư tưởng của Đảng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Song hành với đó, tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nỗ lực tăng cường hiệu quả quan hệ đối tác với các nước lớn, các đối tác quan trọng; ý nghĩa kết quả của chuyến thăm; triển vọng quan hệ hợp tác bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Theo dõi, nắm bắt dư luận để chủ động định huớng công tác thông tin tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; qua đó tạo đồng thuận xã hội, sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân; tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Đẩy mạnh luồng thông tin, tuyên truyền về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam; những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy thông tin về các lĩnh vực mà Việt Nam đang chú trọng.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị tăng cường chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan thành viên của Ban Chỉ đạo, giữa Ban Chỉ đạo Trung ương và các Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố và với các cơ quan đại diện Việt Nam, thường trú báo chí Việt Nam tại nước ngoài. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác nghiên cứu, dự báo và khả năng, cơ chế phản ứng nhanh trước những chuyển biến chiến lược của môi trường quốc tế và khu vực, đảm bảo thế chủ động, ưu thế trên mặt trận truyền thông trong nước và quốc tế.

Nội dung thông tin toàn diện, kịp thời, đảm bảo thông tin tích cực giữ vai trò chủ đạo, tình hình về Đảng, đất nước trên mọi lĩnh vực, tình hình quốc tế đã được thông tin kịp thời, khách quan. Các sự kiện chính trị - xã hội nổi bật của đất nước được các cơ quan chức năng liên quan phối hợp trao đổi thông tin, sớm có sự chỉ đạo thống nhất về nội dung, đồng bộ trong triển khai. Thông tin đậm nét về “bức tranh” kinh tế Việt Nam với nhiều gam màu sáng.

Thông tin toàn diện, kịp thời các hoạt động đối ngoại sôi nổi của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bằng nhiều ngôn ngữ, loại hình; truyền tải đầy đủ các thông điệp đối ngoại quan trọng, thông tin tổng hợp về quan hệ giữa Việt Nam và các nước, phản ánh đóng góp tích cực của Việt Nam vào giải quyết các vấn đề quốc tế, sự tham gia trách nhiệm tại Liên hợp quốc, các cơ chế và tổ chức quốc tế đa phương.

Công tác đổi mới phương thức TTĐN có nhiều bước tiến rõ rệt, kết hợp và phát huy hiệu quả truyền thông truyền thống với truyền thông mới, từng bước nghiên cứu, áp dụng trí tuệ nhân tạo; tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trong TTĐN, không ngừng đổi mới hình thức các ấn phẩm tuyên truyền, cách thức truyền tải thông điệp theo hướng ngắn gọn, sinh động, thuyết phục.../.

Tú Anh