Hải quan Việt Nam đẩy mạnh phòng chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến

Truyền thông - Ngày đăng : 06:44, 07/12/2024

Dự báo tình hình buôn lậu hàng giả tiếp tục có những thay đổi, diễn biến khó lường. Các mặt hàng có nguy cơ cao vi phạm về hàng giả là hàng tiêu dùng, hàng điện máy, linh kiện điện tử, điện và điện tử gia dụng; thực phẩm chức năng, đường cát, tân dược; thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, rượu, sắt thép, phế liệu...
Truyền thông

Hải quan Việt Nam đẩy mạnh phòng chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến

Đỗ Thêu 07/12/2024 06:44

Dự báo tình hình buôn lậu hàng giả tiếp tục có những thay đổi, diễn biến khó lường. Các mặt hàng có nguy cơ cao vi phạm về hàng giả là hàng tiêu dùng, hàng điện máy, linh kiện điện tử, điện và điện tử gia dụng; thực phẩm chức năng, đường cát, tân dược; thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, rượu, sắt thép, phế liệu...

hai-quan-1.jpg
Ngành hải quan kiểm soát chặt chẽ hàng hóa trên thị trường, đẩy mạnh phòng chống hàng giả, hàng buôn lậu.

Tổng cục Hải quan tuyên truyền, phổ biến tài liệu nâng cao kỹ năng phòng chống lừa đảo trực tuyến

Trong bối cảnh lừa đảo trực tuyến ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, Tổng cục Hải quan đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành. Các hoạt động không chỉ hướng đến việc bảo vệ thông tin cá nhân mà còn góp phần xây dựng một môi trường mạng an toàn và phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam.

Thời gian gần đây, nhiều vụ lộ lọt thông tin, lừa đảo trực tuyến đã gây thiệt hại lớn cho các tổ chức và cá nhân. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính đến từ nhận thức của người sử dụng. Trong khi các cuộc tấn công mạng ngày càng tập trung vào con người, thay vì vào các thiết bị kỹ thuật, thì việc nâng cao nhận thức và kỹ năng của mỗi cá nhân trở thành một yếu tố sống còn.

Tổng cục Hải quan hưởng ứng Chiến dịch tuyên truyền “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng năm 2024”, đã gửi công văn đến các đơn vị trực thuộc, yêu cầu tuyên truyền, phổ biến và nghiên cứu các tài liệu nâng cao kỹ năng phòng chống lừa đảo trực tuyến. Không chỉ giới hạn trong phạm vi cơ quan, các cán bộ còn được khuyến khích lan tỏa kiến thức đến cộng đồng và người thân.

Chiến dịch tập trung vào việc truyền tải năm nhóm kỹ năng chính: nhận biết, phát hiện, xử lý, phòng tránh, và bảo vệ. Đây là các bước cơ bản nhưng thiết yếu giúp người dân nâng cao khả năng tự bảo vệ trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, các khóa học trực tuyến như “An toàn thông tin dành cho giáo viên” hay “Làm bạn cùng con trên môi trường số” cũng được tổ chức để trang bị kiến thức cho các đối tượng cụ thể, đảm bảo tính lan tỏa và hiệu quả cao.

Toàn ngành hưởng ứng cuộc thi “Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến”

Ngày 26/11/2024, Tổng cục Hải quan cũng đã phát động toàn ngành hưởng ứng cuộc thi “Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến”. Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong công tác chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời trang bị kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng.

Cuộc thi nhằm góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam.

Cuộc thi cũng nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và các kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội; phổ biến kiến thức, kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, nâng cao nhận thức cho người dân nhằm giảm thiểu các nguy cơ bị lừa đảo trên không gian mạng.

Nội dung cuộc thi tập trung vào các chính sách, pháp luật về chống hàng giả, cách nhận biết hàng thật – hàng giả, cùng với kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến. Cuộc thi kéo dài từ ngày 25/11/2024 đến 26/5/2025, với tổng giá trị giải thưởng lên đến 240 triệu đồng. Các giải thưởng được trao hàng tuần qua bưu điện hoặc tài khoản cá nhân, khuyến khích sự tham gia rộng rãi từ các cá nhân và tổ chức trên cả nước.

Song hành cùng cuộc thi là chương trình “Cào tem chống giả - Nhận ngay may mắn” do công ty VNET tổ chức. Đây là một sáng kiến nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua sản phẩm có tem chống giả VTrue. Khi xác thực tem, khách hàng sẽ có cơ hội tham gia quay thưởng với tổng giá trị giải thưởng lên tới 600 triệu đồng. Chương trình không chỉ tạo thêm động lực cho người tiêu dùng mà còn thúc đẩy việc sử dụng các biện pháp chống giả trong thương mại điện tử.

Hướng đến một không gian mạng an toàn và bền vững

Các hoạt động của Tổng cục Hải quan trong việc phòng chống lừa đảo trực tuyến và chống hàng giả không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức mà còn hướng đến việc tạo dựng một môi trường mạng an toàn và bền vững. Việc trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản cho mỗi cá nhân không chỉ giúp bảo vệ thông tin cá nhân mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội và kinh tế.

hai-quan-2.jpg
Các hoạt động của Tổng cục Hải quan trong việc phòng chống lừa đảo trực tuyến và chống hàng giả không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức mà còn hướng đến việc tạo dựng một môi trường mạng an toàn và bền vững.

Mỗi người dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Hải quan, cần trở thành những người dùng thông minh và an toàn trên không gian mạng. Đây không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Bằng sự nỗ lực chung, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một môi trường số an toàn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại Việt Nam.

Theo Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Văn Hoàn, dự báo tình hình buôn lậu hàng giả, hàng hoá giả mạo tiếp tục có những thay đổi, diễn biến khó lường. Các mặt hàng có nguy cơ cao vi phạm về hàng giả, hàng hóa giả mạo là hàng tiêu dùng; hàng điện máy, linh kiện điện tử, điện và điện tử gia dụng; thực phẩm chức năng, đường cát, tân dược; thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, rượu, sắt thép, phế liệu…

Đáng chú ý, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng hiện được công khai trên các website thương mại điện tử. Điều này đã tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất trong nước, gây tác hại cho nền kinh tế, làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.

Từ tình hình trên, để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu hàng giả, hàng hoá giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp…, Cục Điều tra chống buôn lậu đã tham mưu lãnh đạo Tổng cục Hải quan ban hành Kế hoạch kiểm soát chống buôn lậu hàng giả, hàng hoá giả mạo và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2024.

Theo đó, lãnh đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động nắm tình hình, nâng cao năng lực phân tích, đánh giá trên hệ thống nghiệp vụ hải quan; các nguồn thông tin trong và ngoài Ngành để xác định trọng điểm. Đặc biệt, các cán bộ sẽ tập trung nguồn lực phát hiện, xử lý có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật các vi phạm liên quan đến lĩnh vực hàng giả, hàng hóa giả mạo; giả mạo xuất xứ... trong hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá./.

Đỗ Thêu