Công tác chuyển đổi số tại Ủy ban Dân tộc: Kết quả và những tồn tại, hạn chế

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 14:57, 08/12/2024

Việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của Ủy ban Dân tộc đã được triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực, đẩy nhanh quá trình thực thi các quyết sách liên quan tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, hỗ trợ công tác giáo dục đào tạo, bảo tồn bản sắc văn hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực vùng đồng bào.
Chuyển đổi số

Công tác chuyển đổi số tại Ủy ban Dân tộc: Kết quả và những tồn tại, hạn chế

Hạnh Tâm 08/12/2024 14:57

Việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của Ủy ban Dân tộc đã được triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực, đẩy nhanh quá trình thực thi các quyết sách liên quan tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, hỗ trợ công tác giáo dục đào tạo, bảo tồn bản sắc văn hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực vùng đồng bào.

Những kết quả đạt được

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số (CĐS) tại Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Đầu tiên phải kể đến là việc thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025”, UBDT đã triển khai, đưa vào vận hành, khai thác được hệ thống đào tạo trực tuyến về kiến thức và kỹ năng ứng dụng CNTT, an toàn, an ninh mạng cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc.

UBDT đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án về CĐS và ứng dụng CNTT trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 với 5 nhiệm vụ và 7 giải pháp, nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá các sản phẩm địa phương cho bạn bè trong nước và thế giới.

a1.png
Ảnh minh hoạ

Ngoài việc ban hành những văn bản quy định liên quan đến CĐS, UBDT đã đã xây dựng thành công cẩm nang số chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên nền tảng Web và app di động và "Kiến trúc Chính phủ điện tử của UBDT, Phiên bản 2.0".

Công tác tuyên truyền cũng thực hiện sâu rộng thông qua các bài báo tuyên truyền về CĐS của UBDT đăng trên Tạp chí Dân tộc, Báo điện tử Dân tộc và Phát triển, chuyên trang CĐS… cùng các hoạt động khác như triển lãm các gian hàng trưng bày về CNTT và CĐS, khai thác dữ liệu toàn diện ứng dụng trong công tác dân tộc, hướng tới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá - giáo dục đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức của UBDT đã tiếp cận thường xuyên, sử dụng các ứng dụng, phần mềm máy tính, biết khai thác thông tin trên mạng phục vụ các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn; trên 90% cán bộ, công chức, viên chức đã thành thạo và thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử cá nhân và hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp của UBDT trong quản lý văn bản, điều hành và trao đổi công việc; dưới 30% cán bộ, công chức, viên chức có khả năng tự quản lý và phòng chống virus, malware trên máy tính.

Một số khó khăn, hạn chế

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng công tác CĐS của UBDT vẫn tồn tại một số hạn chế.

Về hạ tầng CNTT, các thiết bị kết nối mạng cơ bản đã bảo đảm cho hoạt động của hệ thống trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, một số thiết bị mạng trung tâm (core switch, switch các toà nhà…) vẫn chưa được đầu tư dự phòng đầy đủ. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chung của hệ thống trong trường hợp các thiết bị gặp lỗi.

Hơn nữa, hệ thống hạ tầng tài nguyên máy chủ vẫn triển khai theo mô hình đơn lẻ, truyền thống, chưa áp dụng những công nghệ tiên tiến như ảo hóa tập trung, cloud. Do đó, không tối ưu được tài nguyên cũng như cấp phát tài nguyên kịp thời cho triển khai ứng dụng mới.

Mặc dù hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp trên môi trường mạng trong xử lý văn bản đi, đến và xử lý công việc đã được nâng cấp đáp ứng các yêu cầu về nghiệp vụ, phù hợp với yêu cầu thực tế của UBDT nhưng hệ thống thư điện tử vẫn chưa có phần mềm sao lưu dự phòng chuyên dụng, dữ liệu sao lưu trực tiếp trên ổ cứng local của máy chủ nên rủi ro mất mát toàn phần hoặc một phần dữ liệu khi có sự cố xảy ra là rất lớn.

Hệ thống Hội nghị trực tuyến của UBDT hiện mới chỉ đảm bảo bản quyền cho 10 điểm cầu tham gia, do đó không đảm bảo tổ chức các hoạt động họp trực tuyến có thêm các điểm cầu địa phương.

Đến thời điểm hiện tại, UBDT chưa có cơ sở dữ liệu chuyên ngành về công tác dân tộc, dữ liệu nếu có cũng tản mát, không tập trung và không được thường xuyên cập nhật. Nguyên nhân là do chưa triển khai trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu LGSP nên hạn chế trong việc kết nối, cập nhật và chia sẻ dữ liệu giữa UBDT và cơ quan, bộ ngành, địa phương.

Hơn nữa, dữ liệu chưa được tạo lập toàn diện, dữ liệu còn cát cứ, rời rạc, chưa được chia sẻ giữa các hệ thống trong nội bộ UBDT và giữa các cơ quan Trung ương với địa phương. Số lượng cơ sở dữ liệu đã được xây dựng còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số; việc tích hợp và chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các hệ thống thông tin còn chậm, dẫn đến các nguồn cơ sở dữ liệu bị phân tán, thông tin số chưa bảo đảm tính xác thực cao.

Đặc biệt, về an toàn bảo mật, một số hệ thống bảo mật, an toàn thông tin của UBDT chưa có thiết bị dự phòng. Các giải pháp giám sát an ninh mạng SOC, SIEM chưa được triển khai là một rủi ro không nhỏ trong điều kiện môi trường mạng ngày càng phức tạp như hiện nay. Các máy chủ và máy trạm tại UBDT chưa được đầu tư hệ thống phòng chống mã độc chuyên dụng dẫn đến nguy cơ mất an toàn thông tin cao.

Ngoài ra, nhận thức và ý thức của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức về an toàn thông tin chưa đầy đủ là nguyên nhân đầu tiên làm mất an toàn cho các thiết bị kết nối của cá nhân và cơ quan, đơn vị. Đội ngũ cán bộ phụ trách an toàn, an ninh thông tin tại các cơ quan, đơn vị còn thiếu, cần được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về an toàn, an ninh thông tin.

Công tác CĐS của UBDT đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp thu hẹp khoảng cách về địa lý, mang cơ hội bình đẳng cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận dịch vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống. Do vậy, cần sớm khắc phục và giải quyết những khó khăn, tồn tại trên nhằm góp phần đẩy nhanh công cuộc CĐS cho đồng bào DTTS và miền núi./.

Hạnh Tâm