Các nhà văn dân tộc thiểu số trong bức tranh văn học Việt Nam sau 50 năm

Truyền thông - Ngày đăng : 06:29, 09/12/2024

Sau 1975, văn học dân tộc thiểu số có những phát triển lớn mạnh về đội ngũ, chất lượng tác phẩm; các vấn đề khác nhau trong đời sống hiện thực được soi rọi bằng một cái nhìn mới, và đáng kể nhất là sự ý thức ngày một sâu sắc về tinh thần dân tộc, bản lĩnh và vị thế dân tộc.
Truyền thông

Các nhà văn dân tộc thiểu số trong bức tranh văn học Việt Nam sau 50 năm

Cẩm Anh 09/12/2024 06:29

Sau 1975, văn học dân tộc thiểu số có những phát triển lớn mạnh về đội ngũ, chất lượng tác phẩm; các vấn đề khác nhau trong đời sống hiện thực được soi rọi bằng một cái nhìn mới, và đáng kể nhất là sự ý thức ngày một sâu sắc về tinh thần dân tộc, bản lĩnh và vị thế dân tộc.

Đây là ý kiến của TS Đỗ Thị Thu Huyền (Viện Văn học) trong cuộc Hội thảo nhìn lại 50 năm Văn học Việt Nam từ 1975 do Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa tổ chức ở Hà Nội.

Đội ngũ điệp trùng

Theo TS. Đỗ Thị Thu Huyền, sau 1975, văn học các dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển trong một bối cảnh xã hội có nhiều chuyển động, tiếp tục quán tính của chặng trước, khi còn chiến tranh. Văn học DTTS có những phát triển lớn mạnh về đội ngũ, chất lượng tác phẩm với sự ý thức ngày một sâu sắc về tinh thần dân tộc, bản lĩnh và vị thế dân tộc.

Dấu mốc quan trọng của văn học DTTS sau Đổi mới 1986, theo TS. Đỗ Thị Thu Huyền, là sự trình làng của một tập thơ quan trọng - tập “Tiếng hát tháng Giêng’’ (1987) của cố nhà thơ Y Phương.

Tác giả bài thơ nổi tiếng Nói với con đột ngột qua đời - 1
Nhà thơ Y Phương và những tác phẩm tiêu biểu.

Cũng theo TS. Đỗ Thị Thu Huyền, thành tựu nổi bật nhất của văn học DTTS hiện đại là thơ. Thơ ca các DTTS Việt Nam trong quá trình phát triển nửa thế kỷ qua đã ghi dấu nhiều tên tuổi nổi bật. Những tác giả lớp trước vẫn tiếp tục như Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn… đến những nhà thơ thế hệ trưởng thành và sung sức sau hòa bình như Vương Anh, Y Phương, Mã A Lềnh, Lò Ngân Sủn, Triệu Kim Văn, Ma Trường Nguyên, Mai Liễu, Pờ Sảo Mìn, Inrasara, Lò Cao Nhum, Dương Thuấn… rồi Chu Thùy Liên, Bùi Thị Tuyết Mai, Hoàng Thanh Hương, Hoàng Chiến Thắng…

Đối với văn xuôi DTTS, cũng sau Đổi mới, phát triển ngày một mạnh mẽ hơn, với những tên tuổi nổi bật: Y Điêng, Vi Hồng, Triều Ân, Kim Nhất, Vương Trung, Ma Trường Nguyên, Hoàng Hữu Sang, Cao Duy Sơn, Hoàng Quảng Uyên, Vi Thị Kim Bình, Hà Thị Cẩm Anh, Hữu Tiến, Hà Lâm Kỳ, Đoàn Lư, Lý Lan, Linh Nga Niêkdam, La Quán Miên…

TS. Đỗ Thị Thu Huyền phát biểu tại Hội thảo "Văn học Việt Nam sau 50 năm: Thành tựu và xu thế".

TS. Đỗ Thị Thu Huyền cho rằng, những thể loại như ký, tản văn, trường ca của dân tộc thiểu số phát triển mạnh vào những thời điểm khác nhau, một số cây bút có dấu ấn như Mã A Lềnh, Y Điêng, Lý Lan, Hoàng Quảng Uyên rồi đến các cây viết lớp sau như Hoàng A Sáng, Hoàng Chiến Thắng, Nông Quang Khiêm, Phùng Hải Yến…

Đội ngũ các tác giả viết trường ca có thể kể đến Vương Trung (người dân tộc Thái) với “Sóng Nậm Rốm”; Vương Anh (người dân tộc Mường) với “Hồn chiêng gánh núi; Inrasara (người dân tộc Chăm) có “Tháp nắng và “Lễ tẩy trần tháng Tư”...

Ở thể loại này, người dân tộc Tày thành công với những tên tuổi nổi bật: Ma Trường Nguyên (Mát xanh rừng cọ), Y Phương (Chín tháng; Đò trăng), Dương Thuấn (Mười bảy khúc đảo ca), Nông Thị Ngọc Hòa (Nước hồ mãi trong xanh), Nông Thị Tô Hường (Hằn sâu trên đá)…

Riêng thể loại kịch của DTTS, theo TS. Đỗ Thị Thu Huyền, chỉ phát triển mạnh trong khoảng thời gian từ khi hình thành đến khoảng những năm 1980, giai đoạn sau đó nó tỏ ra “đuối sức” so với các thể loại khác.

Tập trường ca Lễ tẩy trần tháng Tư của nhà thơ Inrasara.

Về lý luận phê bình văn học DTTS, trước 1986 chỉ có nhà thơ Nông Quốc Chấn viết nhiều và được biết đến nhiều trong cả công việc sáng tác lẫn nghiên cứu, phê bình, tập trung nhất là ba công trình phê bình tiểu luận: Đường ta đi, Một vườn hoa nhiều hương sắc, Chặng đường mới.

Giai đoạn sau 1986 ghi nhận những thành công nổi bật của Lâm Tiến - một nhà nghiên cứu người Nùng với các tác phẩm: Văn học các dân tộc thiểu số việt Nam hiện đại; Về một mảng văn học dân tộc; Văn học và miền núi...

Ngoài ra có thể kể đến Lò Ngân Sủn với Hoa văn thổ cẩm (4 tập); Inrasara với Song thoại với cái mới, Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo

Trăn trở về sự tiếp nối

Hội Văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam được thành lập năm 1991, với người góp công lớn nhất trong vận động sáng lập là cố nhà thơ Nông Quốc Chấn - một trong những nhà thơ DTTS tiêu biểu nhất của thế kỷ 20. Kể từ đó đến nay Hội là nơi tập hợp đội ngũ, định hướng những sáng tác và trở thành một ngôi nhà chung của văn nghệ sĩ DTTS khắp cả nước.

Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.

Bài thơ "Nói với con" nổi tiếng của nhà thơ Y Phương

Tuy nhiên, dù điểm lại những thành tựu đáng tự hào với một lực lượng sáng tác đông đảo, theo TS. Đỗ Thị Thu Huyền, câu chuyện về phát triển đội ngũ nhà văn DTTS và sự kế tục trong giai đoạn hiện tại vẫn đang gây nhiều trăn trở.

Ngay từ những năm cuối của thế kỷ trước, đã bắt đầu cảm nhận rõ sự chênh lệch về vùng miền, sự thưa vắng ở những khu vực văn học như khu vực Tây Nguyên.

Sang giai đoạn những năm đầu thế kỷ 21, theo nhà nghiên cứu Lâm Tiến, “có một sự sàng lọc gay gắt, sự thách thức nghiệt ngã đối với văn học DTTS. Các nhà văn, nhà thơ dân tộc hiểu rõ điều này hơn ai hết. Nên có người do lực bất tòng tâm không sáng tác nữa hoặc sáng tác ít đi mà chuyển sang nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, văn học dân gian.”

Điều này, đặt ra yêu cầu về việc cần quan tâm hơn nữa tới việc bồi dưỡng, phát hiện các cây bút văn chương dân tộc thiểu số để xây dựng đội ngũ kế tục.

Tuy nhiên, dù thế nào thì đánh giá một cách công bằng, trong 50 năm qua kể từ sau 1975, văn học hiện đại các DTTS vẫn có những đóng góp quan trọng trong bức tranh phong phú của văn học Việt Nam.

Thậm chí ở một số nhà văn, nhà thơ DTTS tính cách tân, tính hiện đại và chiều sâu tác phẩm còn vượt trội đối với cả nền văn học như nhà thơ Y Phương hay nhà thơ Inrasara.

Nhà thơ Nông Quốc Chấn, lúc còn sống đã nói trong lịch sử văn học giữa các dân tộc ở Việt Nam đã có sự chuyển hóa bồi đắp cho nhau tạo thành những đặc điểm chung: “Tính dân tộc của văn học Việt Nam trước hết phải được xây dựng bởi những đặc điểm chung của văn học các dân tộc cả miền núi và miền xuôi. Đó là lòng yêu nước, là lòng tự hào dân tộc, là truyền thống anh dũng chống ngoại xâm, là tinh thần cần cù lao động…

Một số tác phẩm văn học về đề tài các DTTS.
Một số tác phẩm tiêu biểu của văn học dân tộc thiểu số.

Những đặc điểm chung đó là kết quả của sự đóng góp chung của các dân tộc trên đất nước ta. Trong lịch sử phát triển của văn học nước ta từ xưa đến nay, đã có sự ảnh hưởng qua lại, bồi bổ cho nhau giữa văn học dân tộc Kinh và văn học các dân tộc thiểu số. Quan hệ đó có chiều sâu và chiều rộng, kể từ những loại hình lớn cho đến các mẫu đề nhỏ”.

Như vậy, để thấy xuất thân của các nhà văn chỉ mang tính tương đối, văn học Việt Nam không có ranh giới giữa các dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam./.

Cẩm Anh