Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp: Nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam

Truyền thông - Ngày đăng : 09:34, 09/12/2024

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn, như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Truyền thông

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp: Nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam

Đỗ Thêu 09/12/2024 09:34

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn, như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

z6095055489467_22de3a2cd33133599ee7575ae48939e5.jpg
Người dân xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng lúa.

Việc ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ sinh học đem lại nhiều lợi ích, giúp phân tích dữ liệu về môi trường, thổ nhưỡng, con giống, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng. Dựa trên những dữ liệu được cung cấp để đưa ra cách thức phù hợp như: Bón phân, tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, lựa chọn con giống… trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nhờ đó, giảm được chi phí, giảm ô nhiễm nguồn nước và đất đai, bảo vệ được sự đa dạng sinh học.

Tính đến nay, trên cả nước đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, khoảng 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp…

Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp cũng chủ động nắm bắt, ứng dụng chuyển đổi số tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ. Điển hình như thời gian qua, tập đoàn FPT đã kết hợp cùng Fujitsu, Viện Rau Quả, các chuyên gia Nhật Bản để xây dựng mô hình trồng rau mới. Trong mô hình này, công nghệ Akisai được ứng dụng để kết nối và điều khiển các yếu tố trong trang trại từ xa. Môi trường bên trong nhà kính được theo dõi, quản lý bằng máy tính để tạo ra môi trường tốt nhất cho cây cà chua và xà lách phát triển.

Một ví dụ tiêu biểu khác trong việc chuyển đổi số ngành nông nghiệp thành công chính là công ty Vinamilk. Công ty này đã ứng dụng công nghệ IoT vào việc giám sát chăn nuôi. Từ chế độ ăn đến mọi khâu chăm sóc đều được theo dõi cẩn thận theo chuẩn nông nghiệp thông minh. Nhờ đó, khối lượng sữa thu được lên tới 23 lít/con/ngày. Trang trại cũng đã được chứng nhận là trang trại hữu cơ theo chuẩn châu Âu.

Theo các chuyên gia, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp có thể giảm được một nửa chi phí và công lao động, giảm khoảng 50% khí thải nhà kính và tăng khoảng 30% năng suất.

Tại Hội nghị chuyên đề "Thúc đẩy số hoá ngành Nông nghiệp" diễn ra vào tháng 5/2024, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ, hay sắp tới là Quy định chống mất rừng (EUDR) của EU…, công nghệ số sẽ giúp ngành chứng minh điều đó.

Đặc biệt, khi Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, hàng hóa Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều cuộc điều tra về thuế, gỗ hợp pháp.... Nếu doanh nghiệp ứng dụng số, chuyển đổi số sớm trong vận hành sản xuất, quản lý doanh nghiệp thì sẽ vượt qua được các "hàng rào" của các thị trường.

Cũng tại Hội nghị này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số đã chỉ rõ: "Nghiên cứu quốc tế cho thấy, chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp sẽ cho phép lao động nông nghiệp giảm được tới 23% chi phí. Quản lý đất đai nông nghiệp bằng công nghệ số, nhất là GPS, giảm được chi phí tới 14%. Dùng công nghệ số để bón phân tuỳ biến theo từng loại cây trồng thì tiết kiệm được tới 12%. Lái xe tự động trong nông nghiệp cũng giúp giảm tới 13% chi phí. Như vậy, công nghệ số, chuyển đổi số, tự động hoá sẽ giúp ngành Nông nghiệp giảm được rất nhiều chi phí. Chi phí cho công nghệ số, chuyển đổi số sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với phần chi phí tiết kiệm được"…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số các doanh nghiệp cả nước, có tới 95% doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô nhỏ và vừa sẽ là những thách thức lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, các dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực cơ bản như: trồng rau, trồng hoa và chế biến nông sản, chăn nuôi. Theo công bố của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 10/2024, tổng vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam ước đạt khoảng 4,8 tỷ USD, với khoảng 1.300 dự án đang hoạt động. Sự đầu tư chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sinh học. Rõ ràng, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng đặt ra.

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Cụ thể, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

z6095055462153_bd8bc57a6fbc22498b762cd017ebe686.jpg
Nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.

Để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tập trung triển khai chuyển đổi số của ngành trên cả 3 trụ cột là Chính phủ số tại Bộ, kinh tế số nông nghiệp và xã hội số gắn với nông thôn số, nông dân số. Ngoài ra, toàn ngành cũng tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ chuỗi cung ứng nông sản sang liên kết giá trị ngành hàng; chuyển từ nền sản xuất sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm và bền vững.

Với nhiều giải pháp đồng bộ đang được triển khai, nhất là tập trung cho kinh tế số nông nghiệp, ngành nông nghiệp Việt Nam đang nỗ lực gia tăng thêm những ngành hàng có giá trị xuất khẩu thuộc top đầu thế giới; đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người dân, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia./.

Đỗ Thêu