Tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam
Truyền thông - Ngày đăng : 10:47, 22/11/2024
Tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam
Xu hướng của thế giới hiện nay các ngành công nghiệp văn hóa đang phát triển mạnh mẽ và được xác định là yếu tố quan trọng, bền vững nhằm thu hút nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và định vị thương hiệu quốc gia.
Định vị thương hiệu
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa. Đến nay công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, tỷ lệ đóng góp vào nền kinh tế ngày càng cao, thực sự trở thành động lực mới cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đề ra mục tiêu, yêu cầu: “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”. Nghị quyết đã thể hiện sự phát triển tư duy lý luận sâu sắc mang tính thời đại của Đảng khi khẳng định sự cần thiết phải xây dựng ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/6/2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó khẳng định: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”. Chiến lược đã xác định 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa, đề ra mục tiêu triển khai các lĩnh vực này đến năm 2030.
Phát triển công nghiệp văn hóa với nền tảng là các giá trị văn hóa Việt Nam được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra với nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.
Theo báo cáo đánh giá về kết quả triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp 2,68% vào tổng sản phẩm (GDP). Sau gần 3 năm triển khai, năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD). Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu lao động người, tăng 7,44%/năm.
Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển với sự xuất hiện của các trung tâm công nghiệp văn hóa, thành phố sáng tạo đã và đang làm thay đổi cơ cấu vùng kinh tế. Các doanh nghiệp văn hóa, gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Công nghiệp văn hóa cũng góp phần quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Việt Nam có 3 thành phố Hà Nội, Đà Lạt, Hội An đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, là sở cứ vững vàng để xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam cũng đã 4 lần được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới. Năm 2023, Việt Nam được tín nhiệm và trúng cử thành viên Uỷ ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu rất cao.
Gỡ khó để thúc đẩy công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế trọng điểm
Với truyền thống lâu đời, sự đa dạng, phong phú về bản sắc văn hóa với 54 dân tộc, Việt Nam rất có tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa tuy nhiên hiện nay vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của đất nước. Nguyên nhân là do sự phối hợp còn thiếu đồng bộ, vai trò quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, cơ chế chính sách chưa theo kịp thực tiễn; Nguồn lực đầu tư chưa tương xứng; Nguồn nhân lực phục vụ và nhân lực chất lượng cao ngành văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng; Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ còn hạn chế; Thiếu hệ thống theo dõi, thống kê để chuẩn hóa và đưa ra đánh giá…
Để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam theo hướng bền vững, hội nhập quốc tế, một số nhóm giải pháp được đề xuất: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, có chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai; Lựa chọn những ngành, lĩnh vực văn hóa có lợi thế để tập trung đầu tư phát triển.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển công nghiệp văn hóa nhằm tạo khung pháp lý và khuyến khích sự phát triển của các ngành sản xuất văn hóa; Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê và cơ sở dữ liệu về các ngành công nghiệp văn hóa; Tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành đã được phê duyệt; Dành nguồn lực từ ngân sách để đầu tư, kiến tạo động lực cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa.
Đẩy mạnh công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; Tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại; Nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa; Xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa theo hướng đa dạng, chất lượng cao dựa trên yếu tố đổi mới, sáng tạo; gắn kết giữa giá trị văn hóa truyền thống với giá trị văn hóa hiện đại; Nâng cao giá trị của các sản phẩm văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu thụ hưởng, tiêu dùng văn hóa của người dân, hướng đến xây dựng các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Việt Nam trên thị trường văn hóa quốc tế.
Các giải pháp trên đều hướng đến mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng không chỉ phục vụ kinh tế, mà còn cả trong công cuộc bảo vệ, giữ gìn bản sắc, chấn hưng văn hóa quốc gia. Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (tháng 12/2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định phát triển công nghiệp văn hóa phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường, xu thế của thời đại; gắn liền với quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; từng bước tạo dựng thương hiệu mang tầm quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; lựa chọn và triển khai một số chính sách có tính chất đột phá để phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam./.