Tập trung giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024 về đích
Truyền thông - Ngày đăng : 13:12, 14/11/2024
Tập trung giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024 về đích
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước 10 tháng năm 2024 của cả nước chỉ đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thấp hơn khoảng 4% cùng kỳ năm 2023 (56,74%), chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Quyết tâm gỡ khó hoàn thành mục tiêu đặt ra
Từ đầu năm 2024 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, nền kinh tế tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét, với những kết quả nổi bật như tăng trưởng GDP ước đạt 7,4% so với cùng kỳ; Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội phục hồi qua từng quý…
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được như tiến độ nhiều công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia được đẩy nhanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn; Nhiều Bộ, cơ quan, địa phương đạt kết quả giải ngân cao, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm 2024 của cả nước chỉ đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn khoảng 4% cùng kỳ năm 2023 (56,74%), chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Đáng chú ý, có tới 33 bộ, ngành và 22 địa phương có tỷ lệ giải ngân 10 tháng dưới mức trung bình của cả nước. Đặc biệt có một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân rất thấp như: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (0%), Ủy ban Dân tộc (1,12%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1,35%), Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh (5,01%), Đại học quốc gia Hà Nội (9%), Bộ Ngoại giao (10,03%)… Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp như: TP. Hồ Chí Minh (19,63%), Phú Yên (24,63%), Kon Tum (27,45%), Quảng Ngãi (27,98%)…
Tỷ lệ giải ngân chung của cả nước thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt là vốn ngân sách địa phương. Một số điểm nghẽn làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong các báo cáo định kỳ hằng tháng tập trung vào các vướng mắc ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, công tác lập, phân bổ kế hoạch và công tác tổ chức thực hiện.
Bộ Giao thông Vận tải là ngành có có tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao. Tính đến hết tháng 10/2024, Bộ đã giải ngân được 47.759 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch. Dự kiến cả năm sẽ giải ngân được khoảng 75.228 tỷ đồng, đạt 99,7% kế hoạch, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ là giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn giao.
Cũng nằm trong nhóm có tỷ lệ giải ngân cao (đạt 65,3% vốn kế hoạch được giao), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự án đầu tư xây dựng thường trải qua thời gian dài, trong khi chính sách, pháp luật có điều chỉnh, việc chuyển tiếp qua các thời kỳ gây nhiều khó khăn trong áp dụng pháp luật. Các quy định về trình tự, thủ tục, quy trình xây dựng, giao, điều chỉnh kế hoạch trung hạn mất nhiều thời gian, thường mất hai năm để phê duyệt chủ trương đầu tư, giao kế hoạch, phê dự án, chỉ còn ba năm để thực hiện đầu tư, dẫn đến chậm triển khai dự án.
Các Bộ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024
Theo Bộ Giao thông Vận tải hiện đã và đang triển khai nhiều giải pháp như tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm; Chỉ đạo các chủ đầu tư/ban quản lý dự án thường xuyên rà soát kế hoạch giải ngân chi tiết và cam kết chịu trách nhiệm về tiến độ giải ngân; Yêu cầu các chủ đầu tư và nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi để triển khai thi công; Phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, khai thác mỏ vật liệu; Khẩn trương hoàn thiện thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng được nghiệm thu; Các bộ phận liên quan theo dõi, giám sát tiến độ giải ngân hằng tháng, kịp thời điều hòa, điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn.
Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan quản lý về giải ngân vốn đầu tư công hàng tháng sẽ công khai số liệu giải ngân của từng dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm giao thông, dự án liên vùng, trong Chương trình Mục tiêu quốc gia gửi tới từng bộ, cơ quan Trung ươmg và địa phương để nắm bắt, có giải pháp kịp thời đôn đốc việc triển khai dự án và điều hành kế hoạch vốn của các dự án.
Chủ động thực hiện các giải pháp điều hành, đáp ứng đủ nhu cầu vốn kế hoạch năm theo tiến độ cho các dự án trong phạm vi dự toán đã được Quốc hội giao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng quyết liệt đưa ra các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo đối với các đơn vị thuộc Bộ, các chủ đầu tư để bảo đảm trong quá trình từ lập, thẩm định kỹ thuật đến xử lý hiện trường, đã thành lập tổ chuyên gia kỹ thuật đầu ngành trong lĩnh vực để giúp xử lý các vấn đề kỹ thuật bảo đảm công trình an toàn, tiết kiệm chi phí; Chuẩn bị các giải pháp xử lý, không để ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình; Lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế năng lực tốt, phù hợp với đặc thù từng dự án; Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện hoàn thành theo tiến độ thi công, kịp thời làm việc với lãnh đạo của địa phương nơi có dự án để tháo gỡ các khó khăn.
Nhằm thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra hàng loạt giải pháp như tăng cường kỷ cương, kỷ luật đầu tư công; Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bao gồm cả về vật liệu xây dựng; Thúc đẩy hoạt động của các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc giải ngân đầu tư công; Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu… Liên quan đến việc sửa đổi các cơ chế, chính sách, Bộ đã báo cáo với Chính phủ trình cấp có thẩm quyền cho phép đối với những dự án còn vướng mắc về mặt pháp lý, đặc biệt là các dự án BT chuyển tiếp, sẽ tổng hợp, nghiên cứu, rà soát để phân nhóm các loại dự án và trình Quốc hội bằng một nghị quyết để tháo gỡ.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Quốc hội sửa đổi một số luật như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để tháo gỡ điểm nghẽn chính sách, cơ chế. Mặc dù các chính sách này chưa có hiệu lực trong năm 2024 nhưng kỳ vọng năm sau khi các luật này được thông qua sẽ giải quyết được các vấn đề vướng mắc, tồn đọng. Khi đó công tác chuẩn bị đầu tư được thực hiện tốt hơn, tỷ lệ giải ngân cũng sẽ đạt yêu cầu đặt ra./.