Đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số miền núi ở Ninh Bình
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 15:11, 26/11/2024
Đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số miền núi ở Ninh Bình
Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025.
100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn văn hóa
Hiện nay đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình khoảng 30 ngàn người chiếm khoảng 3% dân số của tỉnh, với trên 8.200 hộ, chiếm 2,61% tổng số hộ của tỉnh, chủ yếu là dân tộc Mường (Chiếm khoảng 97,2% trong tổng số người dân tộc thiểu số), ngoài ra còn có các dân tộc thiểu số khác như: Nùng 170 người, Tày 321 người, Thái 270 người, Dao, Sán Dìu, M Nông, Ê đê, Hoa, Thổ, Ra Glai, Khơ me, Chăm, Si la, Xinh mun, Gia Rai, Giáy, Pà thẻn ... sinh sống rải rác và đan xen trên địa bàn các xã, thị trấn.
Ninh Bình có 7 xã khu vực 1 thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gồm các xã: Thạch Bình, Cúc Phương, Yên Quang, Văn Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm, tính đến cuối năm 2023 toàn tỉnh có 5.905 hộ nghèo đạt tỷ lệ 1,86% và 7.207 hộ cận nghèo tương ứng tỷ lệ 2,27%, trong đó: có 261 hộ nghèo dân tộc thiểu số (chiếm 4,44% tổng số hộ nghèo và 2,92% số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh).
Theo số liệu thống kê tỷ lệ xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn văn hóa, có nhà văn hóa đạt chuẩn quốc gia, thôn bản có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 100%; 99,69% người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông.
Tỉnh Ninh Bình luôn ưu tiên mọi nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trong lĩnh vực giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các dân tộc thiểu số. Các chỉ số liên quan đến giáo dục đều đạt tỉ lệ cao: Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi người dân tộc thiểu số tới trường đạt 99,7%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi tiểu học tới trường đạt 99,97%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi THCS tới trường đạt 98,98%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi THPT tới trường đạt 93%; tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 99,69%.
Đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, công tác phòng chống và kiểm tra giám sát tình hình dịch bệnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì, ngành y tế chuẩn bị đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Tỷ lệ phụ nữ có thai được được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế đạt 100%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi toàn tỉnh năm 2023 đạt dưới 18,4%; tỷ lệ xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia là 100%; tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ là 100%; tỷ lệ thôn, bản có cán bộ y tế là 100%; tỷ 5 lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch hợp vệ sinh là 100%, tỷ lệ hộ dùng nước sạch (nước máy) khoảng 10%...
Phấn đấu 2025 về đích
Trên thực tế, các chính sách dân tộc đã và đang được triển khai hiệu quả, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tăng gấp 2 lần so với năm 2020 và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 đã hướng đến nhiều đối tượng, bao gồm các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ gia đình và cá nhân người dâm tộc thiểu số; các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế hoạt động tại địa bàn.
Ninh Bình triển khai 8 dự án thành phần thuộc Chương trình, trong đó Dự án 1 tập trung giải quyết các vấn đề về thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho cộng đồng dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện đời sống và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại khu vực.
Năm 2024, Ninh Bình đã triển khai cấp kinh phí phân bổ và giao chi tiết cho các đơn vị thực hiện Chương trình kịp thời và đảm bảo theo đúng quy định. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình trong năm là 42,785 tỷ đồng, gồm 16 tỷ đồng vốn đầu tư và 26,785 tỷ đồng vốn sự nghiệp.
Tính đến tháng 11/2024, tổng số vốn giải ngân đạt 27,264 tỷ đồng, tương ứng với 63,7% kế hoạch năm. Trong đó, vốn sự nghiệp giải ngân đạt 20,264 tỷ đồng (75,7% kế hoạch) và vốn đầu tư đạt 7,0 tỷ đồng (43,8% kế hoạch).
Nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra trong Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 15/11/2022 của tỉnh như 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông, 100% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. Tất cả trường, lớp học được xây dựng kiên cố, 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia, và toàn bộ đồng bào DTTS được tiếp cận truyền hình, phát thanh.
Trong giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh Ninh Bình đã phân bổ tổng cộng 134,665 tỷ đồng để triển khai 8 dự án thành phần của Chương trình. Trong đó, Dự án 1 được bố trí kinh phí 6,531 triệu đồng (Vốn đầu tư 1 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 5,531 triệu đồng).
Dự án 1 tập trung hỗ trợ các hộ dân tộc thiểu số nghèo chưa có đất ở, nhà ở hoặc nhà ở đã xuống cấp nghiêm trọng, cũng như các hộ làm nghề nông, lâm nghiệp nhưng thiếu đất sản xuất hoặc gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Các đối tượng ưu tiên bao gồm hộ nghèo thuộc các dân tộc gặp nhiều khó khăn, hộ nghèo có phụ nữ làm chủ hộ và là lao động chính, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động.
Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện Chương trình đúng tiến độ, quy định và tăng cường tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ chính sách hỗ trợ. Đồng thời, tỉnh tập trung kiểm tra, giám sát, tháo gỡ kịp thời các khó khăn phát sinh. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh chú trọng đào tạo cán bộ, đặc biệt tại cơ sở, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải thiện cơ sở hạ tầng và xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các dự án hỗ trợ nước sạch, nhà ở kiên cố và giáo dục nghề cũng sẽ được đẩy mạnh, góp phần phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.