Kết hợp đối ngoại với quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Truyền thông - Ngày đăng : 10:23, 09/12/2024
Kết hợp đối ngoại với quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, công tác đối ngoại, luôn được phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh để phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững nền độc lập, tự chủ, hoà bình và ổn định của quốc gia.
Mối quan hệ chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại
Quốc phòng, an ninh và đối ngoại luôn là những lĩnh vực trọng yếu, là biểu trưng của sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, ông cha ta luôn coi trọng việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ cho “trong ấm, ngoài êm”; vừa chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng; đồng thời mở rộng bang giao, hòa hiếu với các nước láng giềng.
Từ khi có Đảng lãnh đạo, việc kết hợp quốc phòng, an ninh với đối ngoại càng được phát huy cao độ. Mỗi bước thắng lợi trong lịch sử cách mạng nước ta đều mang dấu ấn của sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa đối ngoại và quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, hoạt động ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với đấu tranh quân sự và chính trị, hỗ trợ đắc lực cho mặt trận quân sự, phá thế bao vây, giành thế chủ động, tạo dựng mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta, đưa tới thắng lợi trọn vẹn vào ngày 30/4/1975, tạo tiền để đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và bước vào công cuộc đổi mới.
Trong gần 40 năm đổi mới, cùng với phát triển kinh tế, văn hóa thì quốc phòng, an ninh và đối ngoại tiếp tục được xác định là những trụ cột quan trọng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) xác định “kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh, quốc phòng, an ninh với kinh tế trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.
Tại các kỳ đại hội Đảng sau đó, chủ trương kết hợp quốc phòng, an ninh với đối ngoại tiếp tục được nhấn mạnh và mở rộng. Sách Trắng Quốc phòng Việt Nam (năm 2009) cũng khẳng định: “Quốc phòng Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam”.
Đến năm 2016, từ thực tiễn tổng kết 30 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, văn kiện Đại hội XII một lần nữa khẳng định việc “kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại; tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh”. Trong đó, xác định quan điểm chủ động giữ nước trong thời bình “có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”.
Tới Đại hội XIII (năm 2021), nhất quán với chủ trương của các kỳ đại hội trước, nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được xác định là những nội dung quan trọng, có quan hệ mật thiết với nhau và được Đảng ta bổ sung, phát triển những nhận thức mới.
Theo đó, một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là “Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội Nhân dân (QĐND), Công an Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND, Công an Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Có thể thấy sự gắn kết hữu cơ giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh trong gần 40 năm đổi mới đã góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc; gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đưa đất nước vững bước vào tiến vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Kết hợp đối ngoại với quốc phòng - an ninh trong tình hình mới
Chia sẻ trong bài phỏng vấn nhân kỷ niệm 79 năm thành lập ngành Ngoại giao, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, sau gần 40 năm đổi mới đất nước, công tác đối ngoại, ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định.
Trước những biến động phức tạp và những tác động từ bên ngoài, Việt Nam vẫn kiên định giữ vững độc lập, tự chủ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược để xử lý đúng đắn, hài hoà quan hệ với các đối tác cũng như các tình huống phức tạp, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột, từ sớm, từ xa.
“Cùng với quốc phòng, đối ngoại đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; quốc phòng và đối ngoại có mối quan hệ chặt chẽ, bổ trợ lẫn nhau. Nếu như quốc phòng là lực lượng trực tiếp, nòng cốt trong việc bảo vệ đất nước trước các nguy cơ từ bên ngoài; đối ngoại có vai trò quan trọng trong việc tạo lập quan hệ hữu nghị với các nước, dùng các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, qua đó ngăn ngừa nguy cơ xung đột”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết.
Nghị quyết số 44-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) ban hành tháng 11/2023 cũng đã xác định rõ hơn vị trí, vai trò của quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong tình hình mới. Trong đó, đã nhấn mạnh vai trò của đối ngoại, nhất là trong tạo vành đai an ninh, an toàn, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ bên ngoài lãnh thổ. Điều đó thể hiện tư duy mới của Đảng trong khẳng định vị trí, vai trò và mối quan hệ ngày càng chặt chẽ của đối ngoại đối với quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Tư duy mới của Đảng về tăng cường mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại còn được thể hiện sâu sắc hơn khi Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới nêu rõ vai trò, lợi thế, chủ thể, lực lượng của công tác đối ngoại trong mối quan hệ rường cột này; đó là triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại; kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh; trong đó, cần nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò, thế mạnh đặc thù của từng trụ cột đối ngoại và các chủ thể, lực lượng tham gia công tác đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.
Không chỉ vậy, nếu trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta mới đề cập việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại thì Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã khẳng định vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Điều đó có nghĩa là Đảng ta đã xếp đối ngoại cùng vế với kinh tế, văn hóa, xã hội trong mối quan hệ tương hỗ với quốc phòng, an ninh và coi đối ngoại là một lĩnh vực có quan hệ đồng đẳng, trực tiếp với quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Trong bối cảnh tình hình thế giới những năm tới tiếp tục có những chuyển biến sâu sắc, chứa đựng những nhân tố khó lường, tác động nhiều chiều tới an ninh và phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, việc kết hợp giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại vẫn là yêu cầu cấp thiết, là nghệ thuật tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.