Thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng chiến lược dữ liệu quốc gia

Truyền thông - Ngày đăng : 10:08, 15/11/2024

Xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là vô cùng quan trọng, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo hành lang pháp lý cho công tác này.
Truyền thông

Thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng chiến lược dữ liệu quốc gia

Hồng Nhung 15/11/2024 10:08

Xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là vô cùng quan trọng, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo hành lang pháp lý cho công tác này.

Dữ liệu cá nhân cơ bản và nhạy cảm

Theo Bộ Công an cho biết hiện nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam chỉ có 1 văn bản là Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2024 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân đưa ra định nghĩa về dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân, chưa có văn bản Luật nào quy định về vấn đề này.

Tuy nhiên, đây mới là văn bản nghị định, chưa phải văn bản Luật nên cần thống nhất thực hiện trong thực tiễn, cần có văn bản Luật mang tính nguyên tắc, góp phần tiếp tục thể chế hóa quy định của Hiến pháp để các quy phạm khác tuân thủ, phát triển.

anh-bai-ttcs-du-lieu-ca-nhan.jpg
Dữ liệu cá nhân nhạy cảm là thông tin khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân...

Tại dự thảo về Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ Công an đề xuất định nghĩa dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể, bao gồm: dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Dữ liệu cá nhân cơ bản là thông tin cơ bản của công dân hoặc các thông tin khác không phải dữ liệu cá nhân nhạy cảm, gắn liền với danh tính của công dân, gồm 11 trường thông tin sau: a) Họ, chữ đệm và tên khai sinh, bí danh (nếu có); b) Ngày, tháng, năm sinh; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích; c) Giới tính; d) Nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, quê quán, địa chỉ liên hệ; đ) Quốc tịch; e) Hình ảnh của cá nhân; g) Số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số định danh cá nhân, số hộ chiếu, số căn cước công dân, số giấy phép lái xe, số biển số xe, số mã số thuế cá nhân, số bảo hiểm xã hội, số thẻ bảo hiểm y tế; h) Tình trạng hôn nhân; i) Thông tin về mối quan hệ gia đình (cha mẹ, con cái); k) Thông tin về tài khoản số của cá nhân; dữ liệu cá nhân phản ánh hoạt động, lịch sử hoạt động trên không gian mạng. l) Các thông tin khác gắn liền với danh tính của công dân không thuộc quy định tại 4 Điều này.

Dữ liệu cá nhân nhạy cảm là thông tin khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân, gồm 11 trường thông tin: a)Quan điểm chính trị, quan điểm tôn giáo; b) Tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, không bao gồm thông tin về nhóm máu; c) Thông tin liên quan đến nguồn gốc chủng tộc, thông tin liên quan đến nguồn gốc dân tộc, d) Thông tin về đặc điểm di truyền được thừa hưởng hoặc có được của cá nhân; đ) Thông tin về thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học riêng của cá nhân; e) Thông tin về đời sống tình dục, xu hướng tình dục của cá nhân; g) Dữ liệu về tội phạm, hành vi phạm tội được thu thập, lưu trữ bởi các cơ quan thực thi pháp luật; h) Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các tổ chức được phép khác, gồm: thông tin định danh khách hàng theo quy định của pháp luật, thông tin về tài khoản, thông tin về tiền gửi, thông tin về tài sản gửi, thông tin về giao dịch, thông tin về tổ chức, cá nhân là bên bảo đảm tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; i) Thông tin về người sử dụng đất, dữ liệu đất đai có chứa thông tin về người sử dụng đất; k) Dữ liệu về vị trí của cá nhân được xác định qua dịch vụ định vị; l) Dữ liệu cá nhân khác được pháp luật quy định là đặc thù và cần có biện pháp bảo mật cần thiết.

Cần sớm hoàn thiện Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Tại Hội thảo Khoa học “Chiến lược Dữ liệu Quốc gia – Góp ý xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân” do Bộ Công an, Viện Quản trị Chính sách chủ trì tổ chức, chuyên gia Lê Nguyễn Thiên Nga, Nghiên cứu trưởng vận động chính sách Chiến lược Dữ liệu Quốc gia, chủ trì Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống khẳng định hội thảo là hoạt động cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số. Trên con đường đạt tới mục tiêu này, Việt Nam phải đối mặt với điểm nghẽn chuyển đổi số quốc gia, mà cụ thể là thách thức và rủi ro dữ liệu.

Thiếu tá Đào Đức Triệu, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục A05) - Bộ Công an, đại diện Ban soạn thảo Dự thảo Luật bảo vệ Dữ liệu cá nhân cho biết, với dân số trên 100 triệu người, Việt Nam có 168,5 triệu thuê bao di động với 78,44 triệu người sử dụng Internet và 72,7 triệu người sử dụng mạng xã hội tính đến tháng 1/2024. Tỷ lệ thâm nhập Internet của Việt Nam đứng ở mức 79,1% tổng dân số vào đầu năm 2024.

Thực tế cho thấy, tình trạng lộ dữ liệu cá nhân đã và đang diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng, dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai.

Chính vì vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là vô cùng quan trọng, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo hành lang pháp lý cho công tác này. Đồng thời nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ đánh dấu bước tiến lớn đầu tiên trong nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam một cách hiệu quả. Sau hơn một năm thực hiện Nghị định trên, năm 2023 và đầu năm 2024, Bộ Công an đã phát hiện nhiều cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân. Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam đã bị phát hiện, đấu tranh, xử lý. Việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đem lại nhiều lợi ích, như xây dựng lòng tin của khách hàng, cải thiện uy tín thương hiệu, cải thiện quy trình kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và doanh nghiệp…

Việc hoàn thiện pháp lý về Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng chiến lược dữ liệu quốc gia. Cần tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế được tham gia ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật. Thiết kế Luật vừa đảm bảo tính đột phá về thu thập, lưu trữ, bảo vệ dữ liệu cá nhân, vừa phù hợp với thực trạng kinh tế, xã hội tại Việt Nam và xây dựng lộ trình áp dụng phù hợp. Bên cạnh đó công tác truyền thông, quán triệt sâu rộng toàn xã hội là rất cần thiết để Luật sớm đi vào cuộc sống.

Trong tổng thể Chiến lược Dữ liệu Quốc gia – Xây dựng Luật Dữ liệu, trên nền tảng dữ liệu dân cư, căn cước công dân và định danh xác thực điện tử (trong đó dữ liệu dân cư là bộ dữ liệu lõi, gốc) nằm trong tổng thể mô hình tam giác để tạo lập dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, một bộ dữ liệu khác là dữ liệu định danh về cá nhân, định danh về cơ quan tổ chức và định danh về địa điểm. Ba bộ dữ liệu này sẽ tạo lập nên các dữ liệu chuyên ngành khác, bổ trợ cho nhau trong quá trình chuyển đổi số. Trong đó, bộ dữ liệu về định danh cá nhân đang được xem là cơ sở chủ chốt trong tạo lập dữ liệu toàn dân./.

Hồng Nhung