Để người dân tích cực tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Truyền thông - Ngày đăng : 08:49, 02/12/2024
Để người dân tích cực tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong các chương trình, chiến lược về cải cách hành chính, chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Các chương trình này đều nhấn mạnh quan điểm lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá. Vậy tại sao mức độ sẵn sàng sử dụng DVCTT của người dân chưa cao.
Thực trạng
DVCTT ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều người dân sử dụng bởi những lợi ích mà nó đem lại trong việc hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính công trên môi trường mạng từ đó giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí. Trong bốn năm qua, môi trường pháp lý cho triển khai DVCTT cơ bản được hoàn thiện; tạo thuận lợi cho triển khai cung cấp DVCTT theo hướng toàn diện, toàn trình, với việc ban hành 1 luật, 6 nghị định và 4 thông tư.
Từ năm 2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ ban hành 9 quyết định, 5 chỉ thị chỉ đạo, điều hành để triển khai cung cấp DVCTT phục vụ người dân, doanh nghiệp. Một nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số trong các tháng cuối năm 2024 là thúc đẩy, nâng cao hiệu quả sử dụng DVCTT, với mục tiêu đến cuối năm tỷ lệ dân số trưởng thành dùng DVCTT đạt 40%. Đây được xem là một bước tiến dài về cung cấp, sử dụng DVCTT.
DVCTT đã được xác định là trọng tâm của giai đoạn phát triển Chính phủ điện tử. Đến nay Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận thức rõ sự cần thiết phải thay đổi căn bản việc cung cấp DVCTT tại Việt Nam để đại đa số người dân sử dụng được. Toàn trình và chất lượng đã được xác định là 2 yếu tố căn bản, cần có bước đột phá trong cung cấp DVCTT.
Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ đầu năm 2024, hoạt động cung cấp DVCTT toàn trình đã tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, trong 2 quý đầu năm 2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 42%, tăng gấp 2,5 lần so với cuối năm 2023; tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình toàn quốc đạt 55,5%, trong đó khối bộ đạt 59,68% và khối địa phương đạt 55,38%.
Mục tiêu trước mắt là đến hết năm 2024, đưa tỷ lệ DVCTT toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 80%; 40% dân số trưởng thành sử dụng DVCTT; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính.
Với vai trò cơ quan điều phối triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia và các chiến lược phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xác định 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng cuối năm nay là nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng DVCTT.
Mục tiêu đặt ra đến cuối năm nay là tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của các bộ, ngành đạt 65% và đạt tối thiểu 30% với các địa phương; tỷ lệ cung cấp DVCTT toàn trình vào cuối năm 2024 cần đạt 70% với các bộ, ngành và đạt tối thiểu 85% đối với các địa phương.
Ưu tiên số hóa các thủ tục hành chính có tần suất sử dụng cao
Thay đổi hình thức cung ứng dịch vụ công từ trực tiếp sang trực tuyến là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động cải cách hành chính. Việc giải quyết các thủ tục hành chính thông qua DVCTT góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và mức độ hài lòng của người dân nhưng đồng thời đây cũng chính là thước đo đánh giá kết quả của chuyển đổi số.
Dịch vụ công chủ yếu liên quan đến các thủ tục hành chính, phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp và cá nhân. Do đó, đối tượng chính thụ hưởng DVCTT gồm có doanh nghiệp và người dân. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp đã có điều kiện tiếp cận tốt hơn với các DVCTT, đặc biệt trong các lĩnh vực chuyên ngành như thuế, bảo hiểm xã hội, hải quan... do đã có sự cải thiện đáng kể, giúp doanh nghiệp có thể tự khai báo, nộp hồ sơ và thực hiện một số dịch vụ thanh toán trực tuyến.
Điển hình là các dịch vụ khai báo thuế, khai báo bảo hiểm xã hội… thay vì phải đến trực tiếp cơ quan thuế hay bảo hiểm, doanh nghiệp có thể hoàn thành hồ sơ và nộp trực tuyến, đạt đến mức độ cao nhất là toàn trình.
Tuy nhiên hiện nay tỷ lệ người dân tham gia sử dụng DVCTT vẫn chưa cao nên cần thiết phải tìm ra các nguyên nhân và xây dựng giải pháp để nâng cao hiệu quả việc sử dụng DVCTT. Kết quả khảo sát ở một số địa phương cho thấy khoảng 90% các hồ sơ trực tuyến hiện nay vẫn do công chức thực hiện thay cho người dân. Người dân chưa có khả năng tự thực hiện toàn trình, từ nộp hồ sơ, thanh toán đến nhận kết quả tại nhà.
Hiện chỉ có một số ít DVCTT phục vụ người dân đạt được mức toàn trình. Trong khi đó, với hơn 2.000 DVCTT dành cho người dân, hoặc trong nhóm 25 dịch vụ công thiết yếu, trọng điểm, phát sinh nhiều hồ sơ nhất mà chính phủ khuyến khích sử dụng, tỷ lệ người dân tự thực hiện được toàn trình vẫn rất thấp.
Theo các chuyên gia DVCTT ở Việt Nam chưa đạt hiệu quả vì hệ thống định danh và xác thực giao dịch vẫn chưa hoàn thiện, gây khó khăn trong việc xác minh danh tính của người tham gia giao dịch. Điều này làm cản trở quá trình giao dịch trực tuyến. Bên cạnh đó, quy trình nội bộ của nhiều cơ quan nhà nước vẫn dựa trên mô hình xử lý hồ sơ giấy, chưa tối ưu hóa cho môi trường số, làm giảm hiệu quả khi chuyển đổi sang giao dịch điện tử. Hơn nữa, các kênh giao dịch trực tuyến như cổng dịch vụ công quốc gia hay các ứng dụng di động hiện tại chưa thân thiện với người dùng, khiến nhiều người gặp khó khăn khi sử dụng. Cả ba yếu tố trên cần được cải thiện để nâng cao hiệu quả và tính thuận tiện của DVCTT.
Để cải thiện DVCTT tại Việt Nam cần thực hiện chia sẻ dữ liệu định danh giữa các cơ quan liên quan, tận dụng hệ thống dữ liệu công dân do Bộ Công an xây dựng vì đây là nền tảng giúp xác thực danh tính trong các giao dịch hành chính trực tuyến. Quy trình xử lý thủ tục hành chính cần được thiết kế để phù hợp với môi trường số, thay vì giữ nguyên quy trình giấy tờ. Việc này đòi hỏi không chỉ thay đổi quy trình nội bộ mà còn cần điều chỉnh các quy định pháp luật liên quan. Có ý kiến cho rằng không cần số hóa toàn bộ hơn 2.000 thủ tục hành chính cùng lúc. Thay vào đó, nên ưu tiên các thủ tục có tần suất sử dụng cao để đảm bảo hiệu quả và khả thi khi triển khai.
Đơn cử như các loại giấy tờ quan trọng mà người dân thường cần cấp lại, như bằng lái xe, giấy khai sinh, hay phiếu lý lịch tư pháp... việc triển khai trên ứng dụng di động là giải pháp phù hợp nhất.
Việc ưu tiên chuyển đổi số cho những thủ tục này sẽ đáp ứng nhu cầu cấp thiết nhất của họ người dân. Khi triển khai số hóa một số thủ tục phổ biến và thiết yếu, giúp người dân cảm thấy thuận tiện và hiệu quả hơn. Khi nhận thấy sự tiện lợi trong các thủ tục hành chính trực tuyến, người dân sẽ tự nhiên tích cực ủng hộ và sử dụng DVCTT./.